Cách chọn kem chống nắng, phân biệt giữa các loại kem chống nắng

(1 / 5)

Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Trích từ sách “Chăm Sóc Da”

Bài viết này chỉ ra cách chọn kem chống nắng, cách phân biệt giữa các loại kem chống nắng, và tôi sẽ dùng một loại kem chống nắng để cùng phân tích nhãn hiệu. Lưu ý là tôi không quảng cáo hay bán bất kỳ sản phẩm nào.

Cách chọn kem chống nắng
Cách chọn kem chống nắng

Vì sao phải dùng kem chống nắng?

– Mỗi ngày da chúng ta đều tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm, và quan trọng nhất là ánh nắng mặt trời. Tia tử ngoại làm da bị dãn ra, mỏng đi, bị phỏng, và có thể tăng rủi ro ung thư da. Dùng kem chống nắng là cách hiệu quả nhất và an toàn nhất để bảo vệ làn da chúng ta trước lão hóa và ung thư da. Kem chống nắng còn có thể kết hợp giữa ẩm cho làn da, giúp da quý vị không bị mất nước.

– Nhiều quý vị không sử dụng kem chống nắng sẽ thấy da của mình đổi sậm màu, mau khô, và dễ nổi các mụn đỏ nâu. Ở các vùng nhiệt đới nhiều nắng nóng như Việt Nam hay California, dùng kem chống nắng đúng cách có thể thay đổi sức khỏe của làn da quý vị. Dưới đây là điểm cơ bản cần có của một kem chống nắng hiệu quả.

Chọn loại kem chống nắng có tác dụng bảo vệ cả hai tia tử ngoại UVA và UVB (broad spectrum)

– Loại kem này sẽ để chữ “broad spectrum” nghĩa là có thể bảo vệ làn da khỏi 2 tia tử ngoại UVB và UVA. Tia tử ngoại là tia bức xạ từ mặt trời, có bước sóng ngắn, và có thể làm tổn thương da. Có 3 loại tia tử ngoại là UVA (bước sóng 315-400 nm) UVB (bước sóng 280-315 nm) UVC (bước sóng 100-280 nm). Tia UVC bị tầng ozon hấp thụ hoàn toàn trong khi tia UVB bị hấp thụ một phần. Phần lớn tia tử ngoại đến mặt đất trực tiếp là tia UVA. Tia này là tác nhân chính gây ra tình trạng lão hóa cho da trong khi tia UVB có thể ảnh hưởng lên DNA tế bào da, gây ung thư da.

– Vì vậy, chọn kem có thể bảo vệ cả hai tia UVA và UVB sẽ tốt hơn. Kem chống nắng tại Mỹ được quy định bời FDA và chỉ có những loại kem vượt qua các xét nghiệm nghiêm ngặt mới được ghi nhãn là bảo vệ phổ rộng “broad spectrum”

Nên dùng kem có chỉ số chống nắng SPF 30 trở lên

– Chỉ số SPF là chỉ số bảo vệ của kem khỏi tia tử ngoại UVB. Chỉ số càng cao thì kem càng có khả năng bảo vệ làn da tốt hơn. Chỉ số SPF 15 chỉ ra có thể ngăn ngừa khoảng 93% tia tử ngoại UVB trong khi chỉ số SPF 30 có thể ngăn ngừa đến 97% . Trong khi đó, tăng chỉ số SPF lên 50 có thể ngăn ngừa khoảng 98% và chỉ số SPF 100 ngăn ngừa khoảng 99% tia tử ngoại UVB. Lưu ý là khi chỉ số SPF dưới 15 thì chỉ có tác dụng ngăn ngừa phỏng da chứ không có tác dụng ngăn ngừa ung thư da hay ngăn ngừa lão hóa da. Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo dùng kem chống nắng SPF 30 trở lên (1).

Tìm loại kem có thể tồn tại trên da khi đi bơi hay đổ mồ hôi.

– Tìm loại kem có chữ “water resistant (kháng nước)” để kem có thể tồn tại trên da quý vị từ 40 đến 80 phút khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi khi ra nắng nóng. Sau thời gian này, quý vị cần phải bôi lại kem chống nắng để có thể bảo vệ làn da. Lưu ý là quý vị nên xức kem chống nắng lên da ít nhất 15 phút rồi mới ra ngoài trời hoặc xuống nước đi bơi để kem có tác dụng tốt nhất. Nhiều quý vị vừa xuống nước vừa xức kem thì không có tác dụng. Quý vị nhớ xem thời gian kháng nước là bao lâu để xức kem lại.

– Kem chống nắng nào có chữ “waterproof (chống nước)” là ghi sai vì không có bất kỳ loại kem nào có thể chống nước thấm vào da. Vì vậy, không nên mua những loại kem có chữ này vì nhà sản xuất dùng sai nhãn.

– Khi tắm xong, lớp kem chống nắng có thể bị mất đi khi quý vị lau chùi người bằng khăn tắm. Lúc này thì quý vị nên vào bóng râm để xức lại. Nếu không đi bơi, quý vị cũng nên xức lại mỗi 2 giờ đồng hồ để kem có thể bảo vệ da tốt nhất vì mồ hôi của quý vị sẽ làm kem chống nắng bớt hiệu quả.

Kem chống nắng hóa chất (chemical sunscreen) khác với kem vật lý (physical hay mineral sunscreen) thế nào?

– Có 2 phân loại kem chống nắng trên thị trường là chống nắng bằng phản ứng hóa học (chemical) và chống nắng bằng ngăn ngừa trực tiếp (physical). Kem chống nắng hóa học khi xức trên da được hấp thụ trực tiếp vào bên trong làn da. Khi tia UV tiếp xúc với lớp hóa học này, tia UV sẽ được chuyển hóa thành nhiệt, và lan tỏa ra ngoài. Bằng cách này, kem chống nắng hóa học bảo vệ làn da khỏi bị nóng hay bức xạ. Hiện nay, có khoảng 12 loại thành phần chống nắng hóa học được FDA chấp thuận, trong đó các chất avobenzone, octinoxate, hay oxybenzone (2). Trong khi đó, kem chống nắng trực tiếp có dùng các khoáng chất (mineral) như một lớp khoáng chất bề mặt ngăn ngừa tia tử ngoại thấm vào. Khi tia tử ngoại gặp lớp kem này sẽ phản xạ ra ngoài, không đi vào da. Hiện nay FDA chấp thuận 2 loại khoáng chất là Titanium dioxide và zinc dioxide để làm thành phần bảo vệ da (3).

– Cả hai loại kem này có những điểm mạnh và yếu khác nhau. Vì vậy, chọn kem chống nắng sẽ tùy vào loại da và cách dùng của mỗi người.

– Kem hóa chất thường thấm vào da lâu hơn và bảo vệ da khi đi bơi tốt hơn so với kem khoáng chất. Vì vậy, nhiều người thích dùng kem có những hóa chất nêu trên để thoa vào da khi đi bơi hay bị đổ mồ hôi nhiều. Trong khi đó, người có làn da nhạy cảm hay trẻ em có thể dùng kem chống nắng khoáng chất vì những kem này chỉ ở trên bề mặt, không thấm vào bên trong nên ít gây tác dụng đến làn da.

– Lưu ý là tiểu bang Hawaii năm 2018 đã ra luật cấm một số loại kem chống nắng có những hóa chất như oxybenzone hay octinoxate vì lo ngoại kem loại này có thể làm tổn thương các rặng san hô (4)

– Các loại kem trên thị trường hiện nay đa số là loại kết hợp các hóa chất (kem hóa chất) hay khoáng chất (kem vật lý). Vì vậy, đọc và hiểu rõ nhãn ghi kem chống nắng sẽ giúp quý vị dùng kem đúng cách.

Dùng dạng nào để chống nắng như kem xức, kem xịt, hay chai lăn là tốt nhất?

– Quý vị có thể dùng bất kỳ loại nào mình thích. Có người thích dùng chai xịt vì dễ xài trong khi có quý vị lại thích cảm giác tự bôi kem lên da trực tiếp. Không có loại nào Lưu ý là khi xịt kem chống nắng quý vị nên cầm chai xịt ở khoảng cách đồng nhất và xịt nhiều lần để các vùng da có xịt kem chồng lấn lên nhau nhằm bảo vệ tốt nhất.

– Không nên xịt kem chống nắng thẳng vào vùng mắt. Thay vào đó, quý vị có thể xịt thẳng vào lòng bàn tay rồi sau đó thoa lên vùng da quanh mắt.

– Quý vị cũng nhớ mua ống kem chống nắng có kích cỡ vừa đủ xài. Một người trưởng thành cần 1 ounce (28g) hay kích cỡ khoảng 1 ly nhỏ để xức khắp người . Vì vậy, một chai kem nhỏ xíu sẽ không đủ xức nếu quý vị xuống nước thường xuyên. Tôi thường khuyên quý vị mua loại ống to để xài thoải mái.

Đừng quên xức son chống nắng để bảo vệ đôi môi

– Vùng môi là vùng dễ bị bỏ quên (vùng khác là vùng cổ dưới cằm) khi xức kem chống nắng. Thiếu kem chống nắng sẽ làm đôi môi dễ khô, bỏng, và có thể tăng rủi ro ung thư da. Dùng son môi có ghi SPF 30 để bảo vệ làn da môi y như da vùng da khác trên mặt.

Chọn kem chống nắng theo làn da của mình

– Quý vị có da dầu nên tránh dùng kem chống nắng có chất dầu vì thêm dầu sẽ khiến lỗ chân lông da dễ bị nghẹt thêm. Quý vị có thể tìm kem chống nắng có chữ “non comedogenic” nghĩa là có thành phần hạn chế làm nghẹt lỗ chân lông. Quỵ vị da dầu có thể dùng kem chống nắng dạng phấn (power) để giúp da dễ thở hơn.

– Da nhạy cảm hay da mỏng có thể dùng kem chống nắng khoáng chất và hạn chế đi bơi. Quý vị có thể xem video về cách chọn kem giữ ẩm của tôi (video số 454) để biết cách sử dụng.

Chọn hiệu nào đây?

– Có hàng trăm hiệu kem chống nắng trên thị trường nên việc chọn một loại kem cho mình là vấn đề khó. Tôi khuyên bệnh nhân nên chọn hiệu kem chống nắng dựa trên các tiêu chí sau. Quý vị nhớ là hiệu kem tốt nhất là loại kem quý vị đang có và mang sẵn theo mình khi ra trời nắng.

– Giá cả hợp lý với liều lượng dư đủ. Có thể hiệu kem A nổi tiếng hơn hiệu kem B nhưng cùng một công thức, một chỉ số SPF, nhưng số lượng kem bên hiệu B lớn hơn (ống to hơn) thì quý vị nên chọn B vì quý vị cần đủ kem khi ra nắng. Quý vị cũng sẽ mua kem lâu dài nên giá cả vừa phải là một yếu tố quan trọng.

– Hãng sản xuất uy tín. Các nhãn hiệu uy tín thường phải test thành phẩm kỹ càng, ghi nhãn đầy đủ, nên chất lượng có thể đồng nhất hơn so với các hãng kém uy tín.

– Người mẫu hay diễn viên quảng cáo kem chống nắng thì chưa chắc đó là nhãn hiệu uy tín. Quý vị phải đọc các nhãn ghi và hiểu rõ về loại da của mình để mua hiệu kem phù hợp thay vì mua kem chống nắng vì thấy cô người mẫu nóng bỏng quảng cáo kem.

– Hạn sử dụng phù hợp. Nhiều loại kem để hạn sử dụng quá ngắn khiến quý vị phải bỏ không dùng được. Thường hạn sử dụng nên từ 6 tháng trở lên.

 Ví dụ phân tích kem chống nắng

– Tôi dùng một typ kem ở đây làm ví dụ. Đầu tiên là chúng ta đọc chữ số SPF 46, nghĩa là cao hơn 30, vậy là tốt. Với SPF 46, khả năng bảo vệ lên gần 98%. Kem này cũng ghi là “broad spectrum” nghĩa là bảo vệ cả UVB và UVA. Kem này cũng ghi là bảo vệ làn da có mụn (dầu và nhạy cảm).

– Kế đó là chúng ta nhìn xem thành phần chính (active ingredient) là gì. Kem này có 2 loại là Zinc Oxide 9.0% (khoáng chất) và Octinoxate 7.5% (hóa học). Vậy kem này là loại kết hợp giữa chất hóa học và khoáng chất. Vì kem này có chứa Octinoxate nên sẽ không được dùng ở Hawaii.

– Cuối cùng là trọng lượng. Ống kem này là 1.7 oz, hay 48g. Nghĩa là dùng đủ 2-3 lần cho một người thôi. Quý vị nên mua ít nhất là kích cỡ này.

Tóm lại

– Kem chống nắng là một thành phần quan trọng trong việc ngưa ngừa quá trình lão hóa của da và ngăn ngừa ung thư da.

– Nên chọn kem chống nắng phổ rộng (broad spectrum), có chỉ số SPF 30 trở lên, và có thể kháng nước ít nhất 40 phút.

– Dùng kem chống nắng đúng cách bằng cách xức lên da 15 phút trước khi ra ngoài nắng.

– Chọn kem chống nắng phù hợp với loại da và cách đi ra ngoài như kem hóa chất dùng tốt hơn khi đi bơi trong khi kem khoáng chất phù hợp với làn da nhạy cảm.

– Hiểu rõ các hướng dẫn và ghi chú trên kem chống nắng sẽ giúp quý vị tự tin hơn khi chọn sản phẩm phù hợp cho mình

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here