Khám thai định kỳ

(0 / 0)

Khám thai định kỳ là một việc làm thường xuyên và được các bà bầu tiến hành đều đặn ở các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, tỉ lệ khám thai định kỳ còn chưa cao, tuy nhiên hiện nay các bà bầu cũng đang ý thức được dần tầm quan trọng của việc này. Bài viết này giới thiệu với những phụ nữ đã, đang và sẽ mang thai một lịch khám thai định kỳ cơ bản, những xét nghiệm sẽ phải thực hiện khi khám thai để có một thai kỳ thật trọn vẹn và tuyệt vời, cung cấp những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi.

Khám thai
Hình ảnh: Khám thai

Không có một tiêu chuẩn quốc tế nào cho chăm sóc thai kỳ toàn diện. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ có thai nên khám thai tối thiểu 3 lần: 1 lần trong 3 tháng đầu, 1 lần trong 3 tháng giữa và 1 lần trong 3 tháng cuối thai kỳ. Con số tối ưu với một thai kỳ bình thường là 7-8 lần. Tất nhiên việc khám thai bao nhiêu lần còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, hay tình trạng của thai phụ (có vấn đề sức khỏe gì mắc kèm hay không), tình trạng của thai nhi trong những lần khám trước… Một số bệnh viện lớn hoặc tư nhân sẽ đề nghị số lần khám thai nhiều hơn, có thể lên tới 14 lần.

3 tháng đầu

Mục đích: Khám thai trong 3 tháng đầu nhằm mục đích xác định đúng xem là người phụ nữ có thai hay không và đồng thời quan sát và phát hiện các bệnh lý đi kèm của người mẹ. Nếu thai ngoài kế hoạch thì việc giữ hay bỏ thai là tùy thuộc vào quyết định của người mẹ và gia đình.

Lần 1:

Lần đầu khám thai là khoảng 3 tuần sau khi bị chậm kinh, khi các dấu hiệu của mang thai đã rõ ràng và bạn cũng có thể khá chắc chắn là mình mang thai nhờ que thử thai.

Thai nhi 3 tuần tuổi

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem thai làm tổ có đúng vị trí chưa, có mấy thai (đơn thai, song thai hay nhiều hơn).

Siêu âm sẽ được tiến hành để kiểm tra sự phát triển của thai.

Công thức máu toàn bộ là một xét nghiệm thường quy phải làm (Hb, Hct…).

Bác sĩ cũng sẽ tiến hành các xét nghiệm kiểm tra xem người mẹ có mắc các bệnh lý đi kèm không. Các bệnh lý thường gặp với phụ nữ có thai có thể bao gồm: thiếu máu, tăng huyết áp (yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật), đái tháo đường (đặc biệt nếu BMI > 29 kg/m2, gia đình có tiền sử đái tháo đường hoặc bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường thai kỳ), bệnh lý viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu, giang mai…

Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lý cho phụ nữ có thai
Hình ảnh: Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lý cho phụ nữ có thai

Khám âm đạo, tử cung, cổ tử cung sẽ được tiến hành để phát hiện sớm những bất thường.

Lần 2:

Lần thứ hai diễn ra vào khoảng tuần 11-12 của thai kỳ.

Các xét nghiệm thường quy như công thức máu toàn bộ vẫn phải làm.

Tuổi thai được xác định theo chiều dài từ đầu đến mông nhờ siêu âm.Trong giai đoạn này xác định tuổi thai khá chính xác. Đồng thời siêu âm cũng giúp xác định xem thai có phát triển bình thường không.

Các bác sĩ cũng sẽ tầm soát bệnh Down trong giai đoạn này.

Sinh thiết nhau thai hoặc chọc dò dịch ối để phát hiện những bất thường gen. Sàng lọc Thalessemia (một loại bệnh tan máu bẩm sinh) có thể được áp dụng.

Sinh thiết nhau thai
Hình ảnh: Sinh thiết nhau thai

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành tư vấn cho bà bầu và người nhà bệnh nhân về dinh dưỡng (đặc biệt là các chất thường thiếu với phụ nữ có thai) để bổ sung khi cần thiết, tư vấn di truyền (đặc biệt với các bệnh như Down hay Thalessemia), chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, những thứ cần kiêng (như rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…).

3 tháng giữa

Mục đích: Khám thai trong 3 tháng giữa nhằm mục đích quan sát sự phát triển bình thường của thai nhi, sự thích nghi của cơ thể mẹ và rất quan trọng là tiêm phòng uốn ván lần 1.

Lần 3:

Lần thứ ba diễn ra trong khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ.

Thai nhi 16 tuần tuổi
Hình ảnh: Thai nhi 16 tuần tuổi

Với người mẹ: khám da, niêm mạc, bướu giáp, huyết áp, tim phổi, đo chiều cao tử cung và vòng bụng…

Với thai: khám tim thai.

Bác sĩ tiếp tục siêu âm thai theo dõi sự phát triển của thai nhi. Tránh để xảy ra tình trạng thai suy dinh dưỡng.

Các xét nghiệm thường quy như công thức máu toàn bộ vẫn được tiến hành. Bổ sung thêm xét nghiệm protein niệu, đường huyết, sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể (AFP, β-hCG và estriol).

Trong thời gian này bác sĩ sẽ xem xét kĩ liệu thai nhi có nguy cơ dị tật nào không do đây là thời điểm dễ quan sát nhất.

Lần 4:

Lần khám thai thứ tư diễn ra vào tuần thứ 21-22 của thai kỳ.

Thai nhi 22 tuần tuổi
Hình ảnh: Thai nhi 22 tuần tuổi

Khám thực thể tương tự như lần thứ ba.

Tiếp tục làm các xét nghiệm thường quy như lần thứ ba.

Siêu âm giúp kiểm soát tốt tình trạng phát triển của thai nhi và phát hiện kịp thời các bất thường nếu có.

Với phụ nữ bị một số bệnh đặc biệt như u buồng trứng, đây là thời điểm thích hợp tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật nhỏ lúc này không làm ảnh hưởng đến thai nhi hay thời gian chuyển dạ.

Lần 5:

Lần khám thai này sẽ nằm trong khoảng tuần thứ 26 của thai kỳ.

Khám thực thể tương tự như lần thứ ba.

Các xét nghiệm và thủ tục tương tự như lần thứ ba.

Đặc biệt, bà mẹ sẽ được tiêm phòng uốn ván trong lần khám thai này.

Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai
Hình ảnh: Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, người mẹ được tư vấn di truyền, chọc dò dịch ối và bố sung sắt nếu có thiếu máu do thiếu sắt.

Tiêm vaccin phòng cúm nếu đang trong mùa cúm.

3 tháng cuối

Mục đích: Khám thai trong 3 tháng cuối nhằm mục đích quan sát sự phát triển bình thường của thai nhi, nguy cơ gì có thể có với người mẹ, tiêm phòng mũi uốn ván lần 2 và dự kiến ngày chuyển dạ, xem xét sinh thường hay sinh mổ, có cần chuyển tuyến hay không.

Lần 6:

Lần thứ sáu diễn ra trong khoảng thời gian tuần 31-32 thai kỳ.

Thai nhi 32 tuần tuổi
Hình ảnh: Thai nhi 32 tuần tuổi

Khám thực thể: cân nặng, huyết áp, vòng bụng, chiều cao tử cung, tim thai, ngôi thai…

Các xét nghiệm thường quy, siêu âm theo dõi tình trạng phát triển của thai tương tự như những lần trước.

Tiêm phòng mũi uốn ván lần thứ hai.

Trong lần khám này, bác sĩ sẽ dự đoán trước mẹ có sinh khó hay không, kích thước thai nhi có tương xứng với khung chậu hay không… nhằm tiên lượng xem mẹ sẽ sinh khó hay dễ, những nguy cơ có thể gặp phải khi chuyển dạ… từ đó dự phòng trước được những tình huống xấu có thể xảy ra.

Lần 7:

Lần khám này diễn ra vào tuần thứ 36 của thai kỳ.

Bác sĩ gần như sẽ biết chắc chắn người mẹ sẽ phải sinh thường hay sinh mổ, từ đó có sự chuẩn bị cho phù hợp (đánh giá khung chậu). Ví dụ có thể người mẹ sẽ cần nhập viện vài ngày trước khi sinh, có thể cần chủ động mổ sớm hoặc muộn hơn nếu cần thiết… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét xem bệnh nhân có thể sinh trực tiếp tại cơ sở y tế đó hay không hay sẽ được chuyển lên tuyến trên để đảm bảo tình trạng của người mẹ mang thai.

Đánh giá khung chậu trước sinh
Hình ảnh: Đánh giá khung chậu trước sinh

Các xét nghiệm khác mà bác sĩ yêu cầu tùy thuộc vào tình trạng thực tế của người mẹ.

Trong 3 tháng cuối thai kì này, xét nghiệm bất đồng nhóm máu mẹ – con có thể được tiến hành nếu có yêu cầu.

Chú ý các dấu hiệu chuyển dạ sớm, các vấn đề gia đình, xã hội, hỗ trợ của người chồng…

Tiêm vaccin phòng cúm nếu đang trong mùa cúm.

Tránh đi lại khoảng cách xa sau 32 tuần thai kỳ.

Lần đầu đi khám thai cần lưu ý những gì?

Chắc hẳn nếu bạn mới mang bầu lần đầu thì việc đi khám thai còn khá là bỡ ngỡ. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi thì bạn hãy mạnh dạn cùng chồng hoặc người thân của mình tới các cơ sở y tế để khám sức khỏe thai nhi định kì.

Tuy nhiên bạn cũng nên lựa chọn các cơ sở khám thai uy tín để được thực hiện các công tác khám và chữa bệnh đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Điều tốt nhất là bạn nên hỏi những người thân của mình xem địa chỉ khám thai uy tín ở khu vực mình là ở đâu và có cần lưu ý gì không.

Mang thai lần đầu nên các kiến thức chăm sóc thai nhi và con nhỏ chắc hẳn chưa được nhiều bà mẹ nắm rõ chính vì vậy trước khi đi khám thai bạn nên lên một list các câu hỏi để hỏi các bác sĩ về các vấn đề cần lưu  ý trong quá trình mang bầu.

Trước khi chuẩn bị siêu âm khoảng 1 tiếng bạn nên uống nhiều nước một chút. Điều này sẽ giúp cho việc quan sát thai nhi dễ dàng hơn và đặc biệt các kết quả siêu âm bạn không nên bỏ chúng đi mà nên giữ lại cẩn thận để tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của bé.

Nên đi khám thai ở đâu là tốt?

Cơ sở khám thai uy tín
Hình ảnh: Cơ sở khám thai uy tín

Như đã đề cập ở trên, việc chọn cơ sở uy tín để được chăm sóc một cách tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi là hết sức quan trọng. Chính vì vậy các bà mẹ nên lựa chọn một cách cẩn cơ sở để khám thai định kỳ.

Tại Hà Nội bạn có thể lựa chọn nhiều cơ sở khám thai uy tín như bệnh viện phụ sản Hà Nội, bệnh viện đa khoa VinMec, hay Phòng khám Đa khoa 125 Thái Thịnh.. ngoài ra còn rất nhiều cơ sở khám thai uy tín khác.

Sau khi đã xác định được cơ sở khám thai định kì bạn nên chủ động liên hệ với cơ sở y tế đó để biết được các thủ tục từ ở nhà tránh trường hợp bạn đến đó sẽ quá tải hoặc là quá đông. Việc tiếp xúc trong môi trường bệnh viện đầy ngột ngạt không phải bà mẹ nào cũng có thể chịu được.

Những câu hỏi khi đi khám thai?

Lần đầu đi khám thai chắc hẳn bà mẹ nào cũng vui mừng chỉ quan tâm đến bé là trai hay gái, bé có khỏe mạnh không… Tuy nhiên lại rất ít chú ý đến sức khỏe của chính mình. Khi mang thai sức khỏe của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy bạn nên chuẩn bị các câu hỏi để hỏi bác sĩ trước khi tới phòng khám. Dưới đây là gợi ý một số câu hỏi dành cho các bạn phụ nữ trẻ khi đi khám thai lần đầu:

Làm cách nào để đỡ mệt mỏi khi mang thai?

Khi mang thai lần đầu, đặc biệt là 3 tháng đầu bạn sẽ thấy sự thay đổi khá rõ rệt của cơ thể. Bạn sẽ thường xuyên bị nghén và hầu như kiêng kị với rất nhiều loại thực phẩm. Bạn sẽ thường xuyên thấy choáng váng và không thể thập trung vào công việc. Điều này rất dễ hiểu do cơ thể của bạn đang cần rất nhiều năng lượng, vitamin và các chất khoáng để phục vụ cho sự phát triển của thai nhi. Khi thai nhi phát triển nhu cầu dinh dưỡng của bạn lại càng phải tăng cao tuy nhiên việc bạn vừa bị ốm nghén lại không ăn được gì thì sẽ làm cho cơ thể thiếu đi dưỡng chất. Bạn nên hỏi bác sĩ để tư vấn về cách sinh hoạt và hoạt động hàng ngày.

Nên đi khám thai bao nhiêu lần?

Khi tới các cơ sở uy tín, bạn hoàn toàn được các chuyên gia y tế ở đó tư vấn về lịch khám thai cụ thể. Hầu hết các phụ nữ hiện nay khi đi khám thai định kì đều tới bệnh viện khoảng 10 lần. Thông thường là sẽ gặp bác sĩ một tháng một lần. Trong quá trình mang thai sẽ có các cột mốc về sự thay đổi của trẻ ví dụ như khi nào có thể biết được giới tính chính xác của thai nhi? Khi nào bé hoàn thiện tất cả các bộ phận của cơ thể…

Quan hệ khi mang thai cần lưu ý những gì?

Quan hệ khi mang thai
Hình ảnh minh họa: Quan hệ khi mang thai

Chắc hẳn đây là câu hỏi bà bầu nào cũng thắc mắc. Trong quá trình mang thai dài tận hơn 9 tháng mà bị cấm cung thì không có anh chàng nào có thể chịu nổi. Bản thân người phụ nữ cũng thế, tuy đang mang thai nhưng nhu cầu sinh lý vẫn không hề thay đổi vì vậy việc tư vấn về các vấn về cần lưu ý khi quan hệ tình dục lúc mang thai để không ảnh hưởng tới thai nhi hết sức quan trọng. Nếu bạn không có vấn đề gì khi mang thai thì việc quan hệ tình dục hết sức cần thiết, điều này sẽ rất tốt cho các mẹ vì tăng cường sản sinh các hormon yêu. Tuy nhiên bạn cũng nên thay đổi một chút khẩu vị của mình. Không nên quá bạo lực khi quan hệ lúc mang bầu, hoặc lựa chọn các tư thế quan hệ đơn giản để tránh ảnh hưởng tới thai nhi là tốt nhất. Bạn đừng ngại ngần khi hỏi các bác sĩ về những vấn đề này vì chúng hết sức là cần thiết.

Trong quá trình mang thai cần tiêm chủng những loại vắc xin nào?

Trong quá trình mang thai các mẹ cần phải tiêm một số mũi vắc xin để phòng ngừa bệnh cho cả mẹ và bé. Điều này hết sức quan trọng trong việc phát triển khỏe mạnh của cả hai mẹ con. Tốt nhất bạn nên hỏi bác sĩ lịch tiêm cụ thể và cơ sở tiêm cụ thể để được tư vấn trực tiếp trong quá trình đi khám thai lần đầu.

Tham khảo: Bảng giá tiêm chủng vacxin tại 70 Nguyễn Chí Thanh

Nên ăn gì khi mang thai?

Đây là một câu hỏi mà hầu như bà mẹ nào cũng đặt ra khi mang thai. Khi mang thai cơ thể của bà mẹ cần rất nhiều dưỡng chất. Tuy nhiên không phải cái gì nhiều cũng tốt. Rất nhiều gia đình khi thấy mình mang thai thì đều tích cực bồi bổ cho mẹ bằng những món ăn như cháo cá chép, xương hầm, chân giò hầm… ngày ba bữa bữa nào cũng các món như thế. Điều này không hề tốt cho sức khỏe bà mẹ vì sự lập lại các món như vậy sẽ khiến các bà mẹ chán và bỏ ăn. Các bạn nên hỏi bác sĩ xem thời kì nào bé đang phát triển cái gì và vào thời điểm đó cần bổ sung những chất gì theo giai đoạn phù hợp với sự phát triển của bé. Ngoài ra bạn cần phải kiêng một số đồ ăn không tốt cho cả mẹ và bé như các đồ ăn cay nóng, nhiễm độc, rượu bia, các chất kích thích.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here