NHỊP NHANH TRÊN THẤT CÓ DỄ DÀNG ĐIỀU TRỊ HAY KHÔNG? NHỮNG PHÚT GIÂY CÂN NÃO

(0 / 0)

Bài viết NHỊP NHANH TRÊN THẤT CÓ DỄ DÀNG ĐIỀU TRỊ HAY KHÔNG? NHỮNG PHÚT GIÂY CÂN NÃO

Khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy

Khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy tuần vừa qua có tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nữ với độ tuổi khá trẻ, sinh năm 2004. Bệnh nhân đến khám tại khoa với các triệu chứng khá điển hình của 1 cơn nhịp tim nhanh: hồi hộp, chóng mặt, đánh trống ngực… Bệnh nhân khai với Bác sĩ rằng những cơn “tim đập nhanh” này xuất hiện đã từ rất lâu, khoảng tầm từ 4 tuổi là bệnh nhân đã cảm thấy các triệu chứng như vậy. Biết mình có sự bất thường như thế, bệnh nhân đã chủ động đi khám rất nhiều nơi, ngay cả các bệnh viện lớn nhằm tìm ra nguyên nhân và điều trị. Tuy nhiên dù khám nhiều nơi và uống rất nhiều thuốc bệnh nhân vẫn không dứt hẳn được cơn nhịp tim nhanh này, khiến ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sinh hoạt và học tập của bệnh nhân. “Cuộc sống hầu như bị gián đoạn mỗi khi lên cơn tim đập nhanh”, bệnh nhân kể.

Tiếp nhận bệnh nhân, khoa Điều trị Rối loạn nhịp nghi ngờ bệnh nhân lên cơn nhịp nhanh do bệnh nhân tồn tại 1 đường dẫn truyền phụ nối từ nhĩ xuống thất. Chính đường dẫn truyền phụ này khiến các xung động điện tim đi ngang qua và làm khởi phát lên những cơn nhịp nhanh kịch phát do vòng vào lại nhĩ thất (được mô hình hóa như hình bên dưới). Đây là một bệnh lý rất hay thường gặp và được điều trị khá thành công chỉ với phương pháp triệt đốt điện sinh lý 2 chiều, là công việc hầu như thường ngày tại khoa Điều trị Rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân được đưa xuống phòng can thiệp và thăm dò đường dẫn truyền phụ này. Đội ngũ Bác sĩ của khoa nhận thấy rằng đường dẫn truyền phụ này của bệnh nhân lại nằm rất gần với đường dẫn truyền qua bó His.

Ở người bình thường, bó His được xem như cầu nối duy nhất để dẫn truyền xung động điện từ nút xoang qua nút nhĩ thất rồi xuống hệ thống Purkinje tại thất, là cấu trúc đặc biệt quan trọng trong hoạt động bình thường của tim. Chính vì thế, tổn thương tại bó His sẽ gây blốc nhĩ thất hoàn toàn, khiến nhịp tim chậm và bệnh nhân sẽ phải đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn nhằm duy trì được tần số tim. Vì thế nếu tiến hành đốt đường dẫn truyền phụ này không cẩn thận, bệnh nhân hoàn toàn có thể đối mặt với nguy cơ phải mang trên mình máy tạo nhịp tim vĩnh viễn dù tuổi đời còn khá trẻ, gây gánh nặng rất lớn về tâm lý lẫn kinh tế cho bệnh nhân.

Đứng trước tình huống tiến thoái lưỡng nan này, đội ngũ BS của Khoa Điều trị rối loạn nhịp đã đưa ra rất nhiều cân nhắc, đồng thời thảo luận với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân về lợi ích cũng như nguy cơ có thể mắc phải. Nếu không điều trị triệt để, bệnh nhân có thể sẽ diễn tiến tới suy tim do bệnh cơ tim do nhịp nhanh, còn nếu điều trị thì nguy cơ tổn thương bó His rất lớn. Sau khi thống nhất với bệnh nhân và người nhà, tập thể BS không đành lòng để bệnh nhân phải chấp nhận nguy cơ suy tim về sau, đội ngũ khoa đã quyết định thăm dò và triệt đốt đường dẫn truyền phụ này bằng hệ thống lập bản đồ 3 chiều trong buồng tim. Với hệ thống tiên tiến này cùng với kinh nghiệm điều trị nhiều năm về triệt đốt điện sinh lý, chúng tôi đã triệt đốt thành công đường dẫn truyền phụ cạnh bó His này mà không gây tổn thương đến bó His, bảo toàn được con đường dẫn truyền quan trọng trong tim của bệnh nhân.

Sau khi triệt đốt, bệnh nhân hoàn toàn hết lên cơn “tim đập nhanh”, đã có thể mau chóng quay trở lại sinh hoạt và hoạt động bình thường. Được nhìn thấy bệnh nhân có thể hoạt động và quay trở lại cuộc sống như bao người bình thường ở độ tuổi của bệnh nhân là điều quý giá hơn cả và là động lực to lớn cho khoa tiếp tục đem lại sức khỏe và niềm vui cho các bệnh nhân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here