Bệnh zona thần kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị zona

(0 / 0)

Hiện nay rất nhiều người bị bệnh zona thần kinh mà lại nhầm sang các bệnh khác, vì thế nên chưa có cách điều trị đúng dẫn đến các biến chứng nặng nề. Bài viết ” Bệnh zona thần kinh” sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết bệnh zona thần kinh.

Bệnh Zona thần kinh là gì?

Bệnh nhân bị zona thần kinh
Ảnh minh họa: Bệnh nhân bị zona thần kinh

Zona thần kinh là một nhiễm trùng cấp tính do Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, đây cũng là virus gây ra bệnh thủy đậu ở người. Bệnh có đặc điểm nổi mụn nước, bọng nước ở một bên, dọc theo đường thần kinh chi phối, đau viêm dây thần kinh nhiều khi kéo dài cả sau khi tổn thương da đã lành.

Chú ý: Nhiều người thường nhầm lẫn zona thần kinh với bệnh giời leo. Đây là hai bệnh có nguyên nhân khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau nhưng triệu chứng ngoài da lại khá giống nhau khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Có thể phân biệt dễ dàng bằng triệu chứng ngoài da như sau:

    Zona thần kinh: Có mụn to, dịch đục rất rõ ràng, tổn thương thường xảy ra và lan ở một bên cơ thể (VD: một bên ngực, một bên lưng…) dọc theo dây thần kinh.

    Giời leo: Không có các mụn nước phồng to, có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Nguyên nhân gây ra zona thần kinh?

Nguyên nhân gây bệnh là Varicella Zoster Virus (VZV), là virus hướng thần kinh. Bệnh thuỷ đậu xuất hiện ở ngư­ời bị nhiễm VZV lần đầu, bệnh zona xuất hiện ở ng­ười từng bị nhiễm VZV (VZV tồn tại trong rễ hạch thần kinh), tái hoạt khi có điều kiện thuận lợi như­ chấn thương tinh thần hoặc thể chất, có thai, điều trị phóng xạ, suy giảm  miễn dịch, đang dùng hoá trị liệu, bị bệnh ác tính, nhiễm HIV. Nhiều tác giả cho rằng zona là hiện tư­ợng tái hoạt của VZV tiềm ẩn.

Như vậy zona thần kinh chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân từng mắc thủy đậu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chưa từng mắc thủy đậu mà vẫn bị zona, thì cần xem xét các yếu tố sau:

+ Khả năng nhiễm VZV ở giai đoạn bào thai do mẹ mắc bệnh thủy đậu truyền cho.
+ Từng bị thủy đậu mà không nhớ.
+ Đã tiêm phòng thủy đậu chưa?
+ Chuẩn đoán zona đã chính xác chưa?

Triệu chứng bệnh zona thần kinh

Bệnh nhân bị nhiễm zona nặng
Ảnh minh họa: Bệnh nhân bị nhiễm zona nặng

 Biểu hiện của bệnh zona thần kinh bao gồm:

Tr­ước khi tổn th­ương trên da xuất hiện 2-3 ngày th­ường có cảm giác dấu hiệu của bệnh zona: rát dấm dứt, đau vùng sắp mọc tổn thư­ơng kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều như­ mệt mỏi, đau đầu… Hạch ngoại vi lân cận có thể sưng và đau.

+ Vị trí: thư­ờng khu trú tập trung ở những vị trí đặc biệt và chỉ có một bên của cơ thể thành một khoanh dọc theo các đường dây thần kinh chi phối như trán-quanh mắt-đầu, hoặc cổ-vai-cánh tay, liên sườn một bên từ ngực vòng ra sau lưng, hoặc dọc từ hông xuống đùi, như­ng cá biệt có thể bị cả hai bên hay lan toả.

+ Tổn th­ương cơ bản: thường bắt đầu là các mảng đỏ, nề nhẹ, gờ cao hơn mặt da, hình tròn, bầu dục lần l­ượt nổi dọc dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt, sau 1-2 giờ trên mảng đỏ xuất hiện những mụn n­ước chứa dịch trong, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm (như­ chùm nho), về sau đục, vỡ ra thành vết loét chợt ướt, đóng vẩy tiết sau lành để lại sẹo. Từ khi bắt đầu mọc đến khi lành sẹo khoảng 20-30 ngày.

+ Triệu chứng cơ năng: Đau rát vùng nổi tổn thương (90%), có khi đau từ trước khi nổi tổn thương, đau nhức kiểu bỏng buốt,… đau do viêm dây thần kinh cảm giác do VZV gây nên, ở người trên 50 tuổi thường bị đau nhiều và đau kéo dài, sau khi khỏi tổn thương ngoài da còn đau kéo dài nhiều tháng, hàng năm sau.

+ Triệu chứng thực thể: Tr­ước hoặc cùng với mọc tổn thương ở da thư­ờng sốt nhẹ, hạch vùng lân cận sưng và đau ở vùng tư­ơng ứng; biểu hiện như tình trạng nhiễm virus cúm.

Các thể lâm sàng zona thần kinh

Chẩn đoán zona thần kinh dựa vào vị trí tổn thương là tốt nhất, thường ở một bên của cơ thể dừng đột ngột ở đ­ường giữa, dọc theo đư­ờng phân bố thần kinh (cá biệt mới có những mụn n­ước ở nơi khác).

+ Zona ở hạch gối (Hội chứng Ramsay-Hunt, do tổn thương hạch gối của dây thần kinh VII): có tổn thương ở mặt, vành tai và dây thần kinh thính giác, kèm theo có rối loạn cảm giác 2/3 trước lưỡi, rối loạn sức nghe, đôi khi liệt mặt một bên, đau và rát vị trí tổn thương,…

+ Zona ở đầu: tổn thương nhiều dây thần kinh sọ não, hạch não tủy, có khi tổn thương cả não.

+ Zona ở liên sườn và ngực bụng: có khi lan xuống một bên cánh tay (ngực, cánh tay) thường chỉ một bên người.

+ Zona ở cổ (đám rối cổ nông) và cổ cánh tay: có thương tổn ở cổ, vai, vành tai, mặt ngoài chi trên.

+ Zona ở gáy cổ: có tổn th­ương ở gáy, da đầu, vành tai.

+ Bệnh Zona ở mắt (Do tổn thương dây thần kinh V hay thần kinh sinh ba): gây tổn th­ương ở trán, mi trên dọc trong mắt, cánh mũi, kể cả niêm mạc mũi… Đặc biệt nghiêm trọng có thể gây biến chứng mắt từ viêm màng tiếp hợp gây chảy nư­ớc mắt đến viêm giác mạc, viêm mống mắt, dẫn dến loét giác mạc, rối loạn đồng tử, teo gai… Zona này rất đau có thể để lại sẹo quanh hốc mắt dai dẳng.

Bệnh zona thần kinh ở mắt
Ảnh minh họa: Bệnh zona thần kinh ở mắt

+ Zona ở vùng xương cùng (S2,S3 và S4, do viêm dây thần kinh chi phối vùng bàng quang): bệnh nhân tiểu bí, tiểu dắt, có thể lẫn máu và mủ, đau quặn bụng dưới, căng tức, bí trung đại tiện, hậu môn có thắt và cứng như đá không thể khám được…

+ Zona ở tai: rát bỏng, đau vùng tai, có thể lan ra thái dương và gáy, đau xảy ra từng cơn kéo dài nhiều ngày làm bệnh nhân không ăn được, không ngủ được.

+ Zona ở hàm trên và dư­ới: ngoài vùng da tư­ơng ứng còn có cả tổn thư­ơng niêm mạc miệng, họng.

+ Zona ở hông, bụng, sinh dục, bẹn, xương cùng, ụ ngồi, đùi, cánh tay,… gặp ở người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư, hóa trị liệu…

+ Zona hoại tử.

+Zona ở người nhiễm HIV/AIDS: ở giai đoạn sớm tương tự như zona người bình thường, giai đoạn muộn zona có thể tái phát thường xuyên, tổn thương không điển hình như xuất hiện trên diện rộng, mụn nước xuất huyết, hoại tử, nhiễm khuẩn, sẹo xấu, bệnh kéo dài.

Chẩn đoán zona thần kinh

Chẩn đoán zona thần kinh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng ở trên.

Ngoài ra có thể chẩn đoán dựa vào:

+ Chẩn đoán tế bào Tzanck: thấy các tế bào gai lệch hình và tế bào đa nhân khổng lồ.

+ Phát hiện kháng nguyên VZV bằng phản ứng kháng thể huỳnh quang trực tiếp(DFA).

+ Nuôi cấy virus.

+ PCR với bệnh phẩm trong dịch và các mô.

+ Sinh thiết da: được tiến hành nếu lâm sàng không điển hình.

+ Xét nghệm HIV nếu cần thiết.

Chẩn đoán phân biệt:

+ Giai đoạn khởi phát: phân biệt đau do zona với đau đầu, viêm mống mắt, viêm màng phổi, viêm thần kinh cánh tay, đau do bệnh tim, viêm ruột thừa hoặc viêm túi mật, sỏi mật, đau quặn thận, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh toạ…

+ Giai đoạn mụn nước, bọng nước: phân biệt với herpes simplex, viêm da tiếp xúc dị ứng (với một số loại cây cỏ, côn trùng).

Mụn nước do bệnh zona thần kinh gây nên
Ảnh minh họa: Mụn nước do bệnh zona thần kinh gây nên

Biến chứng của zona thần kinh

Th­ường gặp rối loạn cảm giác, biểu hiện đau dây thần kinh sau khi tổn thư­ơng ngoài da đã khỏi (khoảng 50% bệnh nhân trên 50 tuổi bị đau viêm dây thần kinh).

Bệnh zona thần kinh có lây không?

Bệnh zona thần kinh có thể lây trực tiếp khi dùng chung đồ dùng cá nhân, tiếp xúc da thịt trực tiếp với vùng da bị phát ban zona có chứa dịch.

Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp nào lây qua đường hô hấp vì vậy để trả lời câu hỏi bệnh zona thần kinh cần kiêng gì việc đầu tiên bạn phải thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân, tránh tiếp xúc với người khác. Nếu người thân, bạn bè bị bệnh zona thì bạn không nên sử dụng các đồ dùng của họ ít nhất là cho đến khi họ khỏi hoàn toàn.

Cách chữa bệnh zona thần kinh

Trường hợp không biến chứng và ở người có miễn dịch bình thường

Tại chỗ

  • Bôi hồ nước
  • Dung dịch màu xanh methylen 1%, dung dịch castellani, tím methyl 1%, mỡ acyclovir.
  • Mỡ kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.

Toàn thân

  • Thuốc kháng virus có tác dụng nhanh lành vết thương, giảm số tổn thương mới và giảm đau sau zona. Thuốc nên được dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu.
    • Acyclovir liều 800mg x 5 lần/ngày x 7-10 ngày.
    • Hoặc famciclovir 500mg x 3 lần/ngày x 7 ngày.
    • Hoặc valacyclovir 1000mg x 3 lần/ngày x 7 ngày.
Acyclovir liều 800mg
Ảnh: Acyclovir liều 800mg

Ngoài ra

  • Kháng sinh chống bội nhiễm; giảm đau, kháng viêm, an thần, sinh tố nhóm B liều cao.
  • Nếu đau dai dẳng: bôi kem chứa lidocain và prilocain, kem capsaicin, lidocain gel.
  • Uống thuốc chống trầm cảm ba vòng, phong bế thần kinh và vật lý trị liệu kết hợp.
    • Corticoid: có tác dụng giảm đau trong thời kỳ cấp tính và nhiều tác giả cho rằng thuốc có tác dụng giảm đau sau zona.

Trường hợp suy giảm miễn dịch hoặc tổn thương lan rộng

  • Tiêm tĩnh mạch acyclovir 30mg/kg/ngày, chia 3 lần x 7 ngày hoặc cho đến khi thương tổn đóng vảy tiết. Trường hợp có tổn thương mắt: kết hợp khám chuyên khoa mắt, điều trị acyclovir đường tĩnh mạch.

Trên đây là những điều bạn cần biết về bệnh zona. Nếu có bất cứ câu hỏi nào hãy để ở phần bình luận.

Cập nhật tin tức y dược tại: Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com)

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here