Nguồn: Dược lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Clinical Pharmacy UMC
Các hướng dẫn điều trị suy tim hiện hành đều khuyến nghị tăng liều đến mức tối đa người bệnh có thể dung nạp đối với liệu pháp điều trị dựa trên guidelines (GDMT), bao gồm ACEi/ARB/ARNI, chẹn beta, MRA và gần đây là ức chế SGLT2. Tuy nhiên, hiện chưa có một hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện để đạt được mục tiêu này.
Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nhãn mở, đa trung tâm STRONG-HF đăng trên The Lancet vào tháng 12/2022 nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của chiến lược tăng liều nhanh GDMT trên người bệnh hậu suy tim cấp. Nghiên cứu phân bổ ngẫu nhiên 1078 người bệnh nhập viện vì suy tim cấp đang sử dụng GDMT với liều chưa tối ưu để được tăng liều đạt 100% liều khuyến cáo trong vòng 2 tuần hoặc điều trị thường quy theo thực hành tại địa phương.
Nghiên cứu được ngừng lại sớm hơn so với đề cương do sự khác biệt giữa các nhóm lớn hơn dự kiến, với lợi ích nghiêng về nhóm điều trị tích cực:
– Giảm tỷ lệ tái nhập viện do suy tim hoặc tử vong do mọi nguyên nhân trong vòng 180 ngày (RR 0.66; 95% CI 0.5 – 0.86).
– Tăng tỷ lệ xảy ra biến cố bất lợi (41% so với 29%), tuy nhiên tỷ lệ các biến cố bất lợi nghiêm trọng (16% so với 17%) và biến cố gây tử vong (5% và 6%) tương tự giữa hai nhóm.
Việc tăng đến liều tối đa có thể dung nạp GDMT đã được chứng minh là có thể kéo dài thời gian sống trên người bệnh suy tim và được khuyến nghị trong các hướng dẫn hiện hành [1,2]. Tuy nhiên, kết quả từ STRONG-HF cho thấy tỷ lệ người bệnh đạt liều GDMT tối đa rất thấp, phản ánh đúng thực hành hiện tại với đa số người bệnh chưa được tối ưu GDMT [3].
Có thể nói, STRONG-HF đã cung cấp bằng chứng đầu tiên về tính khả thi của một chiến lược tăng liều nhanh GDMT trên người bệnh hậu suy tim cấp. Thử nghiệm đã đưa ra hướng dẫn rõ ràng về cách điều chỉnh liều dựa vào sinh hiệu, các thông số cận lâm sàng, thăm khám lâm sàng và quan trọng nhất là ấn định thời gian tái khám của người bệnh thường xuyên hơn trong giai đoạn tăng liều. Ngoài ra, hầu hết thuốc được sử dụng trong nghiên cứu đều khá phổ biến và đa phần có dạng generic, do đó việc áp dụng chiến lược này ở các trung tâm tim mạch khác là hoàn toàn khả thi. Kết quả từ thử nghiệm STRONG-HF có thể sẽ được đưa vào hướng dẫn sau này nhằm tối ưu hóa điều trị và cải thiện tiên lượng trên người bệnh nhập viện do suy tim cấp
Tài liệu tham khảo
1. Heidenreich PA, Bozkurt B, Aguilar D, et al. 2022 AHA/ACC/HFSA Guideline for the Management of Heart Failure: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Joint Committee on Clinical Practice Guidelines. Circulation. 2022;145(18):e895-e1032.
2. McDonagh TA, Metra M, Adamo M, et al. 2021 ESC Guidelines for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure: developed by the Task Force for the diagnosis and treatment of acute and chronic heart failure of the European Society of Cardiology (ESC). With the special contribution of the Heart Failure Association (HFA) of the ESC. Eur J Heart Fail 2022; 24: 4–131.
3. Greene SJ, Fonarow GC, DeVore AD, et al. Titration of Medical Therapy for Heart Failure With Reduced Ejection Fraction. J Am Coll Cardiol. 2019;73(19):2365-2383.