Chu kỳ kinh nguyệt: Cách tính, ứng dụng theo dõi, thay đổi của cơ thể

(0 / 0)

Khi các bạn nữ đến tuổi dậy thì sẽ có những thay đổi về mặt tâm sinh lý. Đồng thời cũng xuất hiện kinh nguyệt. Tuy nhiên ở lứa tuổi này các bạn biết rất ít thông tin liên quan đến chu kì kinh nguyệt của mình. Hãy cùng https://songkhoemoingay.com giải đáp các câu hỏi: Chu kỳ kinh nghiệt là gì? Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt? Tính ngày tránh thai theo chu kỳ kinh nghiệt bằng cách nào?

Định nghĩa

Chu kỳ kinh nguyệt là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng niêm mạc tử cung dẫn đến sự chảy máu có chu kì ở niêm mạc tử cung dưới tác dụng của các hormon tuyến yên và buồng trứng.

Độ dài chu kỳ kinh nguyệt: Là khoảng thời gian giữa hai ngày chảy máu đầu tiên giữa hai chu kì liên tiếp nhau. Ở Việt Nam độ dài trung bình là 28-30 ngày. Ngày chảy máu đầu tiên đó cũng được coi là ngày 1 trong chu kì kinh nguyệt.

Các giai đoan của chu kì kinh nguyệt

Giai đoạn tăng sinh (Giai đoạn estrogen)

  • Bài tiết hormon và biến đổi ở buồng trứng

Cuối kì kinh nguyệt trước, nồng độ hai hormon là estrogen và progesteron giảm đột ngột. Dưới tác dụng của GnRH từ vùng dưới đồi, tuyến yên tăng tiết FSH và LH. Nồng độ hai hormon tăng dần đến mức trung bình là 1.45-2.33 UI/l (FSH) và 3.94-7.66 UI/l (LH), trong đó LH tăng sau FSH vài ngày.

Dưới tác dụng của FSH và LH, 6-12 nang noãn nguyên thủy phát triển. Đầu tiên là tăng sinh tế bào hạt, sau đó là lớp vỏ nang noãn, gồm lớp áo trong (những tế bào biểu mô cấu tạo giống tế bào hạt, có khả năng tiết hormon) và lớp áo ngoài (có nhiều mạch máu).

Sau vài ngày phát triển, dưới tác dụng của LH, các tế bào áo trong bắt đầu tiết dịch nang, trong đó có thành phần rất quan trọng là estrogen. Đồng thời với tăng kích thước nang, noãn cũng lớn nhanh 3-4 lần.

Các quá trình điều hòa ngược dương và âm tính trong chu kì kinh nguyệt.
Ảnh: Các quá trình điều hòa ngược dương và âm tính trong chu kì kinh nguyệt.
  • Biến đổi niêm mạc tử cung

Sau hành kinh, niêm mạc tử cung chỉ còn lại một lớp mỏng. Nhờ estrogen, các tế bào mô đệm và biểu mô tăng sinh nhanh chóng. Bề mặt niêm mạc tử cung được biểu mô hóa hoàn toàn trong vòng 4-7 ngày sau hành kinh. Niêm mạc dày dần, mạch máu phát triển. Cuối giai đoạn này niêm mạc tử cung dày 3-4 mm. Các tuyến cổ tử cung bài tiết một lớp dịch nhầy loãng kéo thành sợi dọc hướng vào tử cung, tạo thành kênh dẫn tinh trùng di chuyển vào tử cung.

  • Phóng noãn

Sau 7-8 ngày phát triển, có một nang noãn bắt đầu phát triển nhanh, các nang còn lại thoái triển dần. Tại nang phát triển nhanh, kích thước nang tăng lên, lượng estrogen được bài tiết nhiều hơn.

Cuối giai đoạn tăng sinh, nồng độ estrogen tăng cao đã gây ra tác dụng điều hòa ngược dương tính với tuyến yên, gây tăng tiết cả FSH và LH.

Dưới tác dụng của FSH và LH, các tế bào hạt và lớp áo trong tăng sinh mạnh đồng thời tăng tiết estrogen nên càng làm tăng kích thước nang. Ở thời điểm phóng noãn kích thước nang đạt 1-1.5 cm, đầy đủ các bộ phận và gọi là nang noãn chín.

Khoảng 2 ngày trước phóng noãn, LH từ tuyến yên tăng đột ngột 6-10 lần, đạt mức cao nhất 16 giừ trước khi phóng noãn, nồng độ FSH tăng 2-3 lần. Sự phối hợp hai hormon làm noãn căng phồng ra, LH kích thích các tế bào hạt và lớp áo trong tăng bài tiết progesteron. Mức bài tiết estrogen bắt đầu giảm trước khi phóng noãn một ngày, trong khi mức bài tiết progesteron tăng dần và gây ra hiện tượng phóng noãn. Hiện tượng phõng noãn thường xảy ra vào thời điểm 13-14 ngày trước khi có kì kinh lần sau. Thông thường mỗi chu kì chỉ có một nang noãn vỡ và xuất noãn ở cả hai buồng trứng.

Giai đoạn bài tiết (Giai đoạn progesteron)

  • Bài tiết hormon và biến đổi ở buồng trứng:

Sau khi phóng noãn, tuyến yên vẫn tiếp tục bài tiết FSH và LH. Dưới tác dụng của LH, một ít tế bào hạt còn lại của vỏ nang vỡ được biến đổi nhanh chóng thành các tế bào hoàng thể. Các tế bào này trương to, tăng sinh, tạo thành một khối vây quanh cục máu đông, có màu vàng, nên được gọi là hoàng thể.

Các tế bào hoàng thể tiết một lượng lớn estrogen và progesteron dưới tác dụng của LH, mạch máu phát triển mạnh quanh hoàng thể. Sau phóng noãn 7-8 ngày, đường kính hoàng thể xấp xỉ 1.5 cm. Sau đó hoàng thể giảm dần chức năng bài tiết.

  • Biến đổi niêm mạc tử cung:

Estrogen tiếp tục làm tăng sinh lớp niêm mạc tử cung nhưng tác dụng yếu hơn nhiều progesteron. Dưới tác dụng của progesteron, niêm mạc tử cung dày nhanh và tiết dịch. Các mạch máu phát triển, cung cấp máu cho niêm mạc tử cung tăng lên. Một tuần sau phóng noãn, niêm mạc tử cung dày 5-6 mm.

Mục đích của tất cả các thay đổi trên là tạo ra kiểu niêm mạc tử cung chứa đầy dinh dưỡng cho trứng đã thụ tinh khi di chuyển vào buồng tử cung.

  • Hiện tượng kinh nguyệt:
Những biến đổi trong chu kì kinh nguyệt
Ảnh: Những biến đổi trong chu kì kinh nguyệt.

Sau phóng noãn nếu không có hiện tượng thụ tinh thì khoảng hai ngày cuối cùng của chu kì, hoàng thể đột nhiên bị thoái hóa, nồng độ estrogen và progesteron đột ngột giảm xuống mức rất thấp và gây ra hiện tượng kinh nguyệt.

Niêm mạc tử cung thoái hóa 65% chiều dày, các động mạch xoắn co thắt do các sản phẩm bài tiết từ niêm mạc thoái hóa mà một trong số đó là prostaglandin. Một mặt do các động mạch nuôi dưỡng lớp niêm mạc chức năng bị co thắt gây thiếu máu, mặt khác do thiếu tác dụng kích thích của hai hormon nên lớp niêm mạc này bắt đầu hoại tử, đặc biệt là các mạch máu. Mạch máu bị tổn thương và máu chảy đọng lại dưới lớp niêm mạc chức năng. Vùng chảy máu lan rộng nhanh trong 34-36 giờ. Tiếp theo lớp niêm mạc bị hoại tử tách khỏi tử cung ở những vùng chảy máu. Sau khoảng 48 giờ kể từ khi xảy ra hiện tượng chảy máu, toàn bộ lớp niêm mạc chức năng bong ra.

Khối mô bong ra, dịch và máu trong khoang tử cung ra ngoài qua đường âm đạo nhờ tác dụng co cơ tử cung của prostaglandin.

Lượng máu trung bình trong mỗi chu kì 38.13 ± 24.76 ml. Máu kinh nguyệt là máu không đông. Thời gian chảy máu trung bình mỗi chu kì 3-5 ngày. Sau khi ngừng chảy máu, niêm mạc lại được tái tạo dưới tác dụng của estrogen được bài tiết từ các nang noãn phát triển ở buồng trứng trong chu kì mới.

Các triệu chứng trong chu kì kinh nguyệt

Đau bụng khi tới ngày hành kinh
Hình ảnh: Tới ngày hành kinh các chị em phụ nữ sẽ cảm thấy đau bụng

Các triệu chứng dưới đây có thể gặp thường xuyên ở nhiều phụ nữ và điều này là hoàn toàn bình thường:

Mụn: Do các tuyến dầu của da hoạt động quá mức, gây tắc lỗ chân lông.

Đau bụng, buồn nôn, nôn: Do prostaglandin làm co cơ trơn thành tử cung, gây đau tức bụng, buồn nôn.

Tăng nhẹ nhiệt độ cơ thể: Do tác dụng của progesteron.

Đau tức vú: Do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

Ngoài ra còn có thể xuất hiện một số triệu chứng không điển hình khác.

Tính ngày tránh thai theo chu kì kinh nguyệt

Tránh thai theo phương pháp tính ngày trong chu kì kinh nguyệt là một biện pháp tránh thai tự nhiên, an toàn, tiện lợi, kinh tế mà hiệu quả lại tương đối cao. Vì vậy đây cũng là biện pháp thường xuyên được các chị em sử dụng để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn.

Chú ý: Biện pháp tránh thai này chỉ mang tính tương đối và chỉ nên áp dụng cho những phụ nữ có kinh nguyệt đều. Các số liệu dưới đây cũng chỉ chính xác một cách tương đối.

Sơ đồ các ngày trong chu kì kinh nguyệt
Ảnh: Sơ đồ các ngày trong chu kì kinh nguyệt.

Ta tính trên một chu kì kinh chuẩn là 28 ngày (có thể dao động lên xuống tùy người). Khi đó một chu kì kinh sẽ chia ra ba vùng:

  • Vùng an toàn tương đối:

Tính từ ngày đầu tiên của chu kì (ngày 1) cho đến khoảng ngày 7-9 của chu kì. Lúc này trứng sắp rụng, trong khi tinh trùng có thể sống 2-3 ngày trong cơ thể phụ nữ nên quan hệ vào những ngày này dù an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra có thai.

  • Vùng không an toàn:

Là ngày trứng rụng cộng trừ lên xuống 5 ngày. Ví dụ nếu trứng rụng vào ngày 14 thì vùng không an toàn rơi vào khoảng ngày 9-19.

  • Vùng an toàn tuyệt đối:

Từ khoảng ngày thứ 19,20 của chu kì cho đến hết chu kì. Lúc này trứng đã rụng và đang phân hủy, nên thụ tinh sẽ không xảy ra. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Như vậy, nếu muốn phòng tránh mang thai ngoài ý muốn theo phương pháp này, nên quan hệ vào những ngày trong vùng an toàn tuyệt đối, với vùng an toàn tương đối nên thận trọng khi quan hệ. Còn với những cặp vợ chồng muốn tăng khả năng thụ thai và có con, nên quan hệ vào những ngày trong vùng không an toàn.

Các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trên điện thoại

Ứng dụng Flo
Ảnh: Ứng dụng Flo.

Các ứng dụng về kinh nguyệt bắt đầu bùng nổ năm 2014, và với những thành tựu chúng ta đạt được về trí tuệ nhân tạo (AI), các ứng dụng này ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn và gây tiếng vang lớn trên thị trường.

Ứng dụng Clue
Ảnh: Ứng dụng Clue.

Một số ứng dụng nổi tiếng có thể kể ra như Glow and Eve, Flo, My FloClue. Việc sử dụng các ứng dụng này đều rất đơn giản và tiện dụng, bạn chỉ cần biết một chút tiếng Anh là có thể nhanh chóng sử dụng thành thạo. Các ứng dụng này có thể dự đoán ngày có kinh, ngày rụng trứng… và đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi phù hợp, cùng với nhiều tiện ích khác nữa.