[SỰ THẬT] Dị ứng thực phẩm là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị tại nhà.

(1 / 5)

Dị ứng thực phẩm là gì? Nguyên nhân, phòng ngừa và cách chữa trị dị ứng thưc phẩm tại nhà như thế nào?Bài viết dưới đây songkhoemoingay.com sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Dị ứng thực phẩm là gì?

Dị ứng là một phản ứng quá mức hơn bình thường của hệ miễn dịch với tác nhân ngoại lai (kháng nguyên), gây ra các triệu chứng đặc trưng, với các mức độ từ nhẹ đến nặng.

Dị ứng thực phẩm là phản ứng dị ứng xảy ra khi cơ thể phơi nhiễm với một hoặc một số loại thực phẩm đặc biệt.

Chất gây dị ứng thực phẩm có thể là một thành phần hoặc hóa chất nào đó trong thực phẩm.

Phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi phơi nhiễm với thực phẩm, thường bao gồm ăn, chạm hoặc ngửi chúng. Dị ứng thực phẩm cũng có thể xảy ra rất muộn, thậm chí xảy ra 8 giờ sau khi phơi nhiễm.

Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ khi nào. Thường khó có thể tìm được nguyên nhân cụ thể của dị ứng (dị ứng do thành phần nào trong thực phẩm). Tuy nhiên các nhà khoa học thấy rằng dị ứng thực phẩm này có liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền.

Nhiều trẻ em bị dị ứng với trứng, lúa mì và sữa từ khi còn nhỏ. Dị ứng thực phẩm khi đã phát triển ở người trưởng thành thì thường không bị mất đi.

Dị ứng thực phẩm thường thấy bắt đầu xuất hiện từ tuổi thứ 2 hoặc nhỏ hơn và phổ biến hơn ở bé trai. Nguy cơ dị ứng thực phẩm cũng lớn hơn nếu như trong gia đình đó cũng có người bị dị ứng.

Bạn cũng có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm nếu mang một trong các bệnh dị ứng khác sau đây: eczema, viêm mũi dị ứng hoặc hen phế quản.

Những thực phẩm nào dễ gây dị ứng nhất?

Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng bao gồm:

  • Quả hạch.
  • Trứng.
  • Cá và động vật có vỏ.
  • Hoa quả và rau củ.
  • Sữa.
  • Đậu nành.
  • Lúa mì.
Thực phẩm dễ gây dị ứng
Hình ảnh: Thực phẩm dễ gây dị ứng

Chẩn đoán dị ứng thực phẩm

Thông thường bác sĩ sẽ đặt những câu hỏi cho bệnh nhân về các triệu chứng sau khi phơi nhiễm thực phẩm, thời gian xuất hiện triệu chứng, lượng thực phẩm đã sử dụng, tiền sử dị ứng trước đây và tiền sử dị ứng trong gia đình. Bác sĩ cũng có thể thực hiện các biện pháp sau để chẩn đoán:

  • Xét nghiệm chích da: Bác sĩ sẽ đưa một lượng rất nhỏ chất bị nghi ngờ là gây dị ứng (từ thực phẩm) bằng kim chích vào da của bệnh nhân. Nếu vết sưng xuất hiện trong vòng vài phút, bệnh nhân có khả năng bị dị ứng với thực phẩm đó.
  • Xét nghiệm máu: Có thể được sử dụng để tìm kháng thể dẫn đến dị ứng thực phẩm. Kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch.
  • Yêu cầu bệnh nhân thực hiện chế độ ăn kiêng một hoặc một vài loại thực phẩm trong vài tuần để quan sát xem các triệu chứng dị ứng có giảm đi hay không.
  • Food challenge: Bệnh nhân sẽ phải ăn thử một lượng nhỏ thực phẩm bị bác sĩ nghi ngờ là nguyên nhân gây dị ứng. Tất nhiên bệnh nhân sẽ được theo dõi và điều trị bất kì phản ứng dị ứng nào.

Tham khảo: Hội chứng Lyell

Dấu hiệu và triệu chứng dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng nhẹ bao gồm ngứa, phát ban và sưng tấy…

Các triệu chứng nặng như phản ứng phản vệ bao gồm: nghẹt họng, khó thở, ngứa ran, cảm giác kiến bò, “châm chích”, chóng mặt, thở khò khè, sốc phản vệ. Sốc phản vệ là một tình trạng đột ngột, nguy hiểm và đe dọa tính mạng cần được điều trị ngay lập tức.

Tham khảo: Viêm mũi dị ứng

Điều trị dị ứng thực phẩm

Với các trường hợp nhẹ, chỉ cần sử dụng các thuốc kháng histamin H1 là đủ để giải quyết các triệu chứng như ngứa hay phát ban.

Với sốc phản vệ, adrenaline (epinephrine) là thuốc đầu tay được sử dụng ưu tiên để cứu sống bệnh nhân. Adrenaline cần được sử dụng càng sớm càng tốt. Hầu hết các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ thất bại là do sử dụng adrenaline chậm.

Ngoài adrenaline, phác đồ điều trị thường sử dụng thêm glucocorticoid như methylprednisolone (Solumedrol).

Cần làm gì khi thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng sốc phản vệ?

Thông thường adrenaline không được dự trữ sẵn trong người bệnh nhân hay bán tại các nhà thuốc. Khi có dấu hiệu hay triệu chứng của sốc phản vệ, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Một số người biết đã trước bản thân bị dị ứng có thể có dự trữ bút tiêm adrenaline trong người (EpiPen). Đây là loại bút tiêm tự động, chỉ sử dụng 1 lần và người không có kiến thức chuyên môn về y tế cũng có thể sử dụng được nếu đọc và làm theo đúng hướng dẫn sử dụng. Lưu ý là chỉ được phép tiêm adrenaline vào cơ đùi. Đồng thời sau khi tiêm vẫn cần thiết phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc và điều trị, đặc biệt là phòng ngừa nguy cơ sốc pha 2.

Adrenalin
Hình ảnh: Adrenalin

Phòng ngừa dị ứng thực phẩm

Với những người có tiền sử dị ứng thực phẩm, nên chuẩn bị sẵn trong nhà hoặc đem theo người các loại thuốc chống dị ứng, đặc biệt là thuốc kháng histamin H1. Nếu cần thiết, chuẩn bị cho bản thân cả bút tiêm adrenaline để có thể tự cứu sống chính mình trước khi được đưa đến bệnh viện.

Thận trọng khi tập thể dục nếu bạn đã từng bị sốc phản vệ do tập thể dục sau ăn. Ngừng tập thể dục ngay lập tức nếu bắt đầu có phát triển bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của sốc phản vệ. Các triệu chứng đầu tiên có thể là mệt mỏi, ngứa ngáy, sau đó là phát ban, sưng tấy và khó thở nghiêm trọng nếu tiếp tục tập thể dục.

Không ăn các loại thực phẩm trước đây từng gây ra dị ứng cho bạn. Đặc biệt hết sức cẩn thận khi không ăn tại nhà do khi này bạn khó có thể kiểm soát nguồn thực phẩm, các loại phụ gia… mà bạn sẽ sử dụng.

Đảm bảo vệ sinh tốt. Không dùng chung đồ dùng nhà bếp hoặc thực phẩm. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn.

Thận trọng trong sử dụng thuốc. Báo cáo đầy đủ với bác sĩ về tiền sử dị ứng của mình. Một số loại thuốc có thể chứa các thành phần gây dị ứng (như lactose, lecithin lòng đỏ trứng…).

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here