Động vật và những vết cắn

(1 / 4)

Biên tập: Phạm Phước Thịnh – sinh viên Dược năm 4 – đại học Hutech.

Ước tính mỗi năm có khoảng 4,5 triệu trường hợp chó cắn và khoảng 800 000 trường hợp cần phải can thiệp y tế. Năm 2008, những vết do động vật cắn dẫn đến khoảng 316.000 lượt khám tại khoa cấp cứu. Vết chó cắn và mèo cắn là 2 loại chiếm phần lớn các vết thương do vết cắn của động vật có vú gặp phải trong khoa cấp cứu.[1][2][3]

Vết thương do chó cắn gây ra thường có dạng nát vì chúng có răng tròn và bộ hàm khỏe. Một con chó trưởng thành có thể tạo ra lực cắn khoảng 14 kg/cm2 (200 psi), với một số con chó lớn có thể tạo ra lực cắn khoảng 37kg/cm2 (450 psi). Áp lực cực lớn như vậy có thể làm hỏng các cấu trúc sâu như xương, mạch, gân, cơ và dây thần kinh…

Mối quan tâm chính ở tất cả các vết thương do động vật cắn là sự nhiễm khuẩn, hiếm hơn là nhiễm vi rút. Vết thương do mèo cắn thì có thể làm vi khuẩn xâm nhập vào các mô sâu. Nhiễm trùng do mèo cắn thường tiến triển nhanh hơn so với nhiễm trùng do chó cắn vì vết thương do mèo cắn có lỗ thủng nhỏ dẫn đến khó xử lý hơn.[1]

Đối với vết cắn của chó, có ít nhất 64 loài vi khuẩn được tìm thấy trong nước bọt của chúng. Khi nạn nhân bị cắn, bước đầu sẽ gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc viêm mô tế bào, nặng hơn sẽ gây ra nhiễm trùng huyết và dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng khác gồm: nhiễm trùng Pasteurella multocida, viêm màng não, viêm tủy xương, viêm bao gân, áp xe, viêm phổi, viêm nội tâm mạc… Đặc biệt, một trong những bệnh lý rất phổ biến liên quan đến nhiễm khuẩn do vết cắn của chó mèo là bệnh dại – một bệnh lý có tỷ lệ gây tử vong rất cao, khi đã lên cơn dại tỉ lệ tử vong gần như 100%.[4]

1. Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp bị động vật tấn công là do sự khiêu khích, ví dụ làm phiền chúng khi chúng đang ăn. Nhưng có những trường hợp chúng vẫn có thể tấn công dù không có sự khiêu khích.

Hàng năm, các trường hợp tử vong liên quan đến chó cắn tại Hoa Kỳ dao động từ 20-35% và tỷ lệ tử vong tại bệnh viện là 0,5%.[3]

Các yếu tố góp phần vào những trường hợp tử vong khi bị động vật tấn công gồm:

  • Không có người hỗ trợ kịp thời.
  • Nạn nhân tiếp xúc với động vật, thú cưng lạ.
  • Chủ sở hữu đối xử không tốt với con vật (đánh đập, hành hạ…).
  • Tình trạng sức khỏe của nạn nhân tại thời điểm bị động vật tấn công.
  • Động vật không được xem là thú cưng an toàn (những loài cần phải được nuôi tránh xa môi trường sống của con người).

2. Cấp cứu tại nhà [4]

Khi bị chó mèo cắn cắn dù là chó mèo lành hay chó mèo dại cũng cần phải xử trí theo các bước sau:

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, sử nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine. Tuyệt đối không cố gắng nặn máu hoặc chà sát vết thương để tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Bước 2: Băng bó vết thương

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất

Sau khi thực hiện sơ cấp cứu tại chỗ, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành điều trị và tiêm phòng. Ở nạn nhân bị chó cắn, nạn nhân cần tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

Bên cạnh đó, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó mèo cắn, người bệnh KHÔNG NÊN làm những điều sau:

  • Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương.
  • Không chữa dại bằng thuốc dân gian truyền miệng.
  • Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày (tức là cần vệ sinh cơ thể hàng ngày).

3. Phòng ngừa [4][5]

Nhà có vật nuôi như chó, mèo … thì chủ cần chủ động bảo vệ tiêm chủng cho chúng
Không nên cho động vật hay thú cưng chạy rong bên ngoài để hạn chế tối đa các trường hợp tấn công. Cần đeo rọ mõm khi đưa thú cưng đến gần nơi có dân cư. Mặc khác, nhằm để hạn chế sự lây lan mầm bệnh.

Thực hiện tiêm vắc xin dại cho vật nuôi.

Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó hoặc mèo đi lạc.

Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…

Tránh sử dụng các vật nuôi hoặc các giống loài không an toàn làm thú cưng (động vật hoang dã, những loài có bản tính hung hăng…).

Nguồn và tài liệu tham khảo

[1] Medscape. Animal Bites in Emergency Medicine Treatment & Management. Truy cập: 10/03/2022.

[2] Dog bite prevention. Truy cập: 10/03/2022.

[3] Emergency Department Visits and Inpatient Stays Involving Dog Bites. Truy câp: 10/03/2022.

[4] Bệnh dại: Nguyên nhân, Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả: https://vnvc.vn/benh-dai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-ngua-hieu-qua/. Truy cập: 10/03/2022.

[5] Bệnh dại.
https://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html. Truy cập: 10/03/2022.

[6] Bites and Injuries Inflicted by Wild and Domestic Animals. Truy cập: 10/03/2022.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here