Viêm khớp dạng thấp: Tiêu chuẩn chuẩn đoán và phác đồ điều trị

Nội dung chính

(1 / 5)

Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên nhắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là một trong ba bệnh viêm khớp phổ biến ở thời điểm hiện tại. Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh này ở người trưởng thành chiếm từ 1 đến 5%, tức là trung bình trong 100 người sẽ có 1-5 người mắc bệnh. Vậy viêm khớp dạng thấp là gì? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu thông tin về bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (còn được gọi với tên khác là viêm đa khớp dạng thấp) là một bệnh lý tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch mất đi khả năng nhận biết dẫn đến tấn công gây tổn thương, phá hủy một số tế bào và mô bình thường của cơ thế. Đây là một bệnh lý mạn tính, thường gặp ở những người trưởng thành từ 30-50 tuổi, gây tổn thương ở nhiều cơ quan, bộ phận của cơ thể như khớp, da, niêm mạc, mắt, tim, các mạch máu. Nhưng tổn thương quan trọng nhất là ở hệ thống khớp. Bệnh gây viêm khớp với những biểu hiện điển hình của viêm là sưng, nóng, đỏ, đau đặc biệt là ở các khớp tay chân, khớp lưng và khớp đầu gối.

Nếu như ở các bệnh viêm xương khớp thông thường chỉ gây nên các tổn thương hao mòn thì viêm khớp dạng thấp tác động trực tiếp lên các niêm mạc khớp gây viêm. Về lâu dài, bệnh có thể làm khớp biến dạng và xương bị bào mòn. Các tổn thương này gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của bạn từ các vận động như đi, đứng, chạy, nhảy cho đến các hoạt động đơn giản như: mặc quần áo, viết, cầm nắm các vật dụng.

Mặc dù hiện nay chưa tìm được các biện pháp để chữa khỏi bệnh này một cách hoàn toàn nhưng bệnh càng lâu dài thì càng trở nên phức tạp và gây ra biến chứng nặng nề thậm chí là tàn phế vì vậy cần tiến hành điều trị tích cực từ sớm để hạn chế cũng như làm chậm tiến triển của bệnh, làm giảm đau đớn do bệnh mang lại.

Hình ảnh của viêm khớp dạng thấp

Hình ảnh bệnh viêm khớp dạng thấp
Hình ảnh bệnh viêm khớp dạng thấp

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp xảy ra do rối loạn tự miễn của cơ thể. Hiện nay, nguyên nhân gây ra rối loạn này vẫn chưa được xác định một cách chính xác nhưng di truyền (người mang kháng nguyên phù hợp với HLA-DR4), môi trường (phụ nữ, sau sinh, lạnh ẩm kéo dài) và miễn dịch là các yếu tố nguy cơ hàng đầu.

Ở bệnh này, trước hết, rối loạn tự miễn làm cho trong màng hoạt dịch của khớp, một nhóm tế bào T được hoạt hóa sẽ tiết ra rất nhiều cytokin – là một trong các yếu tố gây viêm, tiếp đó một số tế bào khác như: tế bào thực bào, tế bào màng hoạt dịch cũng được hoạt hóa làm cho viêm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kết quả là gây tổn thương, về lâu dài có thể dẫn đến phá hủy các sụn và xương trong khớp. Ngoài ra, sự liên kết giữa các gân và dây chằng giữa các khớp cũng bị suy yếu và biến dạng khớp do các gân và dây chằng này bị giãn.

Nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp

Đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp dạng thấp

Phụ nữ ở độ tuổi trung niên từ 20-40 tuổi, phụ nữ sau sinh, phụ nữ ở thời kì mãn kinh rất dễ bị viêm khớp dạng thấp.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp

  • Giới tính: cả nam và nữ tuy nhiên tỷ lệ nữ mắc bệnh này cao gấp 2-3 lần so với nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh, phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh.
  • Tuổi: Mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở tuổi trung niên từ 30-50 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: có nguy cơ cao mắc bệnh nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp.
  • Yếu tố khác: hút thuốc lá, béo phì thừa cân.

Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Các giai đoạn của bệnh viêm khớp dạng thấp

Gồm 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn I: Sưng đau khớp do viêm màng hoạt dịch khớp đồng thời viêm tạo ra các chất trung gian hóa học thu hút các chất trung gian hóa học di chuyển đến vùng viêm khiến số lượng tế bào ở trong các dịch khớp tăng đáng kể khiến viêm càng nghiêm trọng hơn.
  • Giai đoạn II: Quá trình viêm tăng lên và có sự lan truyền làm ảnh hưởng tới các khoang khớp và trên sụn. Sụn khớp dần bị phá hủy và kết quả làm cho thu hẹp khớp khi sụn bị mất đi. Tuy nhiên ở giai đoạn này mặc dù phá hủy nhưng thường không xuất hiện các khớp bị dị dạng.
  • Giai đoạn III: Đến giai đoạn này, bệnh đã trở nặng. Sự phá hủy sụn khớp ở giai đoạn trước làm các xương dưới sụn lộ ra. Người bệnh có các biểu hiện như: đau sưng khớp, cứng khớp ( thường gặp nhất là vào sáng sớm), cơ thể suy nhược, cử động khó khăn, có các nốt sần dị dạng xuất hiện.
  • Giai đoạn IV: Đến giai đoạn cuối cùng này của bệnh, quá trình viêm giảm và khớp bị mất đi chức năng do các mô khớp bị thay thế bởi các mô xơ và xương chùng.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều triệu chứng khắp cơ thể với các mức độ khác nhau:

  • Triệu chứng tại khớp: Triệu chứng của viêm điển hình là: sưng, nóng đỏ, đau khớp. Ngoài ra còn gây cứng khớp. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột nhưng không kéo dài, nhất là sau khi không hoạt động sau một thời gian dài như ngồi quá lâu, sáng sớm mới ngủ dậy.
  • Triệu chứng toàn thân: suy nhược cơ thể, mệt mỏi, đau nhức toàn thân.

Những tiêu chuẩn chẩn đoán viêm khớp dạng thấp hiện nay

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987

Tiêu chuẩn này được dùng để chẩn đoán trong những trường hợp viêm khớp diễn biến từ 6 tuần trở lên. Đây là phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trên 90%, được sử dụng rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới.

Một số triệu chứng được đề cập:

  • Cơn cứng khớp diễn ra ít nhất 1 giờ vào buổi sáng
  • Có biểu hiện viêm tại ít nhất một trong số các nhóm khớp bàn tay: khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay và khớp ngón gần.
  • Sưng hay tràn dịch ít nhất 3/14 nhóm khớp sau: khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân. (tính riêng các nhóm bên trái và bên phải
  • Đối xứng viêm khớp hai bên như viêm khớp cổ tay trái và cổ tay phải, viêm khớp gối trái và gối phải.
  • Xuất hiện các hạt thấp dưới da
  • Trong huyết thanh bệnh nhân: yếu tố dạng thấp (+)
  • Chụp X-quang: xuất hiện các hình bào mòn, khe khớp nhỏ hơn bình thường, đầu xương mất chất khoáng ở các khớp cổ tay, khớp ngón tay gần hay các khớp khác bị tổn thương.

Chẩn đoán chỉ có giá trị xác định khi bệnh nhân có từ 4 triệu chứng trở lên và diễn biến trên 6 tuần.

Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Liên đoàn chống Thấp khớp Châu  Âu  (EULAR) 2010

Tiêu chuẩn này khắc phục hạn chế của tiêu chuẩn đầu tiên, có thể sử dụng để chẩn đoán trong các trường hợp viêm khớp dưới 6 tuần. Tuy nhiên do ở giai đoạn đầu các dấu hiệu còn ít và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp khác do đó cần theo dõi tiến triển của bệnh để đánh giá một cách chính xác nhất.

Tiêu chuẩn này bao gồm:

Trên lâm sàng, bệnh nhân bị viêm từ  màng hoạt dịch của 1 khớp trở lên với nguyên nhân không phải do các bệnh lý nền khác gây nên.

Thang điểm đánh giá:

Biểu hiện Điểm
  • Viêm 1 khớp lớn
0
  • Thời gian viêm khớp < 6 tuần
  • Xét nghiệm yếu tố dạng thấp RF và Anti CCP : (-)
  • Protein phản ứng C (CRP) và tốc độ máu lắng (Erythrocyte Sedimentation Rate – ESR) bình thường
  • Viêm 2-10 khớp lớn
1
  • Thời gian viêm khớp >= 6 tuần
  • Protein phản ứng C (CRP) hoặc tốc độ máu lắng (Erythrocyte Sedimentation Rate – ESR) tăng
  • Viêm 1-3 khớp nhỏ
2
  • Xét nghiệm RF hoặc Anti CCP dương tính thấp
  • Viêm 4 -10 khớp nhỏ
3
  • Xét nghiệm RF hoặc Anti CCP dương tính cao
  • Viêm > 10 khớp trong đó có ít nhất 1 khớp nhỏ
5

Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?

Như đã đề cập ở trên, viêm khớp dạng thấp gây nên triệu chứng viêm không chỉ ở các khớp xương và còn ảnh hưởng tới các cơ quan bộ phận khác. Viêm khớp gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và công việc của bạn. Về lâu dài, nếu bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể bị teo toàn bộ các cơ, trở nên tàn phế kèm theo đó cũng là một loạt biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù tới hiện tại chưa thể điều trị được triệt để bệnh này nhưng nếu tiến hành điều trị từ sớm thì có thể ngăn cản cũng như làm chậm tiến triển của bệnh, góp phần giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.

Biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Không chỉ gây các triệu chứng tại khớp mà viêm khớp dạng thấp còn gây ra các biến chứng hết sức nguy hiểm. Theo nghiên cứu, những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ rất cao mắc các bệnh ở: mắt (khô mắt, đau mắt, đỏ mắt, thậm chí mù lòa), phổi ( tắc nghẽn phổi, viêm màng phổi, suy hô hấp), tim (viêm màng tim, nhồi máu cơ tim), mạch máu ( tổn thương mạch máu, mạch máu hẹp, yếu, dễ vỡ), thần kinh ( tê rát bàn tay, khả năng giữ thăng bằng giảm), máu ( giảm số lượng tiểu cầu làm người bệnh dễ xuất huyết, dùng thuốc ức chế miễn dịch làm người bệnh dễ bị nhiễm trùng).

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Nguyên tắc điều trị

  • Toàn diện
  • Tích cực
  • Lâu dài
  • Theo dõi tiến triển của bệnh thường xuyên

Tùy thuộc vào loại khớp bị tổn thương, mức độ tổn thương, giai đoạn của bệnh để lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau.

Các biện pháp điều trị bệnh Viêm khớp dạng thấp

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng các loại thuốc khác nhau. Một số thuốc thường được sử dụng:

Thuốc chống viêm phi steroid (NSAIDs): đây là một thuốc chống viêm giảm đau rất phổ biến hiện nay. Một số thuốc NSAIDs bạn có thể trực tiếp mua tại nhà thuốc như:Aspirin, Ibuprofen, Aleve. Tuy nhiên sử dụng một số thuốc này – các thuốc ức chế cả COX1 và COX2 trong đó enzym COX1 liên quan đến sự tổng hợp dịch nhầy ở thành dạ dày – kéo dài có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, một số thuốc như aspirin còn gây tan máu vì vậy cần thận trọng khi sử dụng, tốt nhất là dùng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Để hạn chế các tác dụng mong muốn, các thuốc ức chế chọn lọc với COX2 –  enzym xúc tác tạo sản phẩm gây viêm của cơ thể như: Celecoxid, Meloxicam, Etoricoxid được ưu tiên lựa chọn hàng đầu nhất là trong điều trị kéo dài. Tuy nhiên các thuốc này có giá thành khá cao so với các thuốc không ức chế chọn lọc.

Thuốc Corticosteroid: thuốc này thường dùng làm giảm triệu chứng đau cấp tính với tác dụng giảm đau và chống viêm rất mạnh. Tuy nhiên hiện tại thuốc này để lại rất nhiều tác dụng phụ hết sức nguy hiểm như: suy giảm miễn dịch, teo cơ, loét dạ dày- tá tràng, tăng huyết áp, đái tháo đường. Vì vậy không nên tự ý sử dụng mà phải hỏi ý kiến của các bác sĩ. Một số thuốc Corticosteroid điển hình: hydrocortison, prednisolon, methylprednisolon.

Thuốc chống thấp khớp làm thay đổi tiến triển bệnh (DMARDs cổ điển) là một nhóm thuốc điều trị cơ bản có tác dụng làm chậm hay ngăn cản bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy cần điều trị liên tục, kéo dài, theo dõi bệnh nhân thường xuyên trong quá trình điều trị. Một số thuốc DMARDs thường gặp phải kể đến: methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquin. Tuy nhiên thuốc này cũng để lại các tác dụng phụ không mong muốn như: tổn thương chức năng ở gan, thận, viêm võng mạc, về lâu dài có thể gây mù lòa.

Thuốc sinh học ( nhóm DMARDS sinh học): thường được dùng cho bệnh nhân kháng DMARDs cổ điển, bệnh nhân thể nặng. Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc này là gây nên nhiễm khuẩn cơ hội (trực khuẩn lao), nhiễm virus ( virus viêm gan B), vì vậy trước khi sử dụng người bệnh cần phải được sàng lọc các nhiễm trùng này trước.

Tìm hiểu thêm: Thuốc thấp khớp Tuzamin giúp giảm nhanh các triệu chứng thấp khớp

Vật lý trị liệu

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao: Tập luyện thể dục không những giúp nâng cao sức khỏe, đem lại cho bạn một tinh thần thoải mái mà còn là một trong những phương pháp giúp bạn ngăn ngừa, làm giảm bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên bạn chỉ nên luyện tập với cường độ nhẹ kết hợp nghỉ ngơi hợp lý để tránh cho các tổn thương trở nên trầm trọng hơn. Một số bài tập thể dục mà bạn nên tập như là: bài tập thể dục cho bàn tay, cho chân; hoạt động thể chất: đi bộ, đạp xe.

Nhiệt trị liệu: phương pháp này giúp cải thiện tuần hoàn đồng thời làm giảm đau chống viêm. Chống chỉ định trong trường hợp viêm cấp có sưng, phù nề hay khớp bị tràn dịch.

Điều trị bằng suối khoáng nóng: Ngâm mình trong suối nước nóng ở nhiệt độ phù hợp không những giúp máu lưu thông dễ dàng mà còn giảm những cơn đau mà bệnh viêm khớp dạng thấp đem lại, đem lại cho bệnh nhân một cảm giác hết sức thoải mái và thư giãn.

Vật lý trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp
Vật lý trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp

Chườm nóng lên vùng khớp bị viêm

Ngoài ra có thể sử dụng một số biện pháp trị liệu khác như: sử dụng sóng ngắn, tia hồng ngoại, siêu âm.

Phẫu thuật

Đây là một trong những lựa chọn phù hợp với bệnh nhân mà tiến triển bệnh đã trở thành thể nặng, sử dụng thuốc hầu như không còn hiệu quả. Phẫu thuật giúp các khớp khôi phục và hoạt động trở lại một cách bình thường.

Một số phẫu thuật thường được sử dụng là: Sửa chữa các gân và khớp bị mất chức năng hoặc thay thế chúng, phẫu thuật nội soi để loại bỏ lớp màng hoạt dịch bị viêm của khớp.

Kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp tại nhà

Thường xuyên vận động, tập các bài tập với cường độ thấp đồng thời tránh đứng hay ngồi một chỗ quá lâu.

Hạn chế tối đa các hoạt động có hại cho khớp.

Chế độ ăn giàu canxi và vitamin D bổ sung dưỡng chất giúp xương chắc khỏe.

Tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.

Giữ cơ thể ở trạng thái tinh thần thoải mái nhất, tránh lo âu, stress, căng thẳng, mệt mỏi.

Dùng kỹ thuật trợ giúp cho bệnh nhân trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như: rửa mặt, chải tóc, mặc quần áo.

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học: giàu vitamin C, D, E; giàu canxi để giúp cho xương chắc khỏe, ngăn ngừa lão hóa đồng thời hạn chế thức ăn nhiều đường, dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất bảo quản.

Duy trì cân nặng ở mức hợp lý: Béo phì được coi như là 1 yếu tố nguy cơ gây nên viêm khớp dạng thấp vì béo phì gây chèn ép lên các xương khớp làm gia tăng phản ứng viêm. Còn suy dinh dưỡng khiến cơ thể thiếu nguyên liệu tạo xương gây còi xương, tạo điều kiện gây các bệnh xương khớp.

Uống đủ lượng nước mỗi ngày: Trung bình mỗi người nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Chiếm tới 70% thành phần của sụn và 31% thành phần của xương, nước có vai trò quan trọng giúp sự hoạt động của khớp xương diễn ra một cách dễ dàng, trơn tru. Thiếu nước về lâu dài ảnh hưởng đến hoạt động của các khớp xương, gây viêm khớp.

Ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị triệt để các chấn thương đặc biệt là chấn thương ở xương khớp.

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

Một số câu hỏi liên quan đến viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có phải là bệnh tự miễn ?

Trả lời:

Đúng vậy, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch sẽ tấn công trực tiếp lên các tế bào, các mô bình thường của cơ thể khiến các mô này bị tổn thương và mất dần chức năng. Bệnh thường gặp ở những người có hệ gen đặc biệt như có kháng nguyên phù hợp với HLA-DR4. Nếu trong gia đình bạn có người mắc phải bệnh này thì các thành viên khác rất có khả năng cao bị bệnh vì vậy nên có các biện pháp phòng tránh sớm như đã nêu ở trên. Mặc dù chưa có biện pháp để điều trị triệt để căn bệnh này tuy nhiên nên điều trị tích cực, lâu dài, phát hiện bệnh sớm để tránh cho bệnh tiến triển sang thể nặng, gây ra biến chứng nặng nề.

Phân biệt viêm khớp dạng thấp với gout?

Trả lời:

Bệnh viêm khớp dạng thấp Bệnh Gout
  • Là bệnh viêm khớp gây ra do rối loạn tự miễn của cơ thể, hệ thống miễn dịch tấn công các mô xương bình thường của cơ thể khiến các mô này mất dần chức năng.
  • Viêm có tính đối xứng giữa các khớp giống nhau ở bên trái và bên phải ví dụ như đau ở khớp cổ tay trái và khớp cổ tay phải.
  • Đau dữ dội vào sáng sớm nhưng không kéo dài ( khoảng 1 giờ).
  • Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như mắt, phổi, tim.
  • Thường viêm ở các khớp nhỏ ở tay và chân
  • Là bệnh viêm khớp gây ra do sự lắng đọng các tinh thể urat ở trong khớp do sự gia tăng nồng độ acid uric trong máu quá cao, vượt quá mức lọc của thận khiến chúng không được thải trừ hết mà tích tụ lại trong máu.
  • Viêm không có tính đối xứng và chỉ thường xảy ra ở một khớp.
  • Đau cấp tính về đêm, kéo dài trong vòng khoảng 7 ngày rồi khỏi.
  • Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, sốt nhẹ
  • Thường viêm ở khớp ngón chân cái

 

Phân biệt viêm khớp dạng thấp với thoái hóa khớp

Viêm khớp dạng thấp Thoái hóa khớp
  • Là bệnh viêm khớp gây ra do rối loạn tự miễn của cơ thể, hệ thống miễn dịch tấn công các mô xương bình thường của cơ thể khiến các mô này mất dần chức năng.
  • Có thể ảnh hưởng đến toàn thân
  • Có sự xuất hiện các nốt sần xung quanh khớp bị viêm
  • Thường viêm ở các khớp nhỏ ở tay và chân
  • Là bệnh viêm khớp do theo thời gian các khớp xương dần bị bào mòn làm các chức năng của xương bị suy giảm dần.
  • Viêm thường chỉ khu trú trong một khu vực khớp xương nhất định
  • Xuất hiện các gai xương chèn ép gây đau dữ dội.
  • Thường thoái hóa khớp đầu gối.

Tìm hiểu thêm: [SỰ THẬT] Hoạt Huyết Phục Cốt Hoàn: Công dụng, liều dùng, lưu ý tác dụng phụ, giá bán

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Mặc dù theo thống kê nếu như trong gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì bạn sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh này nhưng bệnh này không được xếp vào bệnh di truyền. Sự phối hợp giữa di truyền và môi trường được coi như là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên chưa chứng minh được rằng những người mang gen đặc biệt liên quan đến bệnh chắc chắn sẽ bị bệnh. Vì vậy, cần có các biện pháp phòng tránh bệnh để giảm thiểu nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp như là: không sử dụng các chất kích thích, rèn luyện sức khỏe, duy trì cân nặng ở mức phù hợp.

Viêm khớp dạng thấp có nên tập thể dục không?

Trả lời:

Mặc dù khi bị viêm khớp dạng thấp, nhiều vận động gây đau đớn khiến người bệnh ngại vận động đồng thời vận động mạnh còn khiến bệnh trầm trọng hơn nhưng tập thể dục với mức độ phù hợp có tác dụng trong điều trị bệnh. Bệnh nhân nên tập những bài tập phù hợp với mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe và nên tập thường xuyên, nhiều lần trong ngày đồng thời phải biết kết hợp nghỉ ngơi, không gắng sức.

Viêm khớp dạng thấp có gây ung thư không?

Trả lời:

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ rất cao gây nên các bệnh ung thư hết sức nguy hiểm như ung thư da, ung thư phổi, ung thư máu ác tính. Nguyên nhân chủ yếu là do tác dụng không mong muốn của các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp gây ra. Do bệnh này là một bệnh tự miễn nên người ta thường sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như thuốc ức chế TNF- yếu tố hoại tử khối u tăng nguy cơ ung thư da.

Tại sao viêm khớp dạng thấp lại gây thiếu máu ?

Thiếu máu ở người bị viêm khớp dạng thấp
Thiếu máu ở người bị viêm khớp dạng thấp

Trả lời:

Sở dĩ những người bị viêm khớp dạng thấp thường bị thiếu máu là do nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, quá trình viêm ở các khớp xương làm cho tủy xương ( bộ phận sản xuất hồng cầu của cơ thể) giảm sản xuất.

Thứ hai, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới thận, làm cho thận giảm tiết Erythropoietin- hormon liên quan đến sự sản xuất hồng cầu ở xương. Kết quả là ức chế tủy xương giảm sản xuất.

Thứ ba, các thuốc dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp cũng được coi như một nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu. Điển hình như các thuốc NSAIDs ức chế không chọn lọc dùng dài ngày có thể gây loét dạ dày tá tràng, chảy máu mà từ đó dẫn đến thiếu máu.

Thứ 4, sự mất cân bằng giữa quá trình tạo và hủy hồng cầu cũng là một nguyên nhân khác gây thiếu máu do tuổi thọ của hồng cầu ở những người mắc bệnh này thường ngắn hơn so với thông thường.

Tìm hiểu thêm: [SỰ THẬT] Xukoda: Công dụng, liều dùng, lưu ý tác dụng phụ, giá bán

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here