Bệnh sùi mào gà

(0 / 0)

Trên các phương tiện xã hội hoặc trên google có rất nhiều thông tin liên quan đến các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, HIV, sùi mào gà… hiện nay rất khó tìm ra hướng để điều trị dứt điểm. Ở bài này Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com) xin được giới thiệu tổng quan đến các bạn một trong 4 bệnh xã hội đó là Bệnh sùi mào gà. Dưới đây là thông tin chi tiết.

Tổng quan về sùi mào gà

Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) phổ biến nhất do Human Papillomavirus (HPV) gây ra. Hầu hết đàn ông hay phụ nữ sẽ bị phơi nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

Mỗi năm ở Hoa Kỳ có khoảng 14 triệu trường hợp được chẩn đoán mới nhiễm HPV.

Đặc trưng của sùi mào gà là những mụn cóc sinh dục và ở một số người nó có thể tiến triển thành ung thư. Mỗi năm khoảng 19,400 phụ nữ và 12,100 đàn ông tại Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi các bệnh ung thư do HPV gây ra.

Hiện nay đã có vaccin phòng ngừa HPV.

Nguyên nhân gây sùi mào gà

Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây bệnh là virus HPV, thuộc họ Papillomaviridae. Có đến 40 type HPV gây bệnh trên người, và 15 loại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Loại thường gây sùi mào gà là HPV-6 và HPV-11. Trong khi đó, HPV-16 và HPV-18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất.

Tất cả các loại HPV đều có khả năng gây ung thư.

Vỏ protein của Papilloma Virus
Hình ảnh: Vỏ protein của Papilloma Virus

Lây truyền HPV:

Hầu hết đàn ông hay phụ nữ có hoạt động tình dục sẽ bị phơi nhiễm HPV tại một số thời điểm trong cuộc đời họ.

HPV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn.

Đôi khi, HPV có thể lây truyền trong khi sinh cho trẻ sơ sinh gây nhiễm trùng sinh dục hoặc hô hấp.

Các yếu tố nguy cơ của sùi mào gà

Quan hệ tình dục không an toàn
Hình ảnh: Quan hệ tình dục không an toàn

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc sùi mào gà:

  • Có nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình.
  • Có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như bệnh nhân nhiễm HIV hoặc ghép nội tạng.
  • Có khu vực da bị tổn thương.
  • Tiếp xúc cá nhân với mụn cóc hoặc bề mặt phơi nhiễm HPV.

Triệu chứng lâm sàng sùi mào gà

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là mụn cóc sinh dục.

Mụn cóc sinh dục có thể xuất hiện dưới dạng một vết sưng nhỏ, tụ tập thành đám hoặc có chỗ lồi giống như thân cây. Chúng thường ảnh hưởng đến âm hộ hoặc cổ tử cung ở phụ nữ và dương vật hoặc bìu ở nam giới. Chúng cũng có thể xuất hiện xung quanh hậu môn và háng.

Mụn cóc sinh dục
Hình ảnh: Mụn cóc sinh dục

Các mụn cóc này đa dạng về kích thước và hình dạng, có thể lớn, nhỏ, phẳng hoặc hình súp lơ, có thể có màu trắng hoặc tone màu giống như thịt.

Các loại mụn cóc khác liên quan đến HPV bao gồm mụn cóc thông thường, mụn cóc lòng bàn chân hoặc mụn cóc phẳng.

Mụn cóc thông thường: Những nốt sần sùi, nổi lên, thường thấy nhất ở bàn tay, ngón tay và khuỷu tay.

Mụn cóc lòng bàn chân: Tăng trưởng cứng, dạng hạt trên bàn chân. Chúng thường xuất hiện ở gót chân hoặc xương khớp ngón chân.

Mụn cóc phẳng: Thường ảnh hưởng đến trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi. Chúng xuất hiện dưới dạng các tổn thương đỉnh phẳng, hơi nổi lên, sẫm màu hơn màu da bình thường và thường thấy nhất ở mặt, cổ hoặc các khu vực đã bị trầy xước.

Mụn cóc phẳng
Hình ảnh: Mụn cóc phẳng

Ung thư

HPV có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Những bệnh ung thư này bao gồm ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hầu họng, gốc lưỡi và amidan. Có thể mất nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ để phát triển ung thư.

Chẩn đoán sùi mào gà

Nếu có thể nhìn thấy mụn cóc hoặc tổn thương, bác sĩ thường có thể chẩn đoán sùi mào gà khi kiểm tra bằng mắt thường. Tuy nhiên, các xét nghiệm bổ sung có thể là cần thiết để xác nhận sự hiện diện của virus HPV.

Các xét nghiệm để đánh giá sự thay đổi tế bào cổ tử cung liên quan đến HPV hoặc HPV bao gồm PAP Smear (phết tế bào cổ tử cung), xét nghiệm ADN và sử dụng acid acetic.

Xét nghiệm PAP Smear là xét nghiệm thu thập các tế bào từ bề mặt cổ tử cung hoặc âm đạo và sẽ tiết lộ bất kì bất thường tế bào nào có thể dẫn đến ung thư.

Phết tế bào cổ tử cung (PAP Smear)
Hình ảnh: Phết tế bào cổ tử cung (PAP Smear)

Sử dụng xét nghiệm ADN sẽ đánh giá các loại HPV có nguy cơ cao và được khuyến nghị cho phụ nữ từ 30 tuổi trở lên kết hợp với PAP Smear.

Ngoài ra còn có xét nghiệm ADN cho HPV, có thể được sử dụng đơn độc mà không cần xét nghiệm PAP Smear đồng thời bắt đầu từ tuổi 25.

Xét nghiệm ADN
Hình ảnh: Xét nghiệm ADN

Đôi khi, sinh thiết bất kì khu vực nào bất thường có thể là cần thiết.

Hiện tại, không có xét nghiệm nào dành cho nam giới để kiểm tra HPV. Chẩn đoán thường được thực hiện chủ yếu nhờ kiểm tra trực quan. Trong một số tình huống, nếu đàn ông hoặc phụ nữ có tiền sử quan hệ tình dục qua đường hậu môn, có thể cần cần làm PAP Smear hậu môn.

Điều trị sùi mào gà

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể điều trị triệu chứng.

Mụn cóc

Mụn cóc do HPV thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, có những loại thuốc có thể được sử dụng trên da để loại bỏ mụn cóc, bao gồm acid salicylic không kê đơn (OTC) cho mụn cóc thông thường.

Acid salicylic được sử dụng cho điều trị mụn cóc
Hình ảnh: Acid salicylic được sử dụng cho điều trị mụn cóc

Các loại thuốc kê đơn bao gồm:

  • Podophyllin.
  • Imiquimod (Aldara, Zyclara).
  • Podofilox (Condylox).
  • Acid trichloroacetic.

Trong một số tình huống, có thể cần phải can thiệp phẫu thuật, bao gồm:

  • Liệu pháp áp lạnh: Phương pháp này sử dụng nitơ lỏng để đóng băng các vùng bất thường.
  • Liệu pháp laser: Sử dụng tia laser loại bỏ các mô không mong muốn.
  • Tiêm interferon: Hiếm khi được sử dụng do nguy cơ tác dụng phụ và chi phí cao.
  • Phẫu thuật cắt bỏ.

Điều quan trọng nhất là cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều trị tốt nhất, tùy thuộc vào loại và vị trí của mụn cóc.

Lưu ý rằng mặc dù mụn cóc có thể được loại bỏ khỏi cơ thể, nhưng virus vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể lây lan cho người khác. Hiện nay không có cách điều trị nào có thể loại bỏ hoàn toàn được virus khỏi cơ thể.

Ung thư

Xét nghiệm PAP thường quy và các loại sàng lọc khác có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư. Với mỗi loại ung thư cụ thể sẽ có phác đồ điều trị cụ thể riêng.

Phòng ngừa sùi mào gà

Các biện pháp có thể làm giảm nguy cơ sùi mào gà, nhiễm HPV bao gồm:

  •       Tiêm vaccin phòng ngừa HPV.
  •       Thực hành tình dục an toàn.
  •       Thực hành kiêng khem hoặc quan hệ tình dục một vợ một chồng (chung thủy).
  •       Không quan hệ tình dục khi có mụn cóc sinh dục rõ ràng.

Rất khó để ngăn ngừa mụn cóc thông thường. Nếu có mụn cóc, mọi người nên tránh cạy hoặc bấm bằng móng tay. Với mụn cóc lòng bàn chân, nên mang giày dép ở những khu vực công cộng như bể bơi và phòng thay đồ.

Tính đến ngày 29/11/2017 có ba loại vaccin HPV trên thị trường
Hình ảnh: Tính đến ngày 29/11/2017 có ba loại vaccin HPV trên thị trường

Tiêm phòng

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tiêm phòng cho trẻ ở độ tuổi từ 11 đến 12 để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các ung thư khác phát triển trong tương lai.

Vaccin được chia thành hai liều cách nhau 6-12 tháng.

Catch-up vaccin (chích đuổi) được khuyến nghị cho nam giới đến 21 tuổi và nữ giới đến 26 tuổi không được tiêm vaccin ở độ tuổi trẻ hơn. Những người đồng tính nam và lưỡng tính được khuyến khích tiêm vaccin đến 26 tuổi.

Những người trong độ tuổi từ 27 đến 45 chưa được tiêm vaccin trong quá khứ hiện có đủ điều kiện để tiêm vaccin Gardasil 9.

Năm 2018, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thay đổi hướng dẫn cho nhóm tuổi này vì các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy việc tiêm phòng có tác động tích cực đến các bệnh liên quan, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Tính đến ngày 29/11/2017, có ba loại vaccin HPV trên thị trường: Gardasil, CervarixGardasil 9. Tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu vaccin có phù hợp hay không.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here