Nội dung chính [Ẩn]
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về sản phẩm Urusel tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Bài này Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com) xin được trả lời cho bạn các câu hỏi: Urusel là thuốc gì? Thuốc Urusel có tác dụng gì? Thuốc Urusel giá bao nhiêu? Dưới đây là thông tin chi tiết.
Thành phần
Thuốc Urusel là thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh thận, gan, mật
Mỗi hộp thuốc Urusel có 12 vỉ, mỗi vỉ có 5 viên nang mềm.
Trong một viên nang có chứa hoạt chất chính là:
Acid Ursodesoxycholic hàm lượng 50mg
Thiamin nitrat hàm lượng 10mg
Riboflavin hàm lượng 5mg
Ngoài ra, thuốc còn được kết hợp bởi các tá dược vừa đủ 1 viên nang.
Thuốc Urusel giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Thuốc do Công ty Young Poong Pharm Co., Ltd, Hàn Quốc sản xuất.
Hiện nay trên thị trường, thuốc Urusel được cung cấp bởi nhiều nhà thuốc, quầy thuốc và các trung tâm thuốc. Vì vậy, người bệnh có thể dễ dàng tìm và mua được thuốc Urusel ở khắp mọi miền tổ quốc với giá mua có thể dao động khác nhau tùy vào cơ sở bán thuốc.
Giá thị trường là 450.000 đồng/1 hộp
Lưu ý: Tìm mua tại các cơ sở uy tín để chọn và mua được loại thuốc tốt nhất và đảm bảo chất lượng, đề phòng mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tác dụng
Thuốc Urusel phối hợp 3 hoạt chất: Acid ursodesoxycholic, thiamin, riboflavin.
Acid ursodesoxycholic (UDCA hay còn gọi là ursodiol): là dạng epime của acid chenodeoxycholic, là acid mật thứ cấp, là sản phẩm chuyển hóa của vi khuẩn trong ruột. Khi axit mật sơ cấp (những acid mật được tổng hợp bởi gan, dự trữ trong túi mật) được tiết vào đại tràng, chúng bị chuyển hóa bởi các vi khuẩn đường ruột thành axit mật thứ cấp. Cả hai loại axit mật đều hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo. UDCA điều chỉnh nồng độ cholesterol trong máu bằng cách làm chậm tốc độ hấp thụ cholesterol ở ruột và cũng có tác dụng phá vỡ các hạt micelle có chứa cholesterol. Dựa vào tính chất này, UDCA được sử dụng để điều trị sỏi mật cholesterol không phẫu thuật, ngoài ra UDCA cũng đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị rối loạn ứ mật ở gan và làm chậm sự tiến triển của sơ gan ứ mật nguyên phát (PBC).
Cơ chế làm tan sỏi mật của UDCA có thể là UDCA tập trung trong mật và làm giảm cholesterol trong mật bằng cách ức chế tổng hợp ở gan, tăng bài tiết cholesterol và ức chế sự hấp thu cholesterol ở ruột. Độ bão hòa cholesterol giảm cho phép hòa tan dần dần cholesterol từ sỏi mật, dẫn đến sự hoàn toàn sỏi mật.
Cơ chế làm giảm ứ mật ở gan bao gồm: bảo vệ các tế bào lót ống dẫn mật bị tổn thương chống lại tác dụng độc hại của axit mật; kích thích sự đào thải mật bị suy yếu, kích thích sự giải độc các axit mật kỵ nước, ức chế apoptosis (sự chết tế bào theo chương trình) của tế bào gan.
Thiamin (Vitamin B1): khi được hấp thụ vào máu được chuyển thành dạng thiamin diphosphate (thiamin pyrophosphate – TPP) có hoạt tính sinh lý bởi enzyme thiamin diphosphotransferase và đồng yếu tố Mg2+. TTP tham gia vào các hoạt động sau:
TPP là một đồng yếu tố trong tiểu đơn vị E1 của phức hợp pyruvate dehydrogenase (PDH). Tiểu đơn vị E1 chuyển pyruvate thành hydroxyethyl-TPP và carbon dioxide. Trong khi đó, phức hợp PDH chuyển hydroxyethyl thành acetyl-CoA đồng thời tạo ra nicotinamide adenine dinucleotide (NADH) trong quá trình này. NADH sau đó có thể được chuyển đổi thành ATP, một nguồn năng lượng cho các tế bào. Acetyl-CoA được sản xuất ra đi vào vào Chu trình acid citric (chu trình Krebs) để tạo thêm ATP. Do đó, phức hợp PDH cần thiamin như một đồng yếu tố, có một vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng từ chuyển hóa carbohydrate. Ngoài ra, chức năng phức hợp PDH rất quan trọng trong việc sản xuất acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh) và myelin.
TPP cũng được sử dụng trong Chu trình Krebs như một đồng yếu tố trong phản ứng alpha-ketoglutarate dehydrogenase trong đó alpha-ketoglutarate được khử carboxyl hóa để tạo thành succinyl-CoA. Phản ứng này rất quan trọng trong chu trình Krebs, vì tạo ra năng lượng dưới dạng NADH. Ngoài ra, phản ứng này có vai trò trong việc duy trì nồng độ glutamate, aspartate và acid gamma-aminobutyric (GABA). GABA là một chất dẫn truyền thần kinh ức chế trong não ngăn chặn sự kích thích quá mức của các tế bào thần kinh, do đó ngăn ngừa mê sảng.
TPP là một đồng yếu tố trong Con đường Pentose Phosphate (PPP), đặc biệt trong phản ứng transketolase. PPP xảy ra trong bào tương của các tế bào như là một con đường thay thế cho chu trình Krebs trong quá trình dị hóa carbohydrate, và mục đích của nó là cung cấp nicotinamide adenine dinucleotide phosphate (NADPH) và ribose – 5 – phosphate. NADPH sau đó có thể được sử dụng trong một số con đường sinh hóa như trong tổng hợp steroid, axit béo, axit amin, dẫn truyền thần kinh và glutathione. Tổng hợp glutathione đặc biệt quan trọng vì glutathione có thể làm giảm stress oxy hóa và tổn thương do gốc tự do cho các tế bào. Trong khi đó, ribose-5-phosphate là nguyên liệu thiết yếu trong tổng hợp acid nucleic. Tuy nhiên, nếu không được sử dụng để tổng hợp acid nucleic, thì ribose-5-phosphate có thể bước vào giai đoạn không oxy hóa của PPP để transketolase và TPP chuyển ribose-5-phosphate trở lại thành các chất trung gian của quá trình đường phân (như glucose – 6 – phosphate). Trong phản ứng này, TPP có vai trò như một đồng yếu tố để ổn định carbanion 2 carbon.
Riboflavin (Vitamin B2): Riboflavin là tiền chất của flavin mononucleotide (FMN, riboflavin monophosphate) và flavin adenine dinucleotide (FAD). Hoạt tính chống oxy hóa của riboflavin chủ yếu xuất phát từ vai trò là tiền chất của FAD và vai trò của đồng yếu tố này trong việc sản xuất chất chống oxy hóa glutathione. Glutathione là đồng yếu tố của glutathione peroxidase chứa selen. Các peroxidase glutathione là các enzyme chống oxy hóa chính. Vitamin B2 hỗ trợ sản xuất năng lượng bằng cách hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất béo, carbohydrate và protein. Vitamin B2 cũng cần thiết cho sự hình thành và chức năng hô hấp của hồng cầu, sản xuất kháng thể và điều chỉnh sự tăng trưởng và sinh sản của cơ thể. Nó cần thiết cho làn da khỏe mạnh, móng tay, tóc và một sức khỏe tốt nói chung, bao gồm cả điều chỉnh hoạt động của tuyến giáp. Riboflavin cũng giúp ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều loại rối loạn mắt, bao gồm một số trường hợp đục thủy tinh thể.
Công dụng – Chỉ định
Thuốc Urusel có công dụng: giảm kích thước, tan sỏi mật, giảm ứ mật ở gan, làm chậm sự tiến triển của sơ gan ứ mật nguyên phát, bổ xung các vitamin B1, B2.
Thuốc Urusel được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp:
- Sỏi mật cholesterol, sỏi cản quang túi mật;
- Bệnh nhân có sỏi mật nhưng không có chỉ định phẫu thuật;
- Hỗ trợ cải thiện chức năng gan trong viêm gan mạn tính;
- Bệnh nhân chán ăn, khó tiêu do rối loạn ở đường mật.
Cách dùng – Liều dùng
Liều dùng: 7,5 – 10 mg/ kg/ ngày, chia thành 2 – 3 lần/ ngày, sử dụng trung bình trong khoảng thời gian 6 tháng, đối với sỏi có kích thước lớn (đường kính > 1cm) có thể phải điều trị kéo dài trên 1 năm.
Cách dùng: thuốc Urusel ở dạng viên nang mềm nên được dùng theo đường uống. Khi uống thuốc bệnh nhân nên uống cùng một cốc nước. Uống thuốc sau khi ăn.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ của acid ursodeoxycholic: khó tiêu, buồn nôn, đầy hơi, chán ăn, tiêu chả, đau khớp, đau cơ, đau đầu, viêm thực quản, táo bón, giảm tiểu cầu, vàng da, tăng bilirubin, tăng men gan, tăng huyết áp, phù chân tay, loét dạ dày, phù mạch, phù thanh quản.
Tác dụng phụ của thiamin: ra nhiều mồ hôi, tăng huyết áp cấp, ban da, ngứa, mề đay, khó thở.
Tác dụng phụ của riboflavin: nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, chóng mặt.
Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc Urusel.
Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc Urusel cho người có tiền sử mẫn cảm với Acid ursodeoxycholic, Thiamin nitrat, Riboflavin hoặc bất kì thành phần nào có trong thuốc kể cả tá dược.
Bệnh nhân bị tắc nghẽn đường mật hoàn toàn.
Viêm cấp tính túi mật hoặc đường mật.
Bệnh nhận bị viêm gan nặng.
Phụ nữ có thai và cho con bú.
Chú ý – Thận trọng
Các xét nghiệm chức năng gan (gamma – GT (GGT), phosphatase kiềm, AST, ALT) và nồng độ bilirubin nên được theo dõi mỗi tháng trong ba tháng đầu sau khi bắt đầu điều trị và sáu tháng 1 lần sau đó. Ngừng điều trị nên được xem xét nếu các thông số trên tăng đến mức được coi là có ý nghĩa lâm sàng ở bệnh nhân có mức độ kiểm tra chức năng gan ổn định trong bệnh sử.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định, không tự ý tăng hay giảm lượng thuốc uống để nhanh có hiệu quả.
Nếu bạn có bệnh mạn tính cần phải dùng thuốc kéo dài như bệnh tim mạch, bệnh phổi, gan, thận, dị ứng… hãy cho bác sĩ biết để được tư vấn và điều chỉnh liều dùng Urusel nếu cần thiết.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cần hạn chế tối đa các loại thức ăn hay đồ uống có chứa cồn hoặc chất kích thích.
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi quyết định ngừng điều trị bằng thuốc
Lưu ý:
Với các thuốc Urusel hết hạn sử dụng hoặc xuất hiện các biểu hiện lạ trên thuốc như mốc, đổi màu thuốc, chảy nước thì không nên sử dụng tiếp.
Tránh để thuốc ở những nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc nơi có độ ẩm cao.
Không để thuốc gần nơi trẻ em chơi đùa, tránh trường hợp trẻ em có thể nghịch và vô tình uống phải.
Lưu ý khi sử dụng chung với thuốc khác
Nhựa gắn acid mật: Cholestyramine, Colestipol… làm giảm hấp thu.
Các antacid chứa nhôm hydroxid.
Thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa lipid: các estrogen, thuốc tránh thai đường uống, clofibrate, fenofibrate…
Urusel khi vào cơ thể, có thể xảy ra tương tác với một số thuốc dùng đường uống khác, ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc đó cũng như có thể làm tăng nguy cơ và mức độ của tác dụng phụ.
Điều cần làm là bệnh nhân hãy liệt kê các thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng vào thời điểm này để bác sĩ có thể biết và tư vấn để tránh tương tác thuốc không mong muốn.
Quá liều, quên liều và cách xử trí
Triệu chứng: Chưa có báo cáo về tình trạng quá liều. Khi uống quá liều Urusel, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng bất thường trên gan, tim, thận, tiêu hóa, thần kinh giống tác dụng không mong muốn của thuốc.
Xử trí: Theo dõi nếu các triệu chứng là nhẹ; nhưng cần đề phòng với sốc phản vệ vì thường có diễn biến rất nhanh, nguy hiểm. Bệnh nhân cần được chuyển ngay đến bệnh viện để có hướng xử trí an toàn.
Quên liều: Nếu liều quên chưa cách quá xa liều dùng đúng thì bệnh nhân nên uống bổ sung ngay liều đó. Trong trường hợp thời gian bỏ liều đã quá lâu thì bệnh nhân nên uống liều tiếp theo như bình thường và duy trì tiếp tục.
Không nên bỏ liều quá 2 lần liên tiếp.