Bài viết LỊCH SỬ PHÁT HIỆN VÀ DU NHẬP CỦA TRÁI MÃNG CẦU XIÊM – Tác giả Trần Thị Tây Nguyên
Ly sinh tố mãng cầu mà các bạn hay uống, đa số là làm từ Mãng Cầu Xiêm (tên khoa học Annona muricata L) này. Hiện nay tại bảo tàng Larco của đất nước Peru một lọ gốm có đáy hình quả mãng cầu xiêm làm bằng gốm có niên đại khoảng 1250 năm trước Công Nguyên đến năm 1 sau Công Nguyên. Vâng, cách nay hơn 3000 năm trước, những trái mãng cầu xiêm đầu tiên trên thế giới được tộc người Andean thưởng thức ở toạ độ 7o59’54.2″-8º 03’02.3″ Nam, 78o40’09.1-79º51’09.6″ Tây và ở giữa độ cao từ 0 đến 600 m so với mực nước biển, giữa các tỉnh Trujillo và Otuzco thuộc vùng La Libertad, Peru. Tuy nhiên, phải đến khi có ghi chép của các nhà thám hiểm thế kỷ 16 thì người lục địa khác mới biết quả này. Quả Mãng Cầu Xiêm trong các văn bản ghi chép sớm nhất có tên tiếng Tây Ban Nha là “Guanábana”.
Các giáo sĩ truyền giáo dòng Tên (Jesuita) là José de Acosta và Bernabé Cobo đã có những ghi chép về Mãng Cầu Xiêm đầu tiên trong chuyến khám phá châu Mỹ của mình. Trong cuốn sách Lịch Sử Tự Nhiên Và Đạo Đức Tín Ngưỡng Của Người Ở Lục Địa Mới (Historia natural y moral de las Indias, cha José de Acosta cho rằng người châu Mỹ là từ Ấn Độ di cư đến nên đặt tựa đề có “Las Indias (Ấn Độ)” như vậy) xuất bản năm 1590, có đề cập đến Mãng Cầu Xiêm nhưng chưa có sự phân biệt mãng cầu xiêm với các cây họ Na (Annonaceae) khác. Mãi đến năm 1653 khi đức cha Bernabé Cobo viết chương 4, cuốn sách số 6 của bộ sách Lịch Sử Thế Giới Mới ( Historia del Nuevo Mundo) mới tách biệt hai danh từ cây Mãng Cầu Xiêm (guanábana) và cây Na (anona). Và từ đây danh từ Guanábana (Mãng Cầu Xiêm) được đưa vào từ điển tiếng Tây Ban Nha. Nhưng mãi đến năm 1753, nhà thực vật học Carl von Linnaeus mới miêu tả một cách chi tiết theo dạng nghiên cứu khoa học và đặt theo danh pháp quốc tế cho Mãng Cầu Xiêm là Annona muricata L.
Năm 1765, quả Mãng Cầu Xiêm lần đầu tiên giới thiệu vào đảo La Réunion, lãnh thổ của nước Pháp. Mãng Cầu Xiêm trong tiếng Pháp là Corossal. Thời mới được giới thiệu vào Trung Quốc, quả Mãng Cầu Xiêm được là Hồng Mao Lựu Liên (红毛榴连), danh pháp tên gọi chính thức ngày nay là Thích Quả Phiên Lệ Chi ( 刺果番荔枝). Chưa rõ khoảng thời gian nào Mãng Cầu Xiêm du nhập vào Trung Quốc đại lục, riêng đảo Đài Loan thì nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1899. Tôi chưa tìm ra tư liệu chính xác người nước nào đưa cây mãng cầu xiêm vào Việt Nam nên cố gắng tìm hiểu các mốc thời gian Mãng Cầu Xiêm ghé thăm lãnh thổ của tất cả các quốc gia có liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Có thể bạn chưa bao giờ đếm nên không biết được mỗi quả Mãng Cầu Xiêm có từ 35 đến 45 hạt. Loài ve Tetranychus cinnbarinus và loài thuộc lớp côn trùng rệp vảy Coccoidea là những loài gây hại cho cây Mãng Cầu Xiêm.
***
Nguồn tư liệu:
1. Bản tiếng Tây Ban Nha của bài báo “Annona muricata L. “guanábana” (Annonaceae), una fruta utilizada como alimento en el Perú prehispánico” Segundo Leiva González; Guillermo Gayoso Bazán & Luis Chang Chávez. Museo de Historia Natural, Universidad Privada Antenor Orrego, Casilla Postal 1075, Tr1ujillo, PERÚ
2. Bản tiếng Anh của luận văn “Analysis La historia natural y moral de las Indias by José de Acosta” Héctor Maldonado, Universidad Nacional Mayor de San Marcos.
3. Phần giới thiệu của Infographic tiếng Pháp “Qu’est-ce que c’est ?” ; Agence Régionale de Santé La Réunion
4. Bài viết 迷你榴莲:刺果番荔枝 trên cổng thông tin của viện Khoa Học Trung Quốc.
5. Trang 食力Foodnext của Đài Loan.