Nội dung chính
Bài viết CAN KHƯƠNG – VỊ THUỐC ÔN TRUNG HAY BẬC NHẤT.
Trích: DƯỢC TÍNH LUẬN VỊ TẬP 2.
Ths.Bs.Trịnh Văn Cường.
Giới thiệu về Can khương
Can khương chính là củ gừng khô, lấy củ gừng tươi phơi khô tự nhiên ta được vị can khương. Củ gừng là vị thuốc nam, từ vị này cho chúng ta rất nhiều vị thuốc, và đại đa số đều có tác dụng ôn trung, ngay cả sinh khương là củ gừng tươi cũng có tác dụng này. Căn cứ theo đặc điểm bào chế mà sẽ cho ra được những tác dụng khác nhau. Và riêng để nói về ôn trung thì các vị thuốc từ củ gừng xứng đáng được xếp vị trí thứ nhất trong chương thuốc trừ hàn.
Một số vị thuốc từ củ gừng có thể kể đến:
- SINH KHƯƠNG là củ gừng tươi tác dụng ôn trung chỉ khái, giải biểu, giải độc chữa nôn mửa do lạnh.
- CAN KHƯƠNG là củ gừng tươi phơi khô tự nhiên có tác dụng ôn trung tán hàn, giúp tác dụng hồi dương cứu nghịch.
- BÀO KHƯƠNG là củ gừng tươi đem đồ cho chín sau đó phơi sấy khô (nếu sau khi đồ xong đem đi sao hơi xém đen gọi là can bào khương); bào khương và can bào khương có tác dụng ôn trung trừ hàn, ôn phế hóa đàm và trợ dương.
- KHƯƠNG BÌ hay SINH KHƯƠNG BÌ là vỏ củ gừng tươi đem phơi hay sấy khô có tác dụng kiện tỳ lợi thủy, bài ngũ bì tán hay ngũ bì ẩm chữa chứng tỳ hư thấp trệ thủy ứ, dùng cho phụ nữ có thai bị sưng phù cả hai chân dùng khương bì với tác dụng này.
- ỔI KHƯƠNG là củ gừng tươi đem nướng cháy xém đen bên ngoài có tác dụng ôn tràng vị, ôn huyết phận.
- THÁN KHƯƠNG là củ gừng tương đem lùi hoặc nướng cháy đen gần thành than tồn tính, bên trong bẻ ra vẫn còn hơi chút vàng, có tác dụng ôn trung, trục hàn hồi dương thông mạch.
Tính vị quy kinh
Vị cay tính ấm vào kinh Tâm, phế, vị, tỳ.
Tác dụng
Ôn trung tán hàn, giúp tác dụng hồi dương cứu nghịch.
Can khương có tác dụng trấn giữ ở trung tiêu và hạ tiêu, sở trường của nó là làm ấm tỳ phế mà tán hàn hóa ẩm (làm tan nước uống vào tụ lại ở trong); đàm ẩm thường là do nước uống vào không tiêu được mà biến thành đờm. Ngoài ra nó còn có tác dụng hồi dương nhưng tác dụng này nhẹ.
Can khương ôn trung tán hàn chủ yếu chữa các chứng trung tiêu hư hàn, tỳ hư đau bụng ỉa chảy, do nhiều đờm, người lạnh, sau lưng cảm thấy ớn lạnh.
Hàn tà từ bên ngoài do hô hấp hoặc do ăn uống hoặc theo kinh lạc mà vào gây nên chứng đau bụng nôn mửa.
Nếu so về mức độ ôn trung của sinh khương và can khương thì can khương mạnh hơn, can khương do để khô nên độ tán biểu không còn mà chỉ tập trung vào ôn trung là chính; còn sinh khương do dùng tươi nên tính tân tán mạnh, ngoài ôn trung ở trong còn tán biểu ở ngoài (nhưng lực ôn trung của Sinh khương khá nhẹ).
Can khương là dùng nguyên bản củ gừng tươi phơi khô có màu vàng nên tác dụng tập trung chủ yếu vào phế, tỳ, vị; trong một số trường hợp dùng can khương sao xém đen để tăng tác dụng vào thận để hồi dương.
Tuy nhiên tác dụng hồi dương của can khương là khá yếu, nếu muốn tăng tác dụng hồi dương thì có thể dùng thán khương, gừng tươi sao cháy đen để tăng quy kinh vào thận. Từ đó có thể thấy căn cứ vào mục đích sử dụng mà có được các cách bào chế khác nhau.
Vị này ngoài dùng như một vị thuốc thì có thể dùng làm vị thuốc dưỡng sinh phòng bệnh, có thể kết hợp trong ăn uống hàng ngày, đặc biệt vào mùa đông nên được ưu tiên sử dụng. Vị này có ở Việt nam cực kỳ dễ tìm, mà giá lại rẻ.