Viêm gan B

(0 / 0)

Hiện nay các bệnh lý về gan đang là một trong những vấn đề có ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe của con người chúng ta. Ở bài viết này https://songkhoemoingay.com xin trả lời các bạn một số câu hỏi: Nguyên nhân gây ra bệnh Viêm gan B? Viêm gan B chữa trị bằng cách nào? Viêm gan B có nguy hiểm không….Dưới đây à thông tin chi tiết.

Viêm gan B là bệnh gì?

Viêm gan B
Hình ảnh: Viêm gan B

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan có khả năng đe dọa tính mạng do virus viêm gan B là HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Hiện nay, viêm gan B là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Viêm gan B có cả thể cấp và mạn tính. Virus này được lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh.

Tính đến ngày 18/7/2018, theo WHO, toàn thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV (nhiễm HBV được định nghĩa là có kháng nguyên bề mặt viêm gan B HbsAg dương tính). Trong năm 2015, viêm gan B đã gây ra 887,000 ca tử vong mà chủ yếu là do các biến chứng của nó là xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

Dịch tễ

Tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất: Tây Thái Bình Dương WHO (6.2%), châu Phi WHO (6.1%).

Tiếp theo là các khu vực: Đông Địa Trung Hải WHO (3.3%), Đông Nam Á WHO (2.0%), châu Âu WHO (1.6%), cuối cùng thấp nhất là châu Mỹ WHO (0.7%).

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan B

Nguyên nhân gây bệnh là virus HBV, thuộc họ Hepadnaviridae, có lõi axit nucleic là ADN.

Chụp virus HBV bằng kính hiển vi điện tử quét
Ảnh: Chụp virus HBV bằng kính hiển vi điện tử quét.

Virus HBV có thể sống được ít nhất 7 ngày ngoài môi trường tự nhiên. Thời gian ủ bệnh từ 30 – 180 ngày, trung bình 75 ngày. Có thể phát hiện được virus sau 30 – 60 ngày bị nhiễm.

HBV có thể lây lan theo đường từ mẹ sang con hoặc lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm virus như tinh dịch, dịch âm đạo, nước bọt… Lây truyền viêm gan B cũng thường xảy ra ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới hoặc quan hệ với gái mại dâm.

Sự tiến triển của viêm gan B từ cấp sang mạn tính ở trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ mẹ hoặc bị lây từ người khác trước 5 tuổi là rất phổ biến, trong khi tỉ lệ này ở tuổi trưởng thành là ít hơn 5%.

Chẩn đoán bệnh viêm gan B

Cấu trúc virus HBV
Ảnh: Cấu trúc virus HBV.

Không thể chẩn đoán phân biệt viêm gan B với các viêm gan siêu vi khác trên lâm sàng chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng.

Chẩn đoán xác định viêm gan B dựa vào kháng nguyên bề mặt HBsAg dương tính. WHO cũng khuyến cáo nên xét nghiệm sàng lọc viêm gan B với tất cả các đơn vị máu được hiến đề đảm bảo an toàn cho những người nhận máu.

Viêm gan B cấp tính:

Thể vàng da điển hình:

Tiền sử tiêm chích ma túy, truyền máu, các chế phẩm từ máu, quan hệ tình dục không an toàn trong 4 tuần đến 6 tháng.

Lâm sàng: có thể vàng da, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, phân bạc màu, nước tiểu ít và sẫm màu, đau tức hạ sườn phải…

Cận lâm sàng: Tăng AST, ALT, bilirubin tăng cao (chủ yếu là bilirubin trực tiếp), HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).

Thể lâm sàng khác:

Thể vàng da kéo dài:

  • Lâm sàng: Khá giống thể vàng da điển hình, có kèm ngứa (do tích tụ bilirubin dưới da kích thích các thụ cảm thể gây ngứa) và vàng da kéo dài hơn 6 tuần.
  • Cận lâm sàng: Tương tự thể vàng da điển hình.

Thể không vàng da:

  • Lâm sàng: Khá giống thể vàng da điển hình, nhưng không có vàng da.
  • Cận lâm sàng: Tăng AST, ALT, HBsAg (+) hoặc (-) và anti-HBc IgM (+).

Thể viêm gan tối cấp:

  • Lâm sàng: Lâm sàng của suy gan cấp kèm bệnh lý não gan.
  • Cận lâm sàng: Tương tự thể vàng da điển hình, có thêm giảm tiểu cầu, thời gian đông máu kéo dài.

Viêm gan B mạn tính

HBsAg (+) trong hơn 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti-HBc typ IgG (+).

ALT và AST tăng liên tục trên 6 tháng hoặc liên tục từng đợt.

Có bằng chứng chứng minh tổn thương mô bệnh học tiến triển hoặc xơ gan (bằng sinh thiết gan…) không do nguyên nhân khác.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng viêm gan B
Hình ảnh: Triệu chứng viêm gan B

Viêm gan B cấp tính

Thời kì ủ bệnh:

  • Kéo dài vài tuần đến 6 tháng, thường không có biểu hiện trên lâm sàng.

Thời kì khởi phát:

  • Kéo dài 3-10 ngày.
  • Sốt nhẹ 38-39C.
  • Đau tức vùng bụng bên phải, ngay dưới xương sườn (còn gọi hạ sườn phải, vị trí thông thường của gan, trừ một số trường hợp bệnh nhân có đảo ngược phủ tạng thì gan ở hạ sườn trái).
  • Bệnh nhân chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi nhiều, không muốn làm gì.

Thời kì toàn phát:

Kéo dài 1-3 tuần.

Các triệu chứng phát triển và nặng lên:

  • Gan to và đau, lách có thể to.
  • Chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…
  • Vàng da (do tăng bilirubin – sắc tố mật trong máu), vàng mắt phát triển nhanh, kéo dài 2-4 tuần.
  • Phân bạc màu (có thể trắng như phân cò).
  • Nước tiểu ít và sẫm màu (giống màu nước vối).
  • Rất ngứa (do tích tụ bilirubin dưới da kích thích các thụ cảm thể gây ngứa, ngứa trong trường hợp này không đáp ứng với các thuốc kháng histamin H1).

Thời kì hồi phục:

  • Thường có hiện tượng đa niệu.
  • Các triệu chứng lâm sàng giảm dần rồi mất.
  • Bệnh nhân cảm thấy khỏe lên, dễ chịu dần, ăn ngủ tốt.
  • Nước tiểu trong trở lại, phân cũng trở về màu như cũ.
  • Gan dần trở về kích thước bình thường.
  • Sự mệt mỏi và đau tức hạ sườn phải có thể còn kéo dài nhiều tháng sau đó.

Viêm gan B mạn tính

Bệnh nhân có thể hoàn toàn bình thường.

Có thể có một số triệu chứng lâm sàng như viêm gan cấp: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng…

Khi bị biến chứng xơ gan, ung thư gan bệnh nhân sẽ có thêm những triệu chứng của các bệnh lý này.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu chuẩn đoán viêm gan B
Hình ảnh minh họa: Xét nghiệm máu chuẩn đoán viêm gan B

Viêm gan B cấp tính

Thời kì khởi phát:

  • Khám thực thể: gan to (hầu như mọi trường hợp).
  • Nước tiểu sẫm (đa số các trường hợp).
  • Urobilinogen niệu (+).

Thời kì toàn phát

  • ALT, AST có thể tăng trên 5 lần, đặc biệt là ALT.
  • Bilirubin toàn phần tăng, đặc biệt là bilirubin trực tiếp.
  • Phosphatase kiềm tăng trong trường hợp tắc mật.
  • Urobilinogen niệu (-).

Thời kì hồi phục:

  • Các chỉ số bilirubin toàn phần, transaminase máu, các chỉ số sinh hóa khác dần trở về bình thường.
  • Viêm gan B mạn tính:
  • HBsAg (+) ít nhất 6 tháng.
  • ADN HBV huyết thanh ≥ 105 bản sao/mL.
  • AST/ALT tăng từng đợt hay kéo dài.
  • Sinh thiết gan: hình ảnh viêm gan B mạn tính.

Điều trị

Viêm gan cấp

Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là là hỗ trợ và điều trị triệu chứng.

  • Nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường trong giai đoạn tiến triển.
  • Ăn uống đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, ăn thịt nạc, rau xanh, hoa quả tươi, kiêng mỡ động vật…
  • Kiêng rượu bia và các đồ uống có cồn khác.
  • Có thể xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
  • Có thể sử dụng các thuốc bảo vệ tế bào gan nếu cần: Fortec, Nissel, Grocel… hay các thuốc có nguồn gốc dược liệu như chó đẻ răng cưa…

Viêm gan tối cấp: Điều trị nội khoa hồi sức tích cực, có thể cân nhắc sử dùng thuốc kháng virus đường uống như tenofovir, lamivudin…

Viêm gan mạn tính

Chỉ định khi ALT tăng trên 2 lần hoặc có bằng chứng chứng minh xơ gan và tải lượng ADN HBV ≥ 105 bản sao/mL (20,000 IU/mL) (với HbeAg (+)) hoặc ADN HBV ≥ 104 bản sao/mL (2,000 IU/mL) (với HbeAg (-)).

  • Tenofovir DF 300 mg/ngày hoặc tenofovir AF 25 mg/ngày hoặc entecavir 0.5 mg/ngày.
  • Lamivudine 100 mg/ngày sử dụng cho phụ nữ mang thai, bệnh nhân xơ gan mất bù.
  • Adefovir + lamivudine nếu kháng thuốc.
  • Peg-IFNα-2a 180 µg/tuần hoặc Peg-IFNα-2b 1.5 µg/kg/tuần hoặc IFNα 5 triệu IU/ngày hoặc 10 triệu IU/lần x 3 lần/tuần, tiêm dưới da 6-12 tháng cho bệnh nhân nhiễm đồng thời HBV và HDV, phụ nữ mang thai muốn sinh con, thất bại hoặc không dung nạp thuốc kháng virus đường uống.

Đặc biệt:

Đồng nhiễm HBV và HIV: Khi tải lượng ADN HBV ≥ 104 bản sao/mL, sử dụng liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) có tenofovir disoproxil fumarate (TDF) và lamivudine (3TC).

Đồng nhiễm HBV và HCV: Điều trị như phác đồ chuẩn cho viêm gan siêu vi C.

Viêm gan B mạn tính ở trẻ em:

(*) Nếu không sinh thiết gan được thì cần hội chẩn chuyên gia để ra quyết định.

HCC: Ung thư biểu mô tế bào gan.

Lưu ý: Entecavir (ETV) sử dụng ở trẻ 2 tuổi trở lên và không dưới 10 kg, cần có chỉnh liều, việc chỉnh liều phải được thực hiện bởi bác sĩ.

Trường hợp kháng 3TC thì liều ETV được tăng gấp đôi.

3TC: 3 mg/kg x 1 lần/ngày (tối đa 100 mg/ngày).

Adefovir dipivoxil (ADV): 10 mg/lần x 1 lần/ngày (trẻ ≥ 12 tuổi).

TDF: 300 mg/lần x 1 lần/ngày (trẻ ≥ 12 tuổi và nặng ≥ 35 kg).

IFNα cho trẻ ≥ 12 tháng tuổi.

Viêm gan B mạn tính ở phụ nữ mang thai:

Trì hoãn điều trị nếu có thể.

Nếu bắt buộc phải điều trị: Dùng TDF, có thể thêm 3TC trong 3 tháng cuối.

Nếu bệnh nhân viêm gan B mạn tính muốn có thai: Ngừng ETV 2 tháng trước khi có thai và chuyển sang dùng TDF.

Viêm gan B mạn tính ở bệnh nhân xơ gan mất bù

Chống chỉ định interferon.

Điều trị sớm nhất có thể, dùng TDF hoặc ETV. Theo dõi chức năng thận, acid lactic máu.

Bệnh nhân HCC có HBsAg (+): ETV hoặc TDF lâu dài trước, trong và sau khi điều trị HCC.

Bệnh nhân nhiễm HBV được ghép tạng: Xét nghiệm ADN HBV và điều trị dự phòng viêm gan B mạn bùng phát bằng ETV, TDF hoặc 3TC. Điều trị trước, trong và ít nhất 12 tháng sau khi ngừng thuốc ức chế miễn dịch.

Bệnh nhân viêm gan B mạn tính và tiền sử gia đình có HCC: Nếu ALT cao hơn khoảng 2 lần bình thường, ADN HBV ≥ 106 bản sao/mL (200,000 IU/mL) thì cần sinh thiết gan, các xét nghiệm đánh giá mức độ xơ hóa gan để quyết định có dùng thuốc kháng virus hay không.

Dự phòng

Tiêm vắc xin dự phòng HBV
Hình ảnh: Tiêm vắc xin dự phòng HBV

Phòng bệnh chủ động

Tiêm vaccin viêm gan B cho tất cả trẻ trong 24 giờ sau sinh, các mũi tiếp theo lúc 2,3,4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tiêm vaccin cho những người chưa nhiễm HBV (xét nghiệm HBsAg và anti-HBs trước tiêm phòng).

Tiêm vaccin cho nhân viên y tế.

Phòng bệnh lây từ mẹ sang con

Mẹ mang thai có HBsAg (+): Tiêm vaccin viêm gan B cho trẻ ngay sau sinh theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm kháng thể kháng HBV cho trẻ (tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau). Các mũi tiêm tiếp theo như chương trình tiêm chủng mở rộng bình thường.

Mẹ mang thai có ADN HBV ≥ 106 bản sao/mL (200,000 IU/mL): Dùng 3TC hoặc TDF 3 tháng cuối thai kì. Xét nghiệm lại ADN HBV 3 tháng sau sinh để quyết định có tiếp tục điều trị hay không. Cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

Phòng bệnh không đặc hiệu

Máu hiến cần được xét nghiện sàng lọc HBV.

Không tiêm chích ma túy, sử dụng chung các bơm kim tiêm…

Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn.

Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân nhiễm HBV.

Tham khảo thêm:

Viêm gan C: Nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, điều trị và dự phòng