Nội dung chính
Trên các ứng dụng xã hội hiện nay có rất nhiều thông tin về nhóm sản phẩm liên quan đến nhóm kháng sinh Carbapenem tuy nhiên lại không đầy đủ. Bài này https://songkhoemoingay.com xin được giải đáp cho bạn các câu hỏi: Carbapenem là gì? Kháng sinh carbapenem có tác dụng gì? Dưới đây là thông tin chi tiết.
Tổng quan
Việc phát hiện ra Streptomyces cattleya và sản phẩm của nó là thienamycin đã mở màn cho kỉ nguyên của một loại kháng sinh β-lactam mới – Carbapenem. Sự mất ổn định về mặt hóa học của thienamycin sau đó đã được khắc phục bằng dẫn xuất N-formimidoyl là imipenem. Imipenem có phổ kháng khuẩn rộng trên các vi khuẩn gram(+) cũng như các Enterobacteriaceae, Pseudomonas và Bacteroides. Đồng thời imipenem cũng thể hiện khả năng kháng β-lactamase cực tốt. Tuy nhiên do imipenem bị chuyển hóa thành dạng có độc tính bởi dehydropeptidase-I (DHP-1) ở ống thận nên cần có cilastatin đi kèm để ức chế enzym này, đảm bảo duy trì nồng độ imipenem trong cơ thể và bảo vệ thận. Sau đó nhiều carbapenem mới khác cũng đã được nghiên cứu và phát triển.
Hoạt chất |
Phê duyệt |
Biệt dược |
Imipenem/Cilastatin |
1987 tại Mỹ |
Primaxin Tienam Lastinem |
Meropenem |
1996 tại Mỹ |
Merrem Meiunem Merugold |
Ertapenem |
2001 tại Mỹ |
Invanz Sapenem |
Doripenem |
2007 tại Mỹ |
Doribax Denponem |
Tebipenem |
Thử nghiêm lâm sàng pha II (Nhật Bản) |
Orapenem |
Panipenem/Betamipron |
1993 tại Nhật Bản |
Carbenin |
Biapenem |
2001 tại Nhật Bản |
Omegacin |
Phổ kháng khuẩn
Phổ kháng khuẩn rộng trên nhiều vi khuẩn gram(+) cũng như gram(-), hiếu khí cũng như kị khí.
- Vi khuẩn gram(+) ưa khí: Tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin (MSSA), Streptococcus spp., Bacillus spp., Listeria… Không diệt được tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) do ái lực yếu với PBP2a.
- Vi khuẩn gram(-) ưa khí: Acinetobacter sp. (trừ ertapenem), Pseudomonas spp. (trừ ertapenem), Salmonella, Klebsiella sp., Neisseria, E.coli, Enterobacter sp., Proteus sp., M.catarrhalis, H.influenzae…
- Vi khuẩn kị khí: fragilis, Clostridium (trừ C.difficile), Peptostreptococcus, Lactobacillus, Eubacterium, Fusobacterium…
Cơ chế tác dụng
Cơ chế tác dụng của các carbapenem là cơ chế chung của các kháng sinh β-lactam.
Chúng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách gắn vào PBPs (penicilline binding proteins) làm ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Mỗi carbapenem có ái lực đặc hiệu với một phân nhóm PBPs khác nhau, dó đó hiệu lực của mỗi loại là khác nhau và khác với các β-lactam khác. Khả năng kháng β-lactamase của các kháng sinh này là rất tốt (kể cả AmpC β-lactamase và ESBL), do vậy vi khuẩn đề kháng các β-lactam khác vẫn có thể nhạy cảm với carbapenem.
Tác dụng
Các carbapenem thường được sử dụng cho các nhiễm trùng nặng và đa kháng gây ra bởi các chủng vi khuẩn nhạy cảm, khi mà các kháng sinh thông thường đã không còn tác dụng.
- Imipenem/Cilastatin: Nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng đường hô hấp dưới (mắc phải tại bệnh viện), nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn tiết niệu có hoặc không có biến chứng, nhiễm khuẩn da và mô mềm, viêm nội tâm mạc.
- Meropenem: Tương tự imipenem/cilastatin nhưng có thêm điều trị viêm màng não.
- Ertapenem: Tương tự imipenem/cilastatin nhưng điều trị cho nhiễm trùng đường hô hấp dưới là mắc phải tại cộng đồng.
- Doripenem: Tương tự imipenem/cilastatin.
Tác dụng phụ
Các tác dụng phụ chung thường gặp: Viêm tại chỗ tiêm, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đau bụng…), đau đầu…
Viêm đại tràng giả mạc do C.difficile.
Phản ứng dị ứng: Cơ chế chung như các β-lactam khác (có thể nghiêm trọng).
Co giật: Chỉ sử dụng imipenem/cilastatin mới có nguy cơ cao bị co giật. Các yếu tố nguy cơ có thể là: tiền sử co giật, mắc bệnh thần kinh trung ương trước đó, đột quỵ, chức năng thận giảm, dùng liều cao…
Tăng men gan thoáng qua: ASAT, ALAT, Lactat dehydrogenase, Phosphatase kiềm.
Tăng ure, creatinin huyết thanh.
Giảm bạch cầu đa nhân trung tính, tăng tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa acid, tăng thời gian prothrombin…
Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn
Cơ chế đề kháng của vi khuẩn với các carbapenem cũng tương tự như các kháng sinh nhóm cepalosporin (Cơ chế chung của các β-lactam) . Hiện nay nhiều chủng vi khuẩn đã sả xuất được Carbapenemase, có thể thủy phân tất cả các vòng β-lactam của penicillin, cephalosporin, carbapenem và monobactam.
Tương tác thuốc
Kháng sinh kìm khuẩn: Có thể gây ra tác dụng đối kháng vì các carbapenem tiêu diệt các tế bào đang nhân lên, trong khi các kháng sinh này lại ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Aminosid: Có thể phối hợp tạo ra tác dụng hiệp đồng tăng mức, tăng hiệu quả điều trị, giảm nguy cơ kháng thuốc.
Probenecid: Giảm đào thải carbapenem qua thận.
Ganciclovir: Tăng nguy cơ co giật.
Acid valproic: Giảm nồng độ acid valproic, tăng nguy cơ gây co giật.
Cyclosporin: Tăng nồng độ cyclosporin trong máu.
Các thử nghiệm in vitro cho thấy ertapenem không bị chuyển hóa qua CYP450 nên không tương tác với các thuốc liên quan đến hệ enzym này.