Bài viết SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH Ở BỆNH NHÂN SUY THẬN, COI CHỪNG BỊ NGỘ ĐỘC
Tác giả: Bs Nguyễn Văn Thanh – BV Bạch Mai
Đi trực, cá nhân mình đã gặp 2 bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ vào viện vì các triệu chứng loạn thần cấp, mà khai thác thấy đều xuất hiện sau khi các hiệu thuốc tư vấn và bán cho thuốc kháng virus Acyclovir về uống để điều trị chứng Zona thần kinh. Đọc lại tài liệu cho thấy các triệu chứng rất giống với triệu chứng của ngộ độc Acyclovir. Nhưng một điều mà không phải các cô bán thuốc nào (thường là dược tá) cũng biết, đó là rất nhiều loại thuốc trong đó có các thuốc kháng virus cần phải giảm liều ở bệnh nhân có suy chức năng thận.
Mình vẫn nói với các em sinh viên và học viên, sử dụng kháng sinh có đào thải qua gan thì phải chú ý giảm liều khi bệnh nhân có suy gan. Và càng phải chú ý hơn nữa khi sử dụng các thuốc ở bệnh nhân có suy chức năng thận, vì rất nhiều loại thuốc sẽ thay đổi dược động học khi có giảm mức lọc cầu thận, có những thuốc dễ bị quá liều khi bị suy thận, có những thuốc có khả năng gây suy thận nặng hơn, nhiều loại thuốc bị chống chỉ định khi có suy thận nặng, và đặc biệt là nhiều loại thuốc được đào thải qua thận, có khả năng tích liều và gây độc cho thận cũng như gây độc cho các cơ quan khác, trong đó có các thuốc kháng sinh, kháng nấm và kháng virus.
Vì vậy khi sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus các bác sĩ đều phải tính toán mức lọc cầu thận hay độ lọc cầu thận (Estimate Glomerular Filtration Rate – eGFR) để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp theo hướng dẫn.Có em sinh viên hỏi rằng: Em không cần chỉnh liều thuốc có được không? Tất nhiên là phải điều chỉnh. Vì nếu không giảm liều thì “lợi bất cập hại”, mà đôi khi mình nói vui là “lợi thì chưa thấy nhưng răng chẳng còn”, vì bệnh nhân chưa kịp khỏi bệnh đã có thể gặp các tác dụng gây độc do tích liều thuốc, và chức năng thận cũng xấu đi.
Acyclovir và Valacyclovir là những thuốc kháng virus thông dụng thường được sử dụng để điều trị kháng các virus như Varicella-Zoster Virus (VZV – gây bệnh Zona thần kinh), Herpes Simplex Virus (HSV – gây bệnh mụn rộp ở môi, sinh dục); Epstein-Barr virus (EBV) và Cytomegalovirus (CMV). Các thuốc nhóm này thải trừ phần lớn qua thận và bài tiết qua ống thận, nên có khả năng gây tổn thương thận cấp do lắng đọng các tinh thể ở ống thận và gây viêm – hoại tử ống thận cấp cũng như gây viêm kẽ thận cấp. Khi có suy thận, thuốc bị tích liều và gây ra các tác động bất lợi, đặc biệt là trên hệ thần kinh, như: mất định hướng, suy giảm nhận thức, lo lắng, mất ngủ, trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, kích động, co giật, giật cơ, thất ngôn, xu hướng nói tục, … thậm chí hôn mê.
Những yếu tố nguy cơ của ngộc độc thuốc này là người cao tuổi, có suy thận, sử dụng thuốc quá liều.
Điều trị bao gồm: Ngưng sử dụng thuốc, lọc máu bao gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng.
Tái bút (1): Khi xây dựng module Thận – Tiết niệu trong chương trình đổi mới, Bộ môn Nội đã “đặt hàng” Bộ môn Dược lý giảng cho sinh viên bài Sử dụng thuốc và nguy cơ ngộ độc thuốc ở bệnh nhân suy thận. Và gần đây, bài này cũng đã được Bộ môn xây dựng và đưa vào giảng dạy cho các đối tượng Sau đại học khi đổi mới chương trình đào tạo Sau đại học, để thấy được tầm quan trọng của vấn đề này đối với đào tạo và hành nghề Y khoa.
Tái bút (2): Làm nghề Y là phải chú ý học tập liên tục. Nếu chịu khó sẽ học được nhiều hơn từ những ca lâm sàng thường ngày.