Kháng sinh nhóm Phenicol: Phổ kháng khuẩn, tác dụng, tác dụng phụ

(0 / 0)

Trên các ứng dụng xã hội hiện nay có rất nhiều thông tin về nhóm sản phẩm liên quan đến kháng sinh nhóm Phenicol tuy nhiên lại không đầy đủ. Bài này https://songkhoemoingay.com xin được giải đáp cho bạn các câu hỏi: Phenicol là gì? Kháng sinh Phenicol có tác dụng gì? Dưới đây là thông tin chi tiết.

Tổng quan về nhóm kháng sinh Phenicol

cloramphenicol
Ảnh: Công thức cấu tạo cloramphenicol.

Phenicol là một nhóm kháng sinh hiện nay không được sử dụng nhiều. Hiện tại ở Việt Nam chỉ còn hai kháng sinh thuộc nhóm này được sử dụng trên lâm sàng cho người là cloramphenicol và thiamphenicol, trong đó cloramphenicol là kháng sinh tự nhiên, còn thiamphenicol là kháng sinh tổng hợp theo mô hình của cloramphenicol.

thiamphenicol
Ảnh: Công thức cấu tạo thiamphenicol.

Năm 1947, J.Erlich, Q.Bartr, R.Smith, D.Joslyn và P.Burkholder đã phát hiện một loại chất kháng khuẩn (cloramphenicol) thu được từ một loài xạ khuẩn có từ mẫu đất vùng phụ cận Caracas (thủ đô Venezuela). Loài này sau đó được đặt tên là Streptomyces venezuelae. Năm 1949, đã xác định được công thức cấu tạo và tổng hợp toàn phần cloramphenicol với hiệu suất cao, từ đó kháng sinh này được sản xuất bằng tổng hợp hóa học.

Phổ kháng khuẩn

Nhóm kháng sinh này có phổ tác dụng rộng trên nhiều vi khuẩn gram(+), gram(-) cũng như vi khuẩn không điển hình.

  • Vi khuẩn gram(+): Streptococcus spp., S.aureus, Corynebacterium.
  • Vi khuẩn gram(-):gonorrhoeae, N.meningitidis, Salmonella, Shigella, V.cholera, Y.pestis, H.influenzae.
  • Khác: Clostridium, Rickettsiae, Chlamydiae.
Salmonella typhi
Ảnh minh họa: Salmonella typhi.

Do đã sử dụng từ lâu nên hiện nay tỉ lệ kháng thuốc rất cao. Thiamphenicol có hiệu lực thấp hơn cloramphenicol.

Cơ chế tác dụng

Nhóm phenicol có cơ chế chung đó là ức chế tổng hợp protein vi khuẩn bằng cách gắn vào tiểu phần 50S của ribosom (ức chế peptidyl transferase), cản trở sự tiếp nhận amino acyl – tARN đến vị trí để kết hợp acid amin, làm cho acid amin không gắn được vào chuỗi peptid. Cơ chế ở đây là gắn với rARN 23S trong tiểu phần 50S. Mặc dù cùng tác động lên tiểu phần 50S như các macrolid, nhưng cloramphenicol can thiệp trực tiếp vào liên kết cơ chất, còn macrolid can thiệp vào sự nối dài chuỗi peptid. Ở liều cao, nó có thể ức chế cả tổng hợp protein ở ty thể của tế bào động vật có vú do ty thể cũng có ribosom 70S cấu trúc như vi khuẩn.

Cơ chế tác dụng của cloramphenicol
Ảnh: Cơ chế tác dụng của cloramphenicol

Đây là nhóm kháng sinh kìm khuẩn (có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao).

Tác dụng

Điều trị các nhiễm khuẩn do các chủng nhạy cảm gây ra (cloramphenicol có độc tính nặng nên cần cân nhắc rất kĩ trước khi dùng, chỉ dùng khi không có thuốc khác có tác dụng tương đương mà ít độc hơn), cụ thể: nhiễm khuẩn đường ruột nặng, tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, phó thương hàn, lậu, nhiễm trùng niệu – sinh dục, viêm màng não, sốt mò, một số nhiễm trùng hô hấp.

Hiện tại nhiều nước đã không còn sử dụng cloramphenicol nữa.

Tác dụng phụ

Cloramphenicol:

  • Suy tủy: có thể suy tủy thực sự không phụ thuộc liều dùng hoặc suy tủy phụ thuộc liều dùng, liều quá cao sau 5-7 ngày gây thiếu máu bất sản.
  • Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh (gray baby syndrome): da xanh nhợt, tím tái, bụng sưng phù, nôn mửa, khó thở, cơ bắp mềm nhũn, thân nhiệt hạ, trụy tim mạch và tử vong.
  • Khác: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, gặp ác mộng, viêm dây thần kinh thị giác, bệnh lý thần kinh ngoại biên, phản ứng dị ứng (phát ban, mày đay, ngứa…), bội nhiễm nấm Candida miệng, âm đạo…
  • Chú ý khi bị thương hàn nặng, phải dùng liều từ thấp đến cao. Nếu dùng liều cao ngay từ đầu, vi khuẩn chết nhiều sẽ giải phóng nhiều nội độc tố, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thiamphenicol:

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Độc tính trên tai.
  • Phản ứng dị ứng (phát ban, mày đay, ngứa, quá mẫn…).
  • Thiếu máu tan máu, phản ứng Jarish-Herxheimer.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh thị giác.

Các phản ứng phụ của thiamphenicol liên quan đến ức chế tủy xương và hội chứng xám ở trẻ sơ sinh ít nghiêm trọng hơn cloramphenicol.

Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn

Biến đổi thuốc: Một số vi khuẩn tiết ra enzym Cloramphenicol Acetyltransferase (CAT) (do gen cat quy định) để bất hoạt kháng sinh. Sau khi bị acetyl hóa, phân tử thuốc sẽ không gắn vào được tiểu phần 50S của ribosom.

Phản ứng xúc tác của enzym CAT làm bất hoạt cloramphenicol
Ảnh: Phản ứng xúc tác của enzym CAT làm bất hoạt cloramphenicol.

Giảm tính thấm qua màng: Đây là cơ chế kháng thuốc phổ biến nhất ở mức độ thấp.

Đột biến gen quy định tiểu phần 50S của ribosom: Hiếm khi xảy ra.

Gen quy định đột biến kháng cloramphenicol có thể nằm trên plasmid cùng nhiều gen kháng thuốc khác. Ví dụ: gen ACCoT (A=ampicillin, C=cloramphenicol, Co=co-trimoxazol, T=tetracyclin).

Tương tác thuốc

Các kháng sinh diệt khuẩn: Dùng đồng thời sẽ gây tác dụng đối kháng vì chúng tác dụng tốt trên các tế bào đang nhân lên, trong khi các phenicol ức chế sự phát triển của các tế bào này.

Cloramphenicol ức chế mạnh CYP450 (CYP2C19 và CYP3A4), làm tăng nồng độ một số thuốc khác: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chống đông máu, thuốc chẹn kênh Calcium, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống dị ứng, kháng nấm azol, kháng sinh macrolid, thuốc chống loạn nhịp tim.

Rượu: Tác dụng kiểu disulfiram, tích tụ acetaldehyd trong các mô.

Sắt: Giảm đáp ứng huyết học do cloramphenicol ức chế tủy xương.

Zalcitabin: có nguy cơ xuất hiện bệnh lý thần kinh ngoại vi.

Có thể bạn quan tâm:

Kháng sinh nhóm cepalosporin

Nguyên tắc phối hợp kháng sinh