Thời điểm khởi phát chuyển dạ tối ưu sau ối vỡ non ở thai đủ tháng

(1 / 5)

songkhoemoingay.com – Thời điểm khởi phát chuyển dạ tối ưu sau ối vỡ non ở thai đủ tháng

Thời điểm khởi phát chuyển dạ tối ưu sau ối vỡ non ở thai đủ thángThời điểm khởi phát chuyển dạ tối ưu sau ối vỡ non ở thai đủ tháng
Thời điểm khởi phát chuyển dạ tối ưu sau ối vỡ non ở thai đủ tháng

Ối vỡ non (PROM – Prelabor rupture of membranes), được định nghĩa là vỡ ối trước khi bắt đầu chuyển dạ, xảy ra ở khoảng 8% trường hợp mang thai đủ tháng, và có liên quan đến một số biến chứng, bao gồm nhiễm trùng ở mẹ và trẻ sơ sinh, sa dây rốn, nhau bong non và ngạt sơ sinh, cũng như tăng nguy cơ mổ lấy thai. Tuy vậy, hướng xử trí tối ưu đối với thai đủ tháng liên quan đến thời điểm khởi phát chuyển dạ vẫn chưa rõ ràng. Trong đó, theo dõi chờ đợi có thể làm tăng khả năng chuyển dạ tự nhiên, làm giảm thời gian nhập viện và sử dụng các nguồn lực, trước đây được cho là làm giảm nguy cơ sinh mổ. Nhưng mối quan tâm chính liên quan đến chiến lược này là nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh và sản phụ, nguy cơ này tăng dần theo thời gian sau ối vỡ non. Do đó, khởi phát chuyển dạ ngay lập tức hoặc trong một khoảng thời gian cụ thể sau ối vỡ thường là cách tiếp cận được ưu tiên giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, thời điểm khởi phát chuyển dạ lý tưởng, có thể mang lại sự cân bằng tối ưu giữa lợi ích của khởi phát chuyển dạ và theo dõi chuyển dạ tự nhiên vẫn chưa được biết rõ.

Trong một đánh giá của Cochrane năm 2017, khởi phát chuyển dạ sớm trong các trường hợp ối vỡ non có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng ở mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời giảm nguy cơ mổ lấy thai khi so sánh với theo dõi chờ đợi tự nhiên. Tuy nhiên, những phát hiện này vẫn bị hạn chế bởi chất lượng bằng chứng thấp của hầu hết các nghiên cứu được đưa vào tổng quan.

Hiện nay, nguồn bằng chứng tốt nhất về quản lý ối vỡ non là nghiên cứu về ối vỡ trước sinh ở thai đủ tháng (TERMPROM) được công bố vào tháng 3/2023. Đây là một phân tích thứ cấp từ thử nghiệm TERMPROM, một thử nghiệm lâm sàng quốc tế, đa trung tâm, ngẫu nhiên về khởi phát chuyển dạ ngay lập tức so với theo dõi đợi chuyển dạ tự nhiên ở sản phụ thai đủ tháng bị vỡ ối non (tuổi thai ≥ 37+0/7 tuần). Những sản phụ này được lựa chọn ngẫu nhiên để khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin hoặc prostaglandin E2 hoặc theo dõi tự nhiên trong tối đa 4 ngày (tiếp theo đó là khởi phát chuyển dạ bằng oxytocin hoặc prostaglandin E2, nếu cần). Kết quả sơ sinh chính là sự kết hợp của nhiễm trùng sơ sinh và nhập viện vào đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh; các kết quả chính của mẹ bao gồm nhiễm trùng mẹ (nhiễm trùng ối-màng ối trên lâm sàng hoặc sốt sau sinh) và mổ lấy thai.

Trong số 5041 phụ nữ được đưa vào nghiên cứu ban đầu, 4742 đáp ứng các tiêu chí nghiên cứu. Trong số đó, 2622 sản phụ được khởi phát chuyển dạ và 2120 sản phụ chuyển dạ tự nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng:

  • Thời gian trung bình từ khi ối vỡ non đến khi bắt đầu chuyển dạ là 8,2 (5,0 – 13,8) giờ đối với nhóm khởi phát chuyển dạ ngay lập tức và 46,0 (30,0 -72,0) giờ đối với nhóm theo dõi đợi chuyển dạ tự nhiên (nhưng cuối cùng vẫn trải qua khởi phát chuyển dạ) trong thử nghiệm ban đầu.
  • Tỷ lệ kết cục tổng hợp ở sơ sinh và nhập NICU tăng dần theo thời gian sau ối vỡ non. Nguy cơ này thấp hơn ở nhóm được khởi phát chuyển dạ ngay so với nhóm theo dõi tự nhiên trong vòng 20 giờ đầu tiên (đối với kết cục tổng hợp) và 15 giờ đầu tiên (đối với nhập NICU) từ khi ỗi vỡ non.
  • Tương tự như vậy, tỷ lệ nhiễm trùng mẹ tăng dần theo thời gian sau ối vỡ non, nguy cơ này thấp hơn ở ở nhóm được khởi phát chuyển dạ ngay so với nhóm theo dõi tự nhiên trong vòng 15 giờ đầu tiên sau ối vỡ non.
  • Tỷ lệ mổ lấy thai tương đối không thay đổi theo thời gian và nhìn chung là tương tự nhau ở cả 2 nhóm sau khi ối vỡ non.
  • Nhóm sản phụ được khởi phát chuyển dạ trong vòng 36 giờ đầu tiên sau ỗi vỡ non có thời gian chuyển dạ ngắn hơn so với những phụ nữ được chừ đợi tự nhiên trong khoảng thời gian tương ứng. Tương tự, nhóm sản phụ được khởi phát chuyển dạ trong vòng 30 giờ đầu tiên sau ối vỡ non có tổng thời gian nằm viện ngắn hơn so với những phụ nữ được chừ đợi tự nhiên trong khoảng thời gian tương ứng.
  • Khoảng 1/3 phụ nữ (741/2120; 35%) chuyển dạ tự nhiên trong vòng 15 giờ đầu tiên sau ối vỡ non, gần 2/3 sản phụ (1365/2120, 64%) chuyển dạ trong vòng 24 giờ và gần 90 % (1868/2120, 88%) chuyển dạ tự nhiên trong vòng 48 giờ sau ối vỡ non.
  • Tỷ lệ những sản phụ chờ đợi chuyển dạ tự nhiên sinh con trong vòng 24 giờ và 48 giờ kể từ khi ỗi vỡ non lần lượt là 45% (961/2120) và 83% (1767/2120).

Như vậy, những phát hiện này gợi ý rằng khởi phát chuyển dạ ngay lập tức dường như là chiến lược quản lý tối ưu để giảm thiểu bệnh tật ở trẻ sơ sinh và bà mẹ trong bối cảnh vỡ ối non thai đủ tháng mà không ảnh hưởng đến nguy cơ sinh mổ. Trong những trường hợp không thể khởi phát tức thì, khởi phát chuyển dạ trong vòng 15 đến 20 giờ đầu tiên sau ối vỡ non là lựa chọn ưu tiên hơn so với xử trí theo dõi tự nhiên. Những phát hiện này rất phù hợp để tư vấn cho bệnh nhân và hướng dẫn các phác đồ quản lý phù hợp với sự sẵn có của nguồn lực.

Tài liệu tham khảo

  1. Bellussi F, Seidenari A, Juckett L, Di Mascio D, Berghella V. Induction within or after 12 hours of ≥ 36 weeks’ prelabor rupture of membranes: a systematic review and metaanalysis. Am J Obstet Gynecol MFM 2021;3: 100425.
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34153513/
  2. Prelabor Rupture of Membranes: ACOG Practice Bulletin, Number 217. Obstet Gynecol. 2020;135(3):e80-e97. doi:10.1097/AOG.0000000000003700
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32080050/
  3. Melamed N, Berghella V, Ananth CV, et al. Optimal timing of labor induction after prelabor rupture of membranes at term: a secondary analysis of the TERMPROM study. Am J Obstet Gynecol 2023;228:326.e1-13.
    https://www.ajog.org/article/S0002-9378(22)00742-6/fulltext
  4. Senat MV, Schmitz T, Bouchghoul H, et al. Term prelabor rupture of membranes: guidelines for clinical practice from the French College of Gynaecologists and Obstetricians (CNGOF). J Matern Fetal Neonatal Med 2022;35:3105–9.
    https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32847438/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here