Viêm gan C

(0 / 0)

Hiện nay các bệnh lý về gan đang là một trong những vấn đề có ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe của con người chúng ta. Ở bài viết này https://songkhoemoingay.com xin trả lời các bạn một số câu hỏi: Nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan C? Viêm gan c chữa trị bằng cách nào? Viêm gan C có nguy hiểm không….Dưới đây à thông tin chi tiết.

Viêm gan C là bệnh gì?

Mô hình virus viêm gan C
Hình ảnh: Mô hình virus viêm gan C

Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng gan có khả năng đe dọa tính mạng do virus viêm gan C là HCV (Hepatitis C Virus) gây ra. Viêm gan C có cả thể cấp và mạn tính. Virus này được lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh.

Tính đến ngày 18/7/2018, có khoảng 71 triệu người nhiễm viêm gan C mạn tính trên toàn cầu. Viêm gan C đã gây ra 399,000 ca tử vong mỗi năm mà chủ yếu là do các biến chứng của nó là xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

Thuốc kháng virus có thể chữa khỏi hơn 95% những trường hợp mắc viêm gan C, từ đó làm giảm nguy cơ tử vong do xơ gan và ung thư gan, tuy nhiên khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị là không cao. Viêm gan C hiện tại chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu.

Dịch tễ

Virus viêm gan C được phát hiện trên toàn thế giới.

Tỉ lệ nhiễm virus viêm gan C cao nhất: Đông Địa Trung Hải WHO (2.3%), châu Âu WHO (1.5%).

Tỉ lệ nhiễm HCV ở các khu vực khác thay đổi từ 0.5% đến 1%. Tùy vào các quốc gia khác nhau, virus viêm gan C có thể tập trung ở một quần thể nhất định (ví dụ: những người tiêm chích ma túy) và/hoặc các quần thể nói chung. Có nhiều chủng HCV và phân bố của chúng thay đổi theo vùng.

Ước tính thu được từ mô hình cho thấy trên toàn thế giới, năm 2015 có khoảng 1.75 triệu ca nhiễm HCV mới (23.7 ca nhiễm HCV mới trên 100,000 người).

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh là virus HCV, thuộc họ Flaviviridae, có lõi axit nucleic là ARN chuỗi đơn. HCV bao gồm 6 kiểu gen, đánh số từ 1 đến 6. Trong đó kiểu gen 1, 6, 2, 3 là loại gây bệnh phổ biến nhất ở Việt Nam.

Chụp virus HCV bằng kính hiển vi điện tử, tỉ lệ = 50 nm
Ảnh: Chụp virus HCV bằng kính hiển vi điện tử, tỉ lệ = 50 nm.

Virus HCV thường lây truyền qua đường máu:

  • Tiêm chích ma túy có chia sẻ các bơm kim tiêm.
  • Tái sử dụng và khử trùng không tốt các thiết bị y tế, đặc biệt là ống tiêm, kim tiêm.
  • Truyền máu, các chế phẩm máu chưa được sàng lọc virus cho người lành.

HCV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con hoặc lây truyền qua đường tình dục, tuy nhiên ít phổ biến hơn.

HCV không lây truyền qua đường sữa mẹ, qua chia sẻ thức ăn, nước uống hoặc hoặc qua tiếp xúc thông thường như ôm, hôn với người nhiễm virus.

Chẩn đoán

Nhiễm HCV cấp tính đa số không có triệu chứng nên rất ít người được chẩn đoán trong giai đoạn này. Ở những bệnh nhân tiếp tục phát triển viêm gan C mạn tính, thường họ cũng không được chẩn đoán do không xuất hiện triệu chứng cho đến hàng thập kỉ sau nhiễm siêu vi, khi mà các triệu chứng phát triển thành tổn thương gan nghiêm trọng.

Nhiễm HCV được chẩn đoán theo hai bước:

  • Sàng lọc kháng thể chống HCV trong huyết thanh để xác định những người đã bị nhiễm virus bằng phản ứng miễn dịch enzyme (ELISA).
  • Nếu xét nghiệm kháng thể chống HCV dương tính, xét nghiệm ARN HCV là cần thiết để xác nhận viêm gan C mạn tính vì khoảng 30% số người nhiễm HCV có thể tự loại bỏ virus bằng các phản ứng miễn dịch mà không cần điều trị. Mặc dù không còn nhiễm HCV, những người này vẫn sẽ có kháng thể chống HCV dương tính.

Sau khi được chẩn đoán viêm gan C mạn tính, bệnh nhân cần được đánh giá mức độ tổn thương gan bằng sinh thiết gan hoặc các xét nghiệm không xâm lấn khác.

Ngoài ra những bệnh nhân mắc viêm gan C cần được xác định kiểu gen của virus mà mình đang nhiễm vì mỗi kiểu gen đáp ứng khác nhau với điều trị, hơn nữa một người có thể nhiễm nhiều hơn một kiểu gen.

Triệu chứng lâm sàng

Các giai đoạn phát triển của bệnh viêm gan C
Hình ảnh: Các giai đoạn phát triển của bệnh viêm gan C

Viêm gan C cấp tính:

Viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Nếu có cũng thường nhẹ và giống như cúm:

  • Mệt mỏi nhẹ.
  • Buồn nôn.
  • Chán ăn.
  • Đau cơ, khớp.
  • Đau tức vùng hạ sườn phải.
  • Có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu.

Viêm gan C mạn tính:

Viêm gan C mạn tính cũng hầu như không có triệu chứng lâm sàng, nhiều trường hợp lên tới 10-30 năm. Một số triệu chứng lâm sàng cũng khá giống viêm gan cấp:

  • Mệt mỏi.
  • Sốt nhẹ.
  • Chán ăn.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Vàng da, vàng mắt kéo dài.

Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ được phát hiện khi đã có những biến chứng nặng và nghiêm trọng như:

  • Xơ gan mất bù: Với biểu hiện của hai hội chứng điển hình là hội chứng suy tế bào gan và hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, thể hiện ở một số triệu chứng lâm sàng tiêu biểu: Cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, tuần hoàn bàng hệ (do tăng áp lực ở 4 vòng nối: tâm vị – thực quản, trực tràng, thành bụng sau và quanh rốn), ngứa nhiều, nam giới có vú to, sao mạch, lòng bàn tay son (rối loạn chuyển hóa hormon sinh dục), rối loạn đông máu…
  • Suy gan.
  • Ung thư biểu mô tế bào gan.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm viêm gan C
Hình ảnh: Xét nghiệm viêm gan C

Các biểu hiện cận lâm sàng nhìn chung cũng rất mờ nhạt.

Bilirubin: đa số bình thường.

ALT, AST: có thể tăng.

AST/ALT: hầu như không có bùng phát.

Anti-HCV (kháng thể chống HCV) (+).

ARN HCV (+) trong viêm gan C cấp hoặc mạn tính hoặc (-) nếu như bệnh nhân đã khỏi.

Xác định kiểu gen virus (genotype).

Sinh thiết gan hoặc các xét nghiệm không xâm lấn (APRI, ARFI, FIB-4, Fibroscan, Fibro test…): đánh giá mức độ xơ hóa gan.

Xơ gan còn bù, mất bù: dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng (tiêu chuẩn Child-Pugh phân loại xơ gan).

Khác: Công thức máu, tiểu cầu, thời gian prothrombin, INR, AFP, siêu âm gan, albumin…

Điều trị viêm gan C

Viêm gan C cấp tính

15-45% bệnh nhân viêm gan C cấp có thể tự khỏi.

Chủ yếu là là hỗ trợ và điều trị triệu chứng.

  • Nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường trong giai đoạn tiến triển (khi nằm lưu lượng máu qua gan tăng 25%).
  • Chế độ ăn đa dạng, đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là protid, glucid và lipid, kiêng mỡ động vật, các loại thức ăn nhanh, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, sữa chua. Chú ý ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
  • Kiêng rượu, bia, các đồ uống có cồn nói chung.
  • Tránh sử dụng các thuốc, tiếp xúc hóa chất gây độc cho gan (ví dụ: thuốc paracetamol, aspirin, hóa chất độc với gan như carbon tetrachloride CCl4, chloroform CHCl3).
  • Điều trị đặc hiệu không được khuyến cáo. Chỉ xem xét khi bệnh có biểu hiện tiến triển nặng, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nếu ARN HCV dương tính 12 tuần sau chẩn đoán, điều trị bằng các thuốc kháng virus trực tiếp.

Viêm gan C mạn tính

Mục tiêu điều trị:

  • ARN HCV < 15 IU/mL tuần thứ 12 sau kết thúc điều trị.
  • ARN HCV < 15 IU/mL tuần thứ 24 sau kết thúc điều trị, phác đồ có Peg-interferon (PegIFN).
  • Phòng ngừa các biến chứng: xơ gan, suy gan, ung thư biểu mô tế bào gan…
  • Dự phòng lây nhiễm HCV trong cộng đồng.

Thuốc điều trị:

  • PegIFN-α-2a: 180mg/lần/tuần x 12-24 tuần.
  • PegIFN-α-2b: 1,5 mg/kg/lần/tuần x 12-24 tuần.
  • Dasabuvir (DSV): 250 mg/lần x 2 lần/ngày.
  • Daclatasvir (DCV): 30 hoặc 60 mg/lần/ngày.
  • Simeprevir (SMV): 150 mg/lần/ngày.
  • Sofosbuvir (SOF): 400 mg/lần/ngày (chống chỉ định bệnh nhân có CFR < 30 ml/phút/1.73m2).
  • Ribavirin (RBV): 1000 mg/ngày (≤ 75kg) hoặc 1200 mg/ngày (≥ 75kg) trong 12-24 tuần.
  • Sofosbuvir/Ledipasvir (LDV) (viên nén 400/90 mg): 1 viên/lần/ngày.
  • Sofosbuvir/Velpatasvir (VEL) (viên nén 400/100 mg): 1 viên/lần/ngày.
  • Grazoprevir (GZR)/Elbasvir (EBR) (viên nén 100/50 mg): 1 viên/lần/ngày.
  • Paritaprevir (PTV)/Ombitasvir (OBV)/Ritonavir (viên nén 75/12.5/50 mg): 2 viên/lần/ngày.

Một số phác đồ của Bộ Y tế:

Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân không xơ gan
Hình ảnh: Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân không xơ gan

 

Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân xơ gan còn bù:
Hình ảnh: Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân xơ gan còn bù
Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân xơ gan mất bù:
Hình ảnh: Phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính ở bệnh nhân xơ gan mất bù

Đặc biệt:

  • Trẻ em (> 3 tuổi):

PegIFN-α-2a 180 mg/1.73m2/tuần hoặc PegIFN-α-2b 60 mg/m2/tuần + RBV 15 mg/kg/ngày.

Điều trị trong 48 tuần với genotype 1 và 6; 24 tuần với genotype 2 và 3.

  • Đồng hiễm HCV và HIV:

Tương tự viêm gan C không nhiễm HIV. Ưu tiên phác đồ có thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs). Điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chú ý tương tác thuốc.

  • Đồng nhiễm HCV và HBV:

Tương tự viêm gan C đơn thuần. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chú ý tương tác thuốc.

  • Đồng nhiễm lao và HCV:

Điều trị lao tiến triển trước, sau đó mới điều trị viêm gan C. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chú ý tương tác thuốc.

  • Bệnh nhân có bệnh thận mạn tính:

Cần đánh giá mức độ suy thận nhờ độ thanh thải creatinin CrCl, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Dự phòng bệnh viêm gan C

Tiêm Vắc xin phòng viêm gan C
Hình ảnh: Tiêm Vắc xin phòng viêm gan C

Phòng bệnh chủ động

Hiện chưa có vaxcin phòng viêm gan C. Tuy nhiên mọi người vẫn cần tiêm vaccin phòng viêm gan A và B.

Phòng bệnh không đặc hiệu

Máu hiến cần được xét nghiện sàng lọc HCV.

Không tiêm chích ma túy, sử dụng chung các bơm kim tiêm…

Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của bệnh nhân nhiễm HCV.

Tránh xỏ lỗ, xăm mình trừ khi chắc chắn là dụng cụ đã được tiệt trùng.

Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, không quan hệ với người chưa rõ tình trạng sức khỏe.