Ngành y đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn

(1 / 5)

Tác giả: Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Ngành y đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn. Khó khăn hơn nữa là dù ai cũng thấy là nó bất thường, nhưng rất ít người thấy cần phải lên tiếng. Dù đó là lên tiếng cho bản thân mình, cho người thân trong gia đình mình, bởi vì chính họ sẽ là người nhận lãnh hậu quả.
Nhưng tất cả những khó khăn mà chúng ta đang nói đến, đều chưa phải là khó khăn lớn nhất. Qua nhiều ý kiến comment trong các bài viết gần đây của tôi về các vấn đề y khoa nhưng không thuần túy chuyên môn, tôi mới nhận ra điều khó khăn nhất của ngành y Việt Nam hiện nay là gì.

Ngành y đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn
Ngành y đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn

Tôi cho rằng những khó khăn này bắt nguồn từ rất lâu, đâu đó từ hơn 70 năm trước, khi phong trào đào tận gốc, trốc tận rễ được phát động. Những con người không được học hành nhiều, hiểu biết hạn chế, bỗng nhiên được đưa lên hàng ưu tú, có quyền phán quyết về khả năng chuyên môn, thậm chí còn định đoạt mạng sống của những người được đào tạo chuyên môn.

Có những câu chuyện thật như đùa được kể lại, mới thấy những người không hiểu biết về lãnh vực chuyên môn, lại được trao quyền quyết định chuyên môn, như chuyện chi bộ quyết định mổ như thế nào, chính ủy quyết định chữa bệnh ra sao… Những điều đó góp phần vào việc những người không được đào tạo về y khoa tự cho rằng mình hiểu biết hơn bác sĩ.

Khi tôi mới đi theo chuyên khoa Ngoại Thần kinh, được nghe các anh kể câu chuyện, về trường hợp một anh bộ đội, có một đứa con bị bệnh. Sau khi thăm khám, chụp hình… bác sĩ cho biết con anh bị bệnh vô não (anacephaly) không thể chữa được. Anh bộ đội liền nổi khùng, và chỉ vô mặt bác sĩ quát: “Chỉ có chúng mày mới vô não, chứ con tao làm sao lại vô não”.

Hôm rồi, tôi đưa câu chuyện người bệnh đi khám sức khỏe ở Medic, làm xét nghiệm đợt đầu không kết luận được, làm thêm đợt sau nữa vẫn chưa rõ ràng, và được chuyển qua Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để làm tiếp các xét nghiệm xác định bệnh. Đó là một việc làm hết sức trách nhiệm và đầy y đức của các bác sĩ và nhân viên Medic. Thế nhưng, rất nhiều người cho rằng, Medic trục lợi, và chuyển qua Phạm Ngọc Thạch để cấu kết trục lợi tiếp tục. Mặc dù rất nhiều bác sĩ vô giải thích, nhưng cái đầu họ vẫn không thể mở ra được.

Có bạn đưa ra trường hợp khó thở, khám ở Bệnh viện Hồng Ngọc nghi tràn dịch màng phổi nhưng chưa chắc, đề nghị nhập viện theo dõi. Bệnh nhân không đồng ý. Bệnh viện Hồng Ngọc đã giới thiệu qua Saint Paul. Bác sĩ Saint Paul nghi tràn khí màng phổi (hay gì đó) và cho về. Họ lấy cái cách hành xử của bác sĩ Saint Paul để kết luận Bệnh viện Hồng Ngọc yêu cầu nhập viện để trục lợi. Mặc dù tôi và các bác sĩ khác cho họ biết, Bệnh viện Hồng Ngọc đã làm đúng trách nhiệm và y đức. Nhưng không, họ không thể thay đổi suy nghĩ của họ.

Nói chung là rất nhiều các ví dụ mà các bạn đưa ra để chứng minh là các bác sĩ ngu dốt hoặc trục lợi. Thế nhưng, là một người làm chuyên môn, bất cứ bác sĩ nào cũng có thể thấy, rằng những điều mà người ta phê phán lại chính là những việc làm thể hiện trách nhiệm và lương tâm thầy thuốc.

Tất nhiên, người bệnh không có chuyên môn, nên họ đánh giá sự việc theo đúng trình độ nhận thức của họ. Ở đâu trên thế giới cũng vậy thôi. Điều khó khăn cho y tế Việt nam mà tôi nói bên trên, là những ý kiến không chuyên môn, những kết luận ngược, những ngộ nhận biến tốt thành xấu, biến đúng thành sai, lại được số đông cho là đúng.

Và trong số đông ấy, có cả số đông những người lẽ ra phải có trình độ nhận biết đúng sai, như các đại biểu Quốc hội, các quan chức… Và từ đó, họ phán xét ngành y, phán xét thầy thuốc, họ biến những nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, với lương tâm thầy thuốc, thành những cố gắng trục lợi. Họ có quyền phán xét, thậm chí hành hung nhân viên y tế, và nhận được sự ủng hộ của cả những đại biểu Quốc hội hoặc cán bộ cao cấp.
Vụ án của BS Lương ở Hòa Bình cho thấy, cả một bộ máy quyền lực, hay nói theo cách của họ, cả một hệ thống chính trị, không biết gì về chuyên môn, nhưng lại tự cho mình quyền phán quyết về công việc chuyên môn, bất chấp các ý kiến chuyên môn, dùng quyền lực để trấn áp các ý kiến chuyên môn, áp đặt chuyên môn.

Người ta bảo, ngu dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại. Còn tôi thì thấy, nhận thức kém cộng với thói tự mãn (kiểu như dốt mà không biết mình dốt) cũng ngang với phá hoại. Nhận thức kém nhưng nắm giữ quyền lực thì không phải phá hoại, mà là hủy diệt. Tất cả những điều đó, ngành y Việt Nam đang phải chịu đựng.

Đó cũng là lí do mà rất nhiều thời gian đã trôi qua, những người có trách nhiệm vẫn không thể nào giải quyết được những khó khăn chẳng có gì là lớn lắm cho ngành y, cho người dân Việt nam.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here