Nhóm kháng sinh Tetracycline: Tác dụng, tác dụng phụ và sự kháng thuốc

(1 / 2)

Tetracyclin là một nhóm kháng sinh có phổ kháng khuẩn tương đối rộng, chúng có thể tác dụng trên các các vi khuẩn Gram(-), Gram(+), Rickettsia, Xoắn khuẩn … Được chỉ định trong điều trị các bệnh như Brucella, sốt định kỳ, tả, lậu cầu, giang mai… Dưới đây là thông tin chi tiết về nhóm kháng sinh Tetracyclin.

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Lịch sử phát triển các Tetracyclin có sự đóng góp của hàng ngàn nhà nghiên cứu, nhà khoa học, bác sĩ, giám đốc doanh nghiệp trong suốt hơn 60 năm. Được phát hiện có nguồn gốc tự nhiên từ xạ khuẩn Streptomyces, tetracyclin (kháng sinh đầu tiên trong nhóm này) được báo cáo trong tài liệu khoa học năm 1948. Chúng được ghi nhận có hoạt phổ rộng và được thương mại hóa từ cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1950. Các chất tương tự được bán tổng hợp thế hệ hai và gần đây là thế hệ ba chứng tỏ sự phát triển liên tục của nhóm, với sự cải thiện các thông số dược động học: tăng tỉ lệ hấp thu khi uống, bền với acid… đồng thời mở rộng phổ, kéo dài thời gian tác dụng và tăng hiệu lực kháng khuẩn.

Tetracyclin
Ảnh: Tetracyclin – Kháng sinh đầu tiên của nhóm Tetracyclin.

Công thức tổng quát của các kháng sinh thuộc nhóm này như sau:

Tất cả các kháng sinh nhóm này đều là dẫn chất của nhân octahydronaphtacen. Trừ tetracyclin, các kháng sinh còn lại trong nhóm đều không còn nhóm –OH ở carbon số 6 (C6) nên không bị biến đổi trong môi trường acid mạnh hoặc base mạnh (Khi bị biến đổi, thuốc mất hoạt tính và độc với thận). Các thuốc này nếu ở dạng bột kết tinh thì đều màu vàng và có vị đắng.

Phân loại

Phân loại theo thế hệ:

Thế hệ 1

(sinh tổng hợp)

Thế hệ 2

(bán tổng hợp)

Thế hệ 3

(tổng hợp toàn phần)

Tetracyclin

Oxytetracyclin

Chlortetracyclin

Demeclocyclin

Doxycyclin

Methacyclin

Lymecyclin

Meclocyclin

Minocyclin

Rolitetracyclin

Tigecyclin

Omadacyclin

Phân loại theo thời gian tác dụng:

Tác dụng ngắn

Tác dụng trung bình

Tác dụng dài

Tetracyclin

Oxytetracyclin

t1/2 ~ 6-8h

Demeclocyclin

Methacyclin

t1/2 ~ 12h

Doxycyclin

Minocyclin

t1/2 ~ 16-18h

Phổ kháng khuẩn

Streptococcus pyogenes
Hình ảnh: Vi khuẩn Streptococcus pyogenes

Phổ kháng khuẩn rất rộng, tuy nhiên do lạm dụng hiện nay đã kháng nhiều, trừ các kháng sinh có khung của Minocyclin vẫn có thể diệt được một số vi khuẩn đã kháng các Tetracyclin khác.

Vi khuẩn

Rất nhạy cảm

(MIC < 1 µg/ml huyết tương)

Nhạy cảm

(1 µg/ml < MIC < 10 µg/ml)

Gram(+)

S.pyogenes

S.viridans

S.faecalis

Gram(-)

N.gonorrhoeae

N.meningitidis

H.influenzae

B.anthracis

Y.pestis

C.welchii

C.tetani

C.diphtheriae

E.coli

K.pneumoniae

Salmonella spp.

Shigella spp.

H.pylori

Ngoài ra nhóm còn có tác dụng trên các vi khuẩn không điển hình: Mycoplasmas, Rickettsiae, Chlamydiae và cả các kí sinh trùng đơn bào P.falciparum, T.vaginalis, E.histolytica, G.lamblia, L.major, T.gondii.

Chú thích: MIC: Nồng độ kháng sinh tối thiểu ức chế vi khuẩn in vitro (trong ống nghiệm).

Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của các thuốc
Hình ảnh: Cơ chế tác dụng của các thuốc

Các Tetracyclin ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách tác động vào tiểu đơn vị bé 30S của ribosom, ngăn chặn sự liên kết của phức hợp acid amin – tARN với ribosom. Để liên kết với ribosom, nó cần đi qua một loạt các hệ thống màng sinh học của vi khuẩn nhạy cảm. Các Tetracyclin đi qua màng tế bào của vi khuẩn gram(-) đường ruột thông qua các kênh porin OmpF và OmpC. Sự hấp thu các Tetracyclin qua màng tế bào phụ thuộc năng lượng của lực đẩy proton do chênh lệch độ pH hai bên màng. Trong tế bào chất, chúng có khả năng tạo phức chelat do nồng độ ion kim loại và pH ở trong tế bào cao hơn ngoài tế bào. Sự kết hợp của các Tetracyclin với tiểu phần 30S là có hồi phục, do đó đây là kháng sinh kìm khuẩn. Các nhà khoa học thấy rằng sự gắn kết của các Tetracyclin (kích thước 8-12 Å) với tiểu phần 30S dường như gây ra sự thay đổi cấu trúc trên phạm vi rộng của rARN 16S.

Ngoài ra các Tetracyclin còn có thể ức chế tiểu đơn vị 30S của ribosom có trong ti thể, điều này giải thích tại sao chúng còn có tác dụng trên cả một số kí sinh trùng. Tuy nhiên, một số động vật nguyên sinh khác thiếu ti thể vẫn nhạy cảm với Tetracyclin. Hiện tại chưa có giải thích thỏa đáng cho việc này.

Tác dụng của tetracyclin

Điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm với thuốc gây ra. Một số trường hợp hay dùng bao gồm: mụn trứng cá, nhiễm khuẩn Chlamydiae (bệnh Nicolas-Favre, mắt hột, viêm phế quản), Rickettsiae (sốt mò), viêm phổi do M.pnemoniae, nhiễm Brucella, loét dạ dày – tá tràng do H.pylori, bệnh Lyme, bệnh than, tả, lị, dịch hạch…

Chlamydiae
Hình ảnh: Qúa trình nhân lên của Chlamydiae

Tác dụng phụ

Rối loạn tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy…

Hoại tử chỗ tiêm.

Độc với gan và thận.

Rối loạn khác ít gặp: thiếu máu tan máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, dị ứng…

Đặc biệt có khả năng tạo phức với calcium của xương và răng nên gây vàng xương và răng, ảnh hưởng đến phát triển xương của trẻ và ức chế phát triển xương ở phôi nên chống chỉ định cho trẻ < 8 tuổi và phụ nữ có thai.

Tham khảo thêm:

Tác dụng phụ của nhóm kháng sinh macrolid

Tác dụng phụ của nhóm kháng sinh cephalosporin

Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn

Xuất hiện bơm ngược (Efflux Bump): Bơm này tống thuốc ra ngoài làm phân tử thuốc ra ngoài tế bào nhanh hơn là đi vào. Do đó nồng độ thuốc bên trong tế bào rất thấp không đủ để ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn. Cơ chế này gặp nhiều ở vi khuẩn đề kháng với Tetracyclin và Macrolid.

Giảm tính thấm màng tế bào: Mất hoặc thay đổi cơ chế vận chuyển thuốc qua màng tế bào làm hạn chế thuốc đi qua màng tế bào.

Bảo vệ hoặc biến đổi đích gắn kháng sinh: Bằng cách tạo ra cơ chế bảo vệ tiểu phần ribosom 30S của vi khuẩn hoặc đột biến gen cấu trúc làm biến đổi tiểu phần 30S của ribosom dẫn đến giảm ái lực với các phân tử thuốc. Các gen đột biết kháng tetracyclin (tet) và oxytetracyclin (otr) đã được phát hiện. Chúng không chỉ mã hóa cho các protein bảo vệ ribosome (7 gen tet và 1 gen otr), mà còn mã hóa cho các bơm ngược đã nói ở trên (18 gen tet và 1 gen otr).

Tương tác thuốc

Các kháng sinh diệt khuẩn: Có thể gây ra tác dụng đối kháng khi phối hợp với các thuốc loại này do chúng thường tác động tốt vào các tế bào đang nhân lên, trong khi các Tetracyclin lại kìm hãm sự phát triển của các tế bào này.

Thuốc lợi tiểu: phối hợp có thể gây tăng ure huyết.

Các thuốc tránh thai đường uống: các Tetracyclin có thể làm giảm hiệu quả các thuốc này.

Các sản phẩm chứa calcium, sắt, magnesium (thuốc nhuận tràng, thuốc kháng acid dùng trong loét dạ dày – tá tràng): có thể làm thuốc giảm tác dụng. Nên dùng các Tetracyclin 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi dùng các sản phẩm trên trừ các sản phẩm chứa sắt. Nên dùng thuốc 2 giờ trước hoặc 3 giờ sau khi dùng các sản phẩm chứa sắt.

Các sản phẩm từ sữa cũng có thể cản trở hấp thụ thuốc. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về vấn đề này.

Khi dùng thuốc, da bệnh nhân nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Nên tránh tiếp xúc không cần thiết hoặc kéo dài với ánh nắng mặt trời khi dùng thuốc.

Xem thêm tương tác thuốc kháng sinh tại: Tương tác thuốc

Tham khảo thêm: Vấn đề kháng kháng sinh hay dùng nhất hiện nay – Cephalosporin

Cập nhật các thông tin y dược tại: Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here