Vấn đề kháng kháng sinh hay dùng nhất hiện nay – Cephalosporin

(0 / 0)

Gần đây bộ y tế đã đưa ra cảnh báo về tình trạng lạm dụng kháng sinh ở cách kê đơn cho bệnh nhân ở các nhà thuốc địa phương. Sự lạm dụng kháng sinh này đang gây nên tình trạng kháng kháng sinh rất nghiêm trọng đặc biệt đối với loại kháng sinh hiện nay hay dùng nhất đó là kháng sinh nhóm Cephalosporin. Vậy câu hỏi đặt ra là cơ chế kháng kháng sinh là gì? Bài này sẽ giúp các bạn làm rõ câu hỏi này.

Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn

Cơ chế đề kháng Cephalosporin cũng là cơ chế đề kháng các β-lactam nói chung.

Vi khuẩn kháng kháng sinh
Ảnh minh họa: Vi khuẩn kháng kháng sinh

Nhiều vi khuẩn hiện nay tiết ra β-lactamase, có tác dụng biến đổi hoặc làm bất hoạt kháng sinh. Gen mã hóa enzyme được tìm thấy trên ADN chủ hoặc plasmide (plasmide là những đơn vị di truyền có khả năng tự sao chép). Vi khuẩn chuyển các pasmide kháng thuốc nhờ quá trình tiếp hợp (Khi hai vi khuẩn bắt cặp với nhau, cầu nối được hình thành, giúp chuyển bản sao kháng thuốc từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác).

Nếu plasmide được phiên mã và dịch mã, chúng sẽ tổng hợp nên các β-lactamase phá hủy thuốc.

Ở vi khuẩn gram(+)

  • Enzyme có tính cảm ứng, vi khuẩn chỉ sản xuất enzyme khi có mặt kháng sinh.
  • Enzyme được phóng thích ra ngoại bào, bất hoạt kháng sinh trước khi thuốc xâm nhập vào tế bào vi khuẩn.

Ở vi khuẩn gram(-)

  • Enzyme được sản xuất liên tục ngay cả khi không có mặt kháng sinh.
  • Enzyme được lưu trữ tại vùng chu chất, nên cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn gram(-) hiệu quả hơn.

Đặc biệt là ngày càng có nhiều vi khuẩn có khả năng tiết ra các ESBL làm cho việc điều trị ngày càng khó khăn, hiện tại đã xuất hiện các chủng “siêu vi khuẩn” kháng tất cả các kháng sinh mà con người có, trong đó có cả các Cephalosporin nói riêng. Đây là cơ chế đề kháng phổ biến và hiệu quả nhất của vi khuẩn.

Một số cơ chế kháng thuốc khác

Ngoài cơ chế trên, còn có một số cơ chế đề kháng khác. Trong quá trình biến đổi, các gen của nhiễm sắc thể được chuyển từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Khi vi khuẩn chứa gen kháng thuốc chết, ADN trần được giải phóng vào môi trường xung quanh. Nếu có một vi khuẩn khác tương thích ở gần đó, nó có khả năng thu thập ADN chứa gen đề kháng, chuyển gen đề kháng từ ADN trần vào nhiễm sắc thể của chính nó (Homologous Transformation).

Sau một thời gian nhất định, khi vi khuẩn thu thập đủ gen đề kháng, sẽ dẫn đến sự tái cấu tạo một đoạn ADN chủ. Nếu đoạn ADN này mã hóa cho các enzyme liên kết chéo, như PBPs, sẽ dẫn đến biến đổi cấu trúc PBPs. Các PBPs này vẫn thực hiện được nhiệm vụ của nó, nhưng có ái lực với kháng sinh giảm, từ đó đề kháng lại thuốc. Cơ chế này được tìm thấy ở S.pneumoniae (phế cầu), thông qua sự thu thập gen đề kháng từ các loài Streptococcus khác.

Ngoài ra hai cách đề kháng nữa ít được quan tâm hơn là giảm tính thấm của thuốc qua màng tế bào (vi khuẩn gram(-)) hoặc chủ động đào thải thuốc ra ngoài tế bào qua các kênh đặc biệt.

Mỗi chúng ta dùng kháng sinh cần phải luôn ghi nhớ, khắc sâu câu nói này của vị cha đẻ của thuốc kháng sinh Alexander Fleming như một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta!

Lời cảnh tỉnh từ Alexander Fleming về vấn đề lạm dụng kháng sinh
Lời cảnh tỉnh từ Alexander Fleming về vấn đề lạm dụng kháng sinh

Không sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, điều này đúng với tất cả bác sĩ, dược sĩ (trong tình trạng hiện nay khi mà các dược sĩ có thể bán kháng sinh tự do mà không cần đơn của bác sĩ) và mỗi bệnh nhân.

Xem thêm: Kháng sinh nhóm cephalosporin – phổ tác dụng, chỉ định của các thế hệ

Cập nhật các thông tin y dược tại: Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here