Tính năng của thuốc y học cổ truyền cũng tức là tác dụng dược lý bao gồm Tứ khí – Ngũ vị – Thăng giáng – Phù trầm và sự quy kinh.
1. Tứ khí
Là hàn – nhiệt – ôn – lương, bốn thứ dược tính khác nhau ấy là do sự phản ứng của tác dụng các vị thuốc vào trong cơ thể biểu hiện ra. Ví dụ: vị thuốc nào trị được chứng ôn nhiệt thì biết nó có tính hàn lương; vị thuốc nào trị được chứng hàn lương thì biết nó có tính ôn nhiệt. Sách “Tố Vấn” ghi: “Bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn” là như vậy.
– Hàn: Là thuốc có tính lạnh (hàn).
– Nhiệt: Là thuốc có tính nóng (nhiệt).
– Ôn: Là thuốc có tính ấm (ôn), có tác dụng nhẹ hơn thuốc nhiệt.
– Lương: Là thuốc có tính mát (lương), tác dụng nhẹ hơn thuốc hàn.
Ngoài ra có một số vị thuốc khí thiên thắng không rõ rệt lắm, tính chất hoà bình, cho nên gọi là tính bình. Tuy tính bình nhưng mặt nào đó cũng có thiên về phần ôn hoặc thiên về phần lương, nên nói chung cũng vẫn gọi là “Tứ khí”.
Bốn thứ khí ấy (hàn – nhiệt – ôn – lương) có thể quy nạp lại thành hai phương diện âm và dương; hàn và lương thuộc âm, nhiệt và ôn thuộc dương. Khi vận dụng các vị thuốc tất nhiên phải biện cho được thuốc âm hay thuốc dương, nếu không gì bệnh nhiệt lại dùng thuốc dương, bệnh hàn thì dùng thuốc âm để chữa, chẳng những bệnh còn không khỏi mà còn trở nên nặng hơn ( Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng).
2. Ngũ vị
Ngũ vị là năm mùi vị của thuốc: Chua (toan) – đắng (khổ) – ngọt (cam) – cay (tân) – mặn (hàm) có thể thông qua vị giác mà biết được.
Theo học thuyết Ngũ hành thì ngũ vị có liên quan đến ngũ tạng như: Vị chua vào Can – đắng vào Tâm – ngọt vào Tỳ- cay vào Phế – mặn vào Thận.
Qua sinh hoạt thực tiễn lâu dài, người xưa chẳng những biết trong dược vật có đủ 5 mùi vị đó, mà còn biết được trong ngũ vị lại có tác dụng khác nhau nữa
– Chua (toan): Có tác dụng cố sáp, thu liễm như: Sơn thù du, Thach lựu bì…
– Đắng (khổ): Có tác dụng tả hoả, trừ thấp như: Hoàng liên, Thương truật..
– Ngọt(cam): Có tác dụng hoà hoãn, bổ dưỡng như: Cam thảo, Thục địa hoàng.
– Cay (tân): Có tác dụng phát tán, hành khí như: Bạc hà, Hương phụ…
– Mặn (hàm): Có tác dụng đi xuống và làm mềm chất cứng như: Mang tiêu, Hải tảo…
– Nhạt (Đạm): Có tác dụng thẩm thấp, lợi thủy như: Phục linh, Thông thảo
Có nhiều vị thuốc đều có kiêm vị, ví dụ như Nhục quế tân, cam; Huyền sâm khổ, hàm; Hương phụ tân, hơi khổ cam. Trong tình hình chung vị thuốc có kiếm vị thì tác dụng cũng tương đối phức tạp.
Căn cứ vào thực tiễn lâu dài, người xưa đã tổng kết được mối liên hệ tương hỗ giữa được liệu với sinh lý và bệnh lý, dùng tứ khí, ngũ vị để quy nạp và giải thích thêm. Ngày nay chúng ta có thể lợi dụng kinh nghiệm của người xưa để nhận thức được liệu, đồng thời vận dụng vào thực tiễn lâm sàng. Vì vậy nhận thức phân biệt và lý giải được tính vị của được liệu, không những có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có giá trị thực tế quan trọng là điều kiện tất yếu học tập vận dụng dược liệu để trị bệnh tật.
Thực tế trên lâm sàng thường lợi dụng Ngũ vị của thuốc để điều chỉnh sự thiên thắng hoặc thiên suy giữa các tạng phủ trong cơ thể như dùng vị cay để phát tán khí uất ở Phế, vị ngọt làm hoà hoãn và bổ dưỡng Tỳ vị, còn nếu muốn thuốc vào Can thì tẩm với dấm, muốn thuốc vào Thận thì tầm với muối…
Nói chung, tính năng của vị thuốc là do tứ khí, ngũ vị tổng hợp lại mà thành, cho nên sự quan hệ giữa những thứ đó là một chỉnh thể, không tách rời ra được. Bởi vì mỗi vị thuốc đều bao gồm cả khí và vị nhưng có điều mâu thuẫn là giữa các vị thuốc đó có khí thì giống nhau mà vị lại khác nhau, có thứ thì khí khác nhau mà vị lại giống nhau. Ví như cùng một vị tân (cay) mà Thạch cao thì tân hàn, Bạc hà thì tân lương, Can khương tân ôn, Phụ tử tân nhiệt. Hay cùng một tính ôn (ấm) mà vị Ô mai thì toan ôn, Hậu phác khổ ôn, Hoàng kỳ cam ôn, Tử tô tân ôn, Cáp giới hàm ôn… Lại có vị thuốc cùng một khí mà kiêm nhiều vị như Quế chi tân cam mà ôn, Sinh địa hoàng khổ cam mà hàn…
Trong tính năng dược vật nó phức tạp về khí vị như vậy, cũng chính vì thế mà nó thể hiện các vị thuốc trong chỗ giống nhau lại có đặc điểm khác nhau, do đó khi sử dụng người thầy thuốc chẳng những phải nắm vững tứ khí mà còn phải biết rõ về ngũ vị nữa. Bệnh tật thì không chỉ đơn giản có âm dương – hàn nhiệt, mà nó còn nhiều tình trạng phức tạp khác nhau nữa như bệnh nhiệt thì có biểu nhiệt và lý nhiệt. Nếu biểu nhiệt thì phép trị nên dùng thuốc tân lương giải biểu, nếu là chứng thực nhiệt tà kết ở lý thì phải dùng thuốc khổ hàn, hàm hàn để tả hạ. Nếu không rõ được khí vị, chỉ biết dùng thuốc hàn để thắng bệnh nhiệt, khi gặp biểu nhiệt chưa giải lại dùng thuốc hàn khổ để tả hạ thì không khác nào mở cửa rước giặc vào nhà, bệnh chưa nặng hoá càng nặng thêm.
3. Thăng giáng phù trầm
Thăng – giáng – phù – trầm là nói về xu hướng tác dụng của các vị thuốc khi vào cơ thể. Thăng là đi lên, giáng là đi xuống, phù là có ý nghĩa phát tán, trầm có tác dụng tả hạ như các vị thuốc
– Thăng như Thăng ma, Sài hồ có tính đi lên (thăng)
– Giáng như Ngưu tất, Phục linh có tính đi xuống (giáng)
– Phù: như Quế chi, Phòng phong có tính phát tán (giải biểu).
– Trầm như Đại hoàng, Mang tiêu có tính lắng xuống (tả hạ).
Bốn tính chất ấy (thăng giáng phù trầm) quy lại thành hai phương diện thì thăng phù thuộc dương, trầm giáng thuộc âm, những vị thuốc đó còn có tác dụng như:
– Thăng phù: Chủ bên trên, hướng ra, có tác dụng thăng dương, giải biểu, khu phong, tán hàn, sơ tiết.
– Trầm giảng: Chủ đi xuống, vào trong, có tác dụng tiềm dương, thu liễm, thẩm thấp, thanh nhiệt, tả hạ.
Qua kinh nghiệm người xưa cho rằng tính thăng giáng – phủ trầm có quan hệ mật thiết với khí vị và chất nặng nhẹ của thuốc như:
– Về khí vị: Nhìn chung thấy những vị thuốc cam – tân – ôn – nhiệt phần nhiều là thuốc thăng phù như: Nhân sâm, Kinh giới – Quế chi, Can khương… Những vị thuốc toan – khổ – hàm – hàn phần nhiều là thuốc trầm giáng như vị Bạch thược, Hoàng bá, Mang tiêu, Đại hoàng..
– Về thể chất: Xét thấy những vị thuốc hoa lá có thể chất nhẹ như Bạc hà, Cát cánh, Thăng ma… là thuốc có thể thăng phù. Những vị thuốc bằng hạt, quả hoặc chất nặng như Tô tử, Chỉ thực, Hoạt thạch… phần nhiều là thuốc trầm giáng. Tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ như vị Toàn phúc hoa là hoa (bông) mà tính hạ giáng, có tác dụng giáng nghịch chỉ khái; Vị Ngưu bàng tử là hạt (chất nặng) mà có tính thăng phù, có tác dụng sơ phong tán nhiệt.
Như vậy, thăng – giáng – phù – trầm là một quy luật, nên khi lâm sàng, hễ gặp bệnh Cang dương thượng nghịch th phải cho thuốc tiềm dương giáng nghịch, còn như bệnh khí hư hạ hãm thì phải dùng thuốc ích khí thăng dương. Trường hợp như bệnh tả lỵ lâu ngày đến nỗi thoát giang, nếu không cho thuốc ích khí thăng dương như Nhân sâm, Hoàng kỳ mà lại cho thuốc khổ giáng tả hạ như Đại hoàng, Mang tiêu, thì thanh khí hạ hãm ngày càng nặng thêm làm cho chứng tiêu chảy không thể cầm nổi.
Tóm lại: Thăng giáng phù trầm của thuốc có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn của nó. Bệnh ở trên, ở biểu nên chọn dùng thuốc thăng phù, chẳng những có thể làm cho thuốc đi tới chỗ đau mà còn có thể làm cho bệnh tà phát tán lên trên hoặc ra ngoài. Bệnh ở dưới, ở lý, nên chọn dùng thuốc trầm giáng để đạt tới chỗ đau hoặc dẫn bệnh tà đi ra ngoài theo đường bài tiết ở dưới. Thăng – giáng – phù – trầm là theo tính năng của từng vị thuốc, nhưng con người cũng có thể làm thay đổi được do qua bào chế hay phối ngũ. Như những vị có tính thăng phù mà phối ngũ ở trong bài thuốc có nhiều vị trầm giáng thì có thể theo đó mà trầm giáng hay ngược lại. Còn như dược vật trải qua bào chế, nếu như tẩm với rượu thì đi lên, tẩm với gừng thì phát tán, tẩm với dấm thì thu liễm, tẩm với muối thì đi xuống. Lý Thời Trân nhận định: “Vị thuốc đi lên mà tẩm với chất hàm hàn thì chìm xuống, nếu dẫn bằng rượu thì đưa lên mà đi đến đỉnh đầu” cũng như: ” sự thăng giáng là do vị thuốc mà cũng ở con người nữa”.