Nội dung chính
Mọc răng ở trẻ nhỏ là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, những biểu hiện của trẻ trong quá trình mọc răng như sốt, quấy khóc, chán ăn,… khiến các bậc cha mẹ không thể không lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bố mẹ giải đáp mọi thắc mắc về quá trình mọc răng của trẻ và cách khắc phục các dấu hiệu đó. Hãy cùng theo dõi nhé!
Những dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng và cách khắc phục
Thông thường, trẻ sẽ nhú chiếc răng đầu tiên của mình vào khoảng 6 tháng tuổi và kết thúc quá trình mọc răng khi được 30 tháng tuổi. Trước và trong quá trình này, trẻ sẽ có cảm giác khó chịu và xuất hiện một vài dấu hiệu bất thường. Vậy những dấu hiệu này có nguy hiểm không? Khắc phục chúng bằng cách nào?
Trẻ bị sốt
Sốt là dấu hiệu cơ bản và gặp phổ biến nhất khi trẻ đang trong quá trình mọc răng. Dấu hiệu này thường xuất hiện ngay khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng nên rất dễ để nhận biết.
Khi trẻ mọc răng, phần chân răng chuẩn bị nhú ra sẽ làm cho nướu răng bị sưng to và đỏ, từ đó làm cho nhiệt độ cơ thể bé tăng cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, bé chỉ bị sốt nhẹ trong khoảng 38 – 38,5 độ C và không bị tiêu chảy. Vì vậy, nếu thấy bé bị sốt cao trên 38 độ C hoặc/ và kèm theo triệu chứng tiêu chảy thì rất có thể bé đang mắc phải bệnh lý nào đó, bố mẹ cần lưu ý để phân biệt với sốt mọc răng và đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị. Ngoài ra, việc nhiệt độ cơ thể tăng cao cũng có thể khiến bé bị phát ban, cảm thấy khó chịu và quấy khóc.
Khi trẻ bị sốt mọc răng, bố mẹ có thể áp dụng các cách dưới đây để xoa dịu cơn đau, cơn sốt cho con:
- Giảm đau, sưng và ngứa nướu răng: dùng một vòng sạch làm bằng silicon cho bé nhai ( có thể bỏ vòng vào ngăn mát để giảm tình trạng sưng đỏ) hoặc dùng một ngón tay đã rửa sạch để chà nhẹ, massage lên nướu răng bé.
- Cho trẻ uống nước lọc sau khi bú hoặc ăn dặm xong.
- Cho trẻ ăn chuối lạnh xắt lát.
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm để cơ thể có thể thoát nhiệt, giảm sốt nhanh hơn, đồng thời cho bé mặc những bộ quần áo thoáng mát, dễ chịu.
Trong trường hợp cơn sốt kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của bé thì nên cho bé uống thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Trẻ quấy khóc
Việc mọc răng khiến bé cảm thấy đau đớn, khó chịu, bị sốt, “ăn không ngon, ngủ không yên”, nên trẻ quấy khóc là điều dễ hiểu. Tùy vào cơ địa, thể trạng, tình trạng mọc răng của từng bé mà bé có thể không quấy khóc, quấy khóc ít hay quấy khóc nhiều. Đôi khi bé quấy khóc cũng có thể do đói, do buồn ngủ hay do bệnh lý. Vì vậy, dấu hiệu này không có tính chính xác cao.
Vì chưa biết nói, nên quấy khóc là cách duy nhất để bé thể hiện sự khó chịu, mệt mỏi của mình. Lúc này, bạn cần dỗ dành và tạo sự thoải mái cho bé bằng một số cách sau:
- Cho bé đi chơi để ngắm nhìn mọi thứ đang diễn ra hoặc cho bé chơi đồ chơi để quên đi cơn đau, cơn khó chịu trong người.
- Cho bé ngậm núm vú giả.
- Vuốt ve, massage cho bé.
- Mở chút âm nhạc nhẹ nhàng để tạo không gian dễ chịu cho bé.
Trong trường hợp bé quấy khóc liên tục, dỗ bằng mọi cách đều không ngừng thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem bé có bị bệnh hay không.
Trẻ chảy nhiều nước dãi
Vào thời điểm trẻ mọc răng, hệ thần kinh trung ương được kích thích, cụ thể là dây thần kinh thứ V khiến bé tiết nước bọt nhiều hơn. Tuy nhiên, do khoang miệng của bé còn nông và khả năng nuốt nước bọt còn giới hạn nên bé bị chảy nước dãi ra ngoài. Việc tiết nước bọt nhiều hơn bình thường giúp bé được xoa dịu cơn sưng, đau, nóng của nướu răng nhưng lại gây ra một số vấn đề khác như nổi mẩn ở vùng da quanh miệng, đi ngoài phân lỏng,… Vì vậy, dấu hiệu này xảy ra tương đối rõ rệt, giúp bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết bé đã bước vào giai đoạn mọc răng.
Bố mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để hạn chế việc chảy nước dãi cho bé và đề phòng biến chứng xảy ra do chảy nước dãi:
- Không để bé mút tay hoặc các đồ vật khác khi đang ngủ.
- Dùng ngón tay ( đã rửa sạch) để massage nướu răng cho bé nhằm làm giảm cảm giác khó chịu.
- Vệ sinh răng, khoang miệng cho bé thường xuyên và đúng cách, tránh tình trạng nước bọt tiết ra nhiều để tự làm sạch khoang miệng.
- Dùng khăn sạch để lau nước dãi bị chảy ra ngoài và lau cho bé thường xuyên, tránh tình trạng nước dãi đọng lại lâu trên vùng da quanh miệng của bé.
- Cho bé đeo yếm bông thường xuyên để thấm hút nước dãi bị chảy ra ngoài.
Hay nhai cắn
Cũng giống như chúng ta lúc mọc da non, khi mần răng nhú lên, nướu bắt đầu nứt sẽ làm cho bé cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở vùng lợi, chân răng. Vì vậy, bé thường sẽ nhai cắn mọi thứ khi đưa vào miệng như núm vú, đồ ăn, đồ chơi,… để làm giảm cảm giác khó chịu này. Khi bố mẹ nhận biết được dấu hiệu mọc răng của bé thì hãy chủ động chuẩn bị những đồ gặm nướu để tránh gây tổn thương đến lợi cũng như đảm bảo vệ sinh cho bé.
Để giảm tình trạng sưng, đau và tạo cảm giác dễ chịu hơn cho bé, bạn có thể đặt vào gặm nướu vào ngăn tủ mát trước khi cho bé dùng. Tuy nhiên, một số người chưa hiểu biết rõ lại thường đặt vòng vào tủ đá để làm mát nhanh hơn mà không biết rằng có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Việc đặt vòng vào tủ đá có thể làm chúng dễ bị giòn, vỡ hoặc dễ bị nhiễm hóa chất hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng một chiếc khăn sạch, ướt để thay thế cho vòng gặm nướu.
Một số lưu ý khi mua vòng gặm nướu cho bé:
- Không mua sản phẩm có chứa chất lỏng bên trong vì vòng có thể bị nứt, rò rỉ dịch ra ngoài và khiến bé nuốt phải gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
- Tìm mua ở những nơi uy tín, chất liệu sản phẩm đảm bảo an toàn.
- Trước khi dùng nên đun sôi sản phẩm để khử trùng, đảm bảo an toàn cho bé.
- Tuy nhiên, một số sản phẩm không yêu cầu khử trùng thì bước đun sôi không cần thiết thực hiện, vì việc đun sôi sản phẩm có thể gây nứt, vỡ hoặc biến tính.
Thời kỳ gặm nướu cũng chính là lúc bé bắt đầu ăn dặm, vì vậy, thay vì cho bé gặm vòng nướu một cách thường xuyên thì bạn có thể thay thế bằng cách cho bé ăn các loại bánh ăn dặm hoặc thực phẩm mềm, dễ cắn như chuối, giò chả,… vừa giúp bé làm quen với đồ ăn vừa thỏa mãn được nhu cầu nhai, cắn. Tuy nhiên, trong khi ăn bạn cần tuyệt đối để ý đến bé để tránh mắc phải tình trạng hóc, nghẹn gây ảnh hưởng tới tính mạng của bé.
Nếu việc sưng nướu kéo dài và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bé, bạn có thể cho bé dùng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen ( áp dụng cho bé trên 6 tháng tuổi), kèm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chán ăn, bỏ ăn
Cảm giác đau nhức, khó chịu khi mọc răng, kèm theo dấu hiệu sốt nhẹ sẽ khiến trẻ chán ăn, bỏ bú. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho bé bị thiếu chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé. Vì vậy, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Khi bé chán ăn, đòi bỏ bữa thì bố mẹ không nên ép con mà hãy chia nhỏ bữa ăn, cho bé bú sữa nhiều lần trong ngày nhưng giảm lượng sữa mỗi lần bú, trong trường hợp bé ăn dặm thì nên nấu cháo hoặc chế biến đồ ăn nhừ cho bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tạo hứng thú cho bé trong mỗi bữa ăn bằng cách trang trí đồ ăn bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, đa dạng thực đơn, tăng lượng thức ăn mà bé thích ăn, mở nhạc bé thích nghe hoặc vừa bón vừa chơi đùa với bé. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn của bé bao gồm nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất.
Tiêu chảy
Giai đoạn mọc răng của bé thường xuất hiện dấu hiệu tiêu chảy. Tuy nhiên, khác với những gì bố mẹ thường lầm tưởng, mọc răng lại không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy mà là gây ra hiện tượng đi ngoài phân lỏng, hay còn gọi là “tướt mọc răng”. Hiện tượng này xảy ra là do bé tiết nước bọt nhiều khi mọc răng, một phần đã bị bé nuốt vào bụng và theo phân để đào thải ra ngoài, từ đó làm cho phân loãng hơn và lẫn chút nhầy nhớt, khiến bố mẹ hiểu lầm rằng bé bị tiêu chảy.
Có thể giải thích hiện tượng tiêu chảy trong giai đoạn mọc răng của bé bằng một số nguyên nhân dưới đây:
- Thời điểm bé mọc răng cũng là lúc bé bắt đầu ăn dặm, do hệ tiêu hóa còn non nớt nên bé chưa kịp thích ứng với thức ăn “mới lạ”, vì vậy sẽ xuất hiện những bất thường trong việc tiêu hóa, bao gồm cả tiêu chảy.
- Vào thời điểm này bé cũng dần bị mất đi những kháng thể được nhận từ mẹ lúc sinh ra, vì vậy cơ thể có sức đề kháng rất yếu. Trong khi đó, bé lại có xu hướng đưa mọi thứ cầm trong tay vào miệng làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn hệ tiêu hóa, từ đó dẫn tới hiện tượng tiêu chảy.
- Bên cạnh đó, tiêu chảy cũng có thể do bé bị dị ứng với thức ăn, bú sữa của mẹ khi mẹ ăn thức ăn lạ, hoặc tác dụng phụ của việc dùng thuốc.
Khi thấy bé có dấu hiệu tiêu chảy, bố mẹ cần chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp cho bé như cung cấp nước, điện giải; cho bé bú nhiều hơn để tăng sức đề kháng; ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa ( chuối, táo, ngũ cốc); tránh các loại thức ăn có thể khiến tiêu chảy nặng hơn ( nước ép trái cây, sữa ngoài, thức ăn dầu mỡ). Ngoài ra, bạn cần chú ý rửa tay và vệ sinh dụng cụ pha sữa, dụng cụ nấu ăn cho bé, thường xuyên thay yếm và thay tã để đảm bảo vệ sinh.
Trong trường hợp bé bị tiêu chảy kéo dài, đã bổ sung các chất dinh dưỡng nhưng không khỏi thì rất có thể bé bị mắc bệnh nào đó, bạn cần đưa bé tới gặp bác sĩ để thăm khám và có hướng xử lý kịp thời.
Mấy tháng trẻ mọc răng và trình tự mọc răng của trẻ
Trẻ thường bắt đầu giai đoạn mọc răng vào lúc 6 tháng tuổi và có đầy đủ 20 chiếc răng sữa trước sinh nhật 3 tuổi. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp mọc răng sớm từ khi mới 3-4 tháng tuổi, thậm chí một vài bé còn có răng khi vừa mới sinh ra, đồng thời cũng có trường hợp mọc răng muộn khi đã 11-12 tháng tuổi ( nguyên nhân có thể do cấu trúc răng hoặc gen di truyền).
Trình tự mọc răng của bé: hai răng cửa hàm dưới mọc đầu tiên, tiếp đó là hai răng cửa hàm trên, rồi đến răng hàm mọc lên và cuối cùng là răng nanh. Thời điểm mọc cụ thể của từng loại răng:
- Răng cửa giữa hàm dưới: 6-10 tháng
- Răng cửa giữa hàm trên: 8-12 tháng
- Răng cửa bên hàm trên: 9-13 tháng
- Răng cửa bên hàm dưới: 10-16 tháng
- Răng hàm sơ cấp hàm trên: 13-19 tháng
- Răng hàm sơ cấp hàm dưới: 14-18 tháng
- Răng nanh hàm trên: 16-22 tháng
- Răng nanh hàm dưới: 17-23 tháng
- Răng hàm thứ cấp hàm dưới: 23-31 tháng
- Răng hàm thứ cấp hàm trên: 25-33 tháng
Các mốc thời gian trên chỉ mang tính chất tham khảo, không đúng trong mọi trường hợp bởi một số bé có thể mọc răng sớm hơn hoặc muộn hơn so với mốc chung. Tuy nhiên, với các bé đã 3 tuổi mà chưa có dấu hiệu mọc răng hoặc các bé mọc răng khi mới sinh được vài tuần thì bố mẹ cần đưa bé tới cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ tới nha sĩ?
Thời điểm mọc răng là thời điểm cực kỳ nhạy cảm và đáng lo ngại đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, bố mẹ cần hết sức lưu ý, quan tâm đến từng dấu hiệu bất thường của con để kịp thời đưa con đi khám và tìm ra hướng chữa trị hợp lý.
Trường hợp thứ nhất cần đưa trẻ tới nha sĩ để kiểm tra về răng miệng đó là việc mọc răng quá sớm hoặc quá muộn của trẻ. So với các mốc tiêu chuẩn đã nêu ở trên, thời gian mọc răng của bé có thể lệch trong khoảng 1 năm vẫn được coi là bình thường. Tuy nhiên, khi bé đã trên 3 tuổi mà vẫn chưa mọc đủ 20 chiếc răng sữa thì bạn nên đưa bé tới nha sĩ để thăm khám. Bên cạnh đó, các bé mọc răng quá sớm ngay từ khi chào đời hoặc sau sinh vài tuần ( gọi là răng sơ sinh) cũng cần tới nha sĩ để kiểm tra nhằm tránh gây cản trở cho việc bú sữa của bé và tránh nguy cơ bị nghẹt thở.
Trường hợp tiếp theo mà bé cần tới gặp nha sĩ đó là các triệu chứng trong quá trình mọc răng bị kéo dài, dai dẳng mãi không khỏi gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt của bé. Thông thường, các triệu chứng như sốt, chảy nước dãi, chán ăn, bỏ bữa, ngủ giật mình, tiêu chảy,… gặp ở hầu hết các bé đang trong quá trình mọc răng nên bố mẹ coi đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu đó kéo dài mãi không khỏi hoặc ngày càng trở nên nghiêm trọng thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh lý nào đó không phải xuất phát từ việc mọc răng. Vì vậy, bố mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Ngoài những trường hợp trên, bố mẹ có thể đưa bé đi khám sức khỏe răng miệng thường xuyên để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bé, có thể phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường như sâu răng, răng mọc lệch,….
Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng hàm
Chăm sóc răng là một vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ, vì chúng ảnh hưởng ít nhiều tới hàm răng của trẻ sau này. Đồng thời, việc chăm sóc sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trong quá trình mọc răng. Các bạn có thể tham khảo một số cách dưới đây để có thể chăm sóc răng cho bé một cách tốt nhất:
- Dùng khăn sạch để lau nướu cho bé hằng ngày, thường xuyên gạc rơ lưỡi để tránh tình trạng viêm sưng, nóng đỏ cho bé.
- Bổ sung vào thực đơn hằng ngày của bé các loại thực phẩm có chứa vitamin giúp tăng cường sức đề kháng cho bé và giảm tình trạng đau nhức khi mọc răng
- Với trẻ dưới 6 tháng thì cho bú nhiều sữa, còn trên 6 tháng thì tăng cường uống nước
- Giữ gìn vệ sinh cho bé bằng cách đeo yếm thường xuyên, vệ sinh dụng cụ pha sữa cẩn thận.
- Chỉ vệ sinh răng miệng cho bé bằng nước ấm, không tự ý dùng các loại thuốc, gel khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, nha sĩ.
Trả lời một số câu hỏi thường gặp
Trẻ mọc răng chậm có nguy hiểm không?
Việc mọc răng chậm ở trẻ nhỏ không phải là trường hợp hiếm gặp và cũng không hề gây nguy hiểm cho bé. Tuy nhiên, để tránh những nguy cơ và biến chứng xấu về sau, bố mẹ nên đưa bé tới gặp nha sĩ để kiểm tra nếu thấy bé quá 12 tháng tuổi mà chưa mọc chiếc răng nào hoặc quá 3 tuổi mà chưa mọc đủ 20 chiếc răng sữa.
Trẻ sốt do mọc răng sẽ kéo dài bao lâu?
Sốt là dấu hiệu đầu tiên, xuất hiện ngay khi bé bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Thời gian sốt do mọc răng tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa của bé. Thông thường, cơn sốt sẽ kéo dài khoảng 3-4 ngày từ lúc răng nhô lên và sau đó sẽ tự hết.
Trẻ mọc răng không đúng thứ tự có làm sao không?
Việc mọc răng không đúng thứ tự không phải là vấn đề quá đáng lo bởi thứ tự mọc răng còn phụ thuộc vào cơ địa, chế độ dinh dưỡng của từng bé. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bố mẹ nên đưa bé đi kiểm tra để đề phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Hình ảnh bé mọc răng đầu tiên?
Răng đầu tiên là răng cửa hàm dưới.
Trẻ mọc răng sữa không thẳng hàng có làm sao không?
Việc răng sữa bị mọc lệch thường gây ra một số vấn đề gây ảnh hưởng xấu như: sai khớp cắn khiến việc nhai bị cản trở, gây tổn thương xương hàm, thức ăn thừa dễ bị mắc lại tại các kẽ răng bị lệch gây tình trạng sâu răng, viêm lợi,… Vì vậy, khi thấy hiện tượng răng mọc không thẳng hàng, bố mẹ cần đưa bé đi khám và chữa trị ngay lập tức.
Trên đây là các thông tin về vấn đề mọc răng ở trẻ nhỏ. Hy vọng qua bài viết này, bố mẹ có thêm hiểu biết về việc mọc răng của con và từ đó chăm sóc cho con tốt hơn.