Một bác sĩ giỏi có thể là một nhà quản trị tệ

(1 / 5)

Một bác sĩ giỏi có thể là một nhà quản trị tệ – Bác sĩ Wynn Tran

Gần đây, tôi có vài người bạn phải đóng cửa phòng mạch, vài người thì mất chức quản lý trong bệnh viện, và tệ hơn là có người còn bị kiện tụng mặc dù những người này đều là BS chuyên khoa, có bằng chứng nhận, và được đào tạo chuyên môn rất bài bản. Cách đã vài hôm, bên Việt Nam có một BS chuyên khoa tim giám đốc bệnh viện có tiếng phải ra tòa vì phạm luật đấu thầu.

Điểm chung của tất cả những BS trên là họ có thể là những BS giỏi chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng quản lý.

Nghề BS và quản lý là 2 nghề có thể mâu thuẫn với nhau

– Nghề quản lý yêu cầu người lãnh đạo có góc nhìn vĩ mô, có kiến thức về quản lý hệ thống, quản lý nhân sự, kiến thức luật pháp, và tài chính quản trị trong khi nghề BS thường tập trung gói gọn vào chuyên khoa và chữa trị bệnh nhân. Hai nghề này đôi khi mâu thuẫn nhau. Ví dụ như chi phí chữa bệnh một bệnh nhân mắc bệnh miễn dịch có thể tương đương với chi phí chữa trị hàng trăm bệnh nhân có bệnh cao huyết áp. Người làm quản lý có thể sẽ ưu tiên chi phí đó để chữa hàng trăm bệnh nhân cao huyết áp trong khi một BS chuyên khoa sẽ tập trung chọn chi phí đó để chữa căn bệnh hiếm gặp của hệ miễn dịch.

– Một ví dụ khác là người quản lý sẽ muốn bệnh nhân nhập viện do suy tim xuất viện sớm nhất ngay khi có thể trong khi BS nội khoa có thể chọn giữ bệnh nhân bị suy tim ở lại thêm một đêm để theo dõi kỹ hơn. Một ví dụ hay gặp bên VN là BS giám đốc bệnh viện muốn được bệnh nhân nhanh chóng có máy chụp CT/MRI nên bỏ qua các giai đoạn giấy tờ pháp lý để nhanh chóng nhận được máy từ công ty. Ở góc độ quản trị, tất cả máy móc bệnh viện đều là tài sản và cần có giấy tờ hợp lý trước khi nhập vào.

– Điều quan trọng là cả BS và nhà quản lý cần phải hiểu góc nhìn của nhau để tìm ra điểm chung xử lý vấn đề.

Bác sĩ thường không được học quản lý trong trường Y hay nội trú chuyên khoa

– Mới nhìn, ai cũng nghĩ BS sẽ dễ dàng làm quản lý ví người học y khoa thường thông minh và nắm bắt kiến thức nhanh, chưa kể làm BS thường làm vị trí team leader, dẫn dắt toàn team nhân viên y tế trong việc chữa trị. Nghiên cứu từ Harvard chỉ ra BS hầu như không biết kiến thức quản trị hay biết rất ít kỹ năng quản trị (1), đơn giản vì họ không được học trong trường Y hay nội trú chuyên khoa. Nghiên cứu này cũng chỉ ra các bước để nâng cao kỹ năng quản lý của BS. Điều thú vị trong nghiên cứu này là khi BS càng tăng kỹ năng quản lý (ở cấp độ tổng cty, giám đốc bệnh viện) thì kỹ năng lâm sàng chuyên khoa của BS có thể bị giảm đi.

– Thực tế, BS có khi sẽ gặp thêm khó khăn khi học cách quản lý. Cái khó đầu tiên là cái “tôi” của BS. Một BS giỏi chuyên môn đôi khi ảo tưởng mình cũng sẽ làm quản lý giỏi, dẫn đến thái độ coi thường công việc hay học quản lý. Cái khó nữa là quá tập trung vào một hay vài bệnh nhân, hay tập trung vào một chuyên khoa có thể dẫn đến thiếu sót tầm nhìn cho cả bệnh viện hay phòng khám. Học làm quản lý đòi hỏi biết nhiều giấy tờ hành chính, đi hội họp, và kỹ năng thuyết phục đám đông, điểm mà nhiều BS không thích.

Bệnh nhân chính là cầu nối giữa BS và người quản lý

– Có một nhân tố là điểm chung có thể kết nối người làm BS và nhà quản lý là bệnh nhân. Đơn giản là khi bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, cả BS và nhà quản lý đều cảm thấy vui mừng. Vì vậy, chữa trị và lợi ích của bệnh nhân thường đặt lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận trong quản lý bệnh viện. Ví dụ trong trường hợp chi phí chữa trị ở trên, bệnh viện có thể ưu dùng tiền để chữa trị hàng trăm bệnh nhân mắc cao huyết áp trong khi tìm liên kết với hãng thuốc để tìm thuốc tài trợ cho bệnh nhân bị bệnh miễn dịch. Bằng cách này, cả nhà quản lý và BS chuyên môn đều cảm giác bệnh nhân được ưu tiên chữa trị.

Một BS giỏi có thể là nhà quản trị tốt nếu được đào tạo bài bản

– Nhiều BV tại Mỹ đã thấy điểm thiếu sót trong đào tạo BS với kỹ năng quản lý. Các BV thường có các khóa học quản lý (eMBA) ngắn hạn để giúp các BS học thêm. Các chương trình Y khoa tại Mỹ cũng có chuyên ngành MD/MBA (BS/thạc sĩ quản trị kinh doanh) hay MD/JD (Bác sĩ/Luật Sư) để giúp các BS hiểu thêm kỹ năng quản lý hay kiến thức luật pháp.

– Trước kia, mô hình làm việc ghép chung (Dyad Model) gồm một BS có chuyên môn được kèm theo một nhà quản trị kinh nghiệm nhưng thời gian chỉ ra mô hình này vừa tốn kém (do chi trả hai mức lương cao) lại khó bảo đảm tính nối kết giữa hai chuyên viên. Một mô hình thú vị khác từ các bệnh viện công ở Việt Nam là có một BS chuyên môn thường làm việc kèm theo một BS giỏi về quản lý nhà nước/chính trị như (BS trong ban cán sự đảng ủy trong bệnh viện). Đây cũng có thể xem như một kiểu mô hình Dyad trong quản lý bệnh viện tại Việt Nam.

– Sau này, các bệnh viện và trường y nhận ra kỹ năng quản lý là kỹ năng BS hoàn toàn có thể học được. Tôi còn nhớ thầy dạy trong lớp kinh doanh của tôi nói rằng “Nếu các bạn học được Y khoa, các bạn sẽ học được tất cả”. Vì vậy, mô hình Dyad ngày càng ít thấy tại các bệnh viện vì cho dù có chuyên gia quản lý kinh nghiệm bên cạnh một BS chuyên môn, một bệnh viện luôn phải có một CMO (Chief Medical Officer) để quản lý nhân sự y khoa. Vì vậy, các bệnh viện tại Mỹ ngày nay chú trọng vào đào tạo chuyên gia quản lý từ các BS trưởng khoa hay các BS quan tâm đến ngành quản lý để đưa họ lên làm CEO/President.

– Thực tế, các CEO/President của các bệnh viện lớn tại Hoa Kỳ đều là BS, như BS Anne Klibanski (Bệnh viện Mass General Hospital, trường Y khoa Harvard), BS Gianrico Farrugia (Hệ thống bệnh viện Mayo CLinic), BS John Mazziotta (Hệ thống bệnh viện UCLA) hay BS Katrina Armstrong (Bệnh viện đại học Columbia, New York)

Tóm lại

– Nghề BS và quản lý có thể hài hòa chung với nhau nếu biết cách đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên và tìm giải pháp từ hệ thống
– Một BS giỏi có thể là một nhà quản lý tốt nếu BS đó chịu học hỏi tìm tòi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here