Tổng quan ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

(1 / 5)

Biên soạn:
Ths. DS. Trần Thị Thu Hiền, Khoa Dược – Bệnh viện TWQĐ 108.
Hiệu đính:
PGS.TS. Nguyễn Thành Hải, Bộ môn Dược lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội.

Do tình trạng kháng thuốc kháng sinh (AR) và lạm dụng kháng sinh ngày càng gia tăng, các chương trình quản lý kháng sinh (AMS) hiện là một yêu cầu bắt buộc trong tất cả các bệnh viện. Cùng với sự phát tiển của khoa học công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các chương trình AMS sẽ mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các bác sỹ lâm sàng trong kê đơn, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng kháng sinh hợp lý, từ đó giảm tính kháng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh và cải thiện kết quả điều trị.

1. Sơ lược về công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh tại bệnh viện

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được ghi nhận sớm nhất cho mục đích quản lý sử dụng kháng sinh là hơn 30 năm trước đây khi một nhóm bác sĩ lâm sàng và nhà nghiên cứu đã tiến hành sử dụng các thuật toán máy tính để chủ động xác định 420 trường hợp không phù hợp về giữa thuốc kháng sinh và vi sinh ở 1632 bệnh nhân nhập viện trong thời gian 1 năm. Thông qua việc sử dụng công nghệ này, họ có thể nhắc nhở các bác sĩ thay đổi hoặc bắt đầu liệu pháp kháng sinh trong một phần ba trường hợp, dẫn đến việc sử dụng kháng sinh được cải thiện. Từ khi công trình đầu tiên này được công bố, số lượng các chương trình có ứng dụng CNTT hỗ trợ cho quản lý sử dụng kháng sinh đã gia tăng đáng kể.

CNTT hỗ trợ cho các chương trình quản lý kháng sinh được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên chủ yếu áp dụng trên các cơ sở dữ liệu số bao gồm: (1) trên Bệnh án điện tử (EMR – electronic medical record), (2) hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng (CDSS – clinical decision support systems), (3) các phần mềm trên điện thoại di động (apps) và (4) các công cụ hỗ trợ liều trên lâm sàng (clinical dosing tools). Gần đây, các công cụ hỗ trợ liều kháng sinh trên lâm sàng và các ứng dụng trên điện thoại di động đã được tích hợp. Các công cụ liều như phần mềm liều dùng áp dụng Bayesian, có thể dùng để hướng dẫn liều dùng kháng sinh như vancomycin, aminoglycosid. Các công cụ này có thể tồn tại độc lập hoặc tích hợp trong hệ thống EMR.

2. Các nền tảng ứng dụng CNTT áp dụng trong quản lý sử dụng kháng sinh

2.1. Bệnh án điện tử (EMR)

Việc áp dụng bệnh án điện tử đã được nhóm nghiên cứu Cook và cộng sự chỉ ra hiệu quả tăng số lượng bệnh án được xem xét và tăng số lượng can thiệp được thực hiện, khi so sánh với việc áp dụng bệnh án giấy, tương quan với việc giảm 28,8% trong việc sử dụng kháng sinh phổ rộng. Khả năng quản lý kháng sinh của 2 trong số các phần mềm EMR phổ biến nhất là Epic và PowerChart [Cerner] đã được đánh giá gần đây. Một số khả năng mà EMR có thể thực hiện bao gồm:

  • Theo dõi các can thiệp thực hiện;
  • Cảnh báo kiểm tra liều lượng;
  • Cảnh báo về thực hành điều trị tốt nhất (best practice);
  • Chiến lược giám sát sử dụng kháng sinh định kỳ (antibiotic time-outs);
  • Quy trình hạn chế sử dụng kháng sinh;
  • Theo dõi chuyển đổi kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống.

Tất cả các chiến lược này đều là các thành tố quan trọng để triển khai được một chương trình quản lý sử dụng kháng sinh thành công tại mỗi bệnh viện.

Hình 1: Giao diện phần mềm của chương trình quản lý kháng sinh tích hợp với EMR tại Bệnh viện Đại học Tây Ban Nha [4]
Hình 1: Giao diện phần mềm của chương trình quản lý kháng sinh tích hợp với EMR tại Bệnh viện Đại học Tây Ban Nha [4]
Một trong những cách phổ biến nhất để áp dụng EMR trong việc quản lý kháng sinh là tích hợp các quy trình/quy định về hạn chế kháng sinh. Sử dụng hệ thống yêu cầu sử dụng kháng sinh (order entry system) (Siemens/Cerner Invision), Lambl và các cộng sự đã đặt ra quy trình về hạn chế kê đơn fluoroquinolon hoặc clindamycin. Quy trình hạn chế này bao gồm: nhắc nhở các bác sỹ lâm sàng về lý do cần tránh sử dụng các thuốc này và cung cấp danh sách các chỉ định được phê duyệt của các kháng sinh này. Nếu một bác sĩ lâm sàng kê đơn cho một chỉ định không được phê duyệt, một can thiệp qua điện thoại sẽ được thực hiện thông qua xem xét/rà soát của dược sĩ hoặc chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (ID – infectious diseases specialist). Việc xây dựng và tích hợp sẵn quy trình hạn chế này trên hệ thống EMR đã thu được kết quả giảm được 91% số ngày điều trị trên 1000 ngày giường đối với clindamycin và fluoroquinolon, từ đó tương quan với việc giảm 24% trường hợp nhiễm Clostridium difficile mắc phải tại bệnh viện (P = 0.05).

Nhìn chung, khi các can thiệp quản lý kháng sinh được tích hợp vào EMR, điều quan trọng là cần luôn xem xét đến nhu cầu của các bác sĩ điều trị. Quá nhiều cảnh báo có thể gây ra tình trạng “mệt mỏi cảnh báo – alert fatique” và hệ quả là giảm hiệu quả của cảnh báo do xu hướng bỏ qua cảnh báo. Điều quan trọng nữa là việc triển khai các can thiệp vẫn cần đảm bảo duy trì quy trình làm việc thường quy hiệu quả và vẫn cho phép có thể có sai lệch so với quy trình điển hình đã đặt ra để tránh mất quyền tự chủ của bác sĩ điều trị.

2.2. Hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng (clinical decision support system-CDSS)

Các cảnh báo theo thời gian thực (realtime) trên bệnh nhân từ CDSS có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Bệnh nhân cấy máu dương tính.
  • Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
  • Bệnh nhân được chỉ định một kháng sinh cụ thể.
  • Bệnh nhân có kết quả cấy vi sinh dương tính với một chủng vi khuẩn cụ thể (ví dụ: Staphylococcus aureus hoặc Pseudomonas aeruginosa).

Đối với các cảnh báo realtime liên quan đến thuốc kháng sinh có thể bao gồm các nội dung sau:

  • Bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh trong khoảng thời gian xác định.
  • Bệnh nhân phù hợp để chuyển đổi từ đường tiêm sang uống.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận cần hiệu chỉnh liều kháng sinh.
  • Những bệnh nhân mà kết quả vi sinh cho thấy có thể có sự không phù hợp giữa thuốc sử dụng với vi khuẩn và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh.

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng CDSS làm tăng số lượng các can thiệp kháng sinh có thể được thực hiện. Huber và các cộng sự tại một bệnh viện cộng đồng đã chỉ ra việc thực hiện CDSS Sentri7 đã làm tăng 87% số lượng can thiệp liên quan đến kháng sinh (lần lượt là 144 so với 270 can thiệp trong giai đoạn trước khi thực hiện 3 tháng và sau khi thực hiện 3 tháng).

Nhóm tác giả Ghamravi và các cộng sự đã chứng minh sau khi thực hiện TheraDoc tại một Trung tâm y tế hàn lâm lớn làm giảm đáng kể thời gian thực hiện liệu pháp xuống thang hoặc lên thang phác đồ kháng sinh phù hợp.

Một lĩnh vực khác mà CDSS có thể thiết lập, đó là báo cáo trực tuyến các dữ liệu tiêu thụ kháng sinh và đề kháng kháng sinh tới các đơn vị quản lý kháng sinh.

Mặc dù việc thực hiện CDSS có thể mang lại nhiều lợi ích, một số hạn chế hoặc giới hạn cũng tồn tại, chẳng hạn liên quan đến chi phí và các yêu cầu hỗ trợ từ phía công nghệ thông tin. Các chi phí hàng năm cho CDSS vận hành có thể tốn kém, dao động từ 100,000 đến 500,000$ đối với các bệnh viện tại Mỹ. Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc phát triển và vận hành CDSS cũng yêu cầu rất lớn. Mặc dù vậy, CDSS đã được chứng minh một cách rõ ràng về vai trò trong tối ưu hóa sử dụng kháng sinh và cho thấy hiệu quả – chi phí phù hợp.

2.3. Ứng dụng di động

Với tính chất khá phổ biến của điện thoại thông minh, việc tiếp cận thông tin giờ đây đã trở nên rất dễ dàng. Các trang web và ứng dụng dành cho thiết bị di động có thể cung cấp một lượng lớn thông tin y tế mà có thể dễ dàng truy xuất trong vài giây. Một cuộc khảo sát năm 2014 của Epocrates, một trong những ứng dụng y tế được tải xuống nhiều nhất, cho thấy 80% bác sĩ lâm sàng sử dụng thiết bị di động trong quy trình làm việc chuyên môn của họ. Thiết bị di động đã được chứng minh là cải thiện việc ra quyết định lâm sàng và cho phép các chuyên gia y tế hiệu quả hơn trong thực hành công việc của họ. Việc tích hợp công nghệ này để cải thiện các nỗ lực quản lý kháng sinh được đánh giá có tính mới và nhiều tiềm năng.

Việc tìm kiếm các ứng dụng liên quan đến bệnh truyền nhiễm (infectious diseases – ID) phù hợp và đáng tin cậy có thể gặp một vài khó khăn. Trong một đánh giá năm 2013, hơn 1200 ứng dụng ID đã được xác định từ các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google Play. Tuy nhiên, chỉ có 24 ứng dụng được cho là có liên quan, dễ điều hướng, được viết bằng tiếng Anh và được phát triển bởi các nguồn đáng tin cậy.

3. Hiệu quả của ứng dụng CNTT trong một số can thiệp QLSDKS cụ thể

3.1. Can thiệp phê duyệt kê đơn/y lệnh (prior authorization)

Phê duyệt kê đơn/y lệnh yêu cầu một số tính năng để triển khai hiệu quả: (1) Cách thức mà người kê đơn liên hệ với các thành viên nhóm QLSDKS để yêu cầu sử dụng các kháng sinh hạn chế, (2) Cách thức mà nhóm QLSDKS có thể phản hồi với người kê đơn, và (3) Cách thức mà nhóm QLSDKS ghi chép lại các can thiệp/khuyến cáo. Trong đó, CNTT có khả năng hỗ trợ cho đầy đủ các các tính năng trên triển khai được triển khai dễ dàng.

Nhiều nhóm QLSDKS sử dụng điện thoại hoặc máy nhắn tin (pager) để hỗ trợ liên lạc giữa người kê đơn và các thành viên trong nhóm QLSDKS. Tuy nhiên, hệ thống CDSS đã được sử dụng thành công trong việc thúc đẩy sự thuận tiện trong việc phê duyệt kê đơn.

Với sự hỗ trợ của hệ thống CDSS, các thành viên nhóm QLSDKS có thể được cho phép phản hồi với yêu cầu của người kê đơn trên cùng một hệ thống, cũng như ghi chép lại khuyến cáo của họ đưa ra. Việc lưu vết lại các can thiệp là cần thiết trong quy trình phê duyệt kê đơn để thông báo cho dược sĩ và nhóm chăm sóc bệnh nhân về việc có nên cấp phát thuốc kháng sinh hạn chế hay không. Việc lưu vết có thể có nhiều dạng khác nhau, bao gồm ghi chú trong hồ sơ sức khỏe điện tử (Electric Health RecordEHR) bởi người phê duyệt thuộc nhóm QLSDKSD, thông báo tin nhắn điện tử do người phê duyệt thuộc nhóm

QLSDKS gửi đến các dược sĩ cấp phát, tên người phê duyệt nhóm QLSDKS do người kê đơn chọn trong phiếu yêu cầu sử dụng kháng sinh, mã được cung cấp bởi người phê duyệt ASP đã nhập đơn đặt hàng kháng sinh của người kê đơn, đồng chữ ký trong phiếu yêu cầu dùng kháng sinh hạn chế; hoặc sự kết hợp của các phương pháp hoặc cách thức này.

Hệ thống CNTT lý tưởng cho việc phê duyệt kê đơn sẽ tạo ra một hệ thống vòng tròn khép kín có thể trao đổi và tương tác thuận tiện giữa nhóm QLSDKS và người kê đơn; cũng như cho phép ghi chép/lưu vết ngay trong khi vận hành theo quy trình. Hơn nữa, một hệ thống hỗ trợ lý tưởng sẽ cho phép giám sát tiến cứu liên tục các đơn kê kháng sinh trước khi bắt đầu quy trình phê duyệt, nhằm đảm bảo rằng các phiếu yêu cầu đều được phê duyệt kịp thời, nhóm QLSDKS không bỏ qua bấy kỳ phiếu yêu cầu nào, và đảm bảo rằng các kháng sinh hạn chế không được cấp phát một cách không hợp lý khi chưa có quyết định phê duyệt cho phép sử dụng. Ngoài ra, hệ thống lý tưởng cũng sẽ giúp tổng hợp thông tin một cách liên tục tiến cứu về các phiếu yêu cầu kháng sinh và quá trình phê duyệt, nhằm đảm bảo theo dõi được tỷ lệ cấp phát, tỷ lệ phê duyệt các kháng sinh hạn chế cụ thể; cũng như theo dõi về các nỗ lực/công việc của nhóm QLSDKS và báo cáo tới ban QLSDKS .

3.2. Can thiệp giám sát phản hồi (audit and feedback)

Việc tiến hành các can thiệp giám sát và phản hồi thường gặp nhiều thách thức và có thể không hiệu quả. Tại bất kỳ cơ sở y tế chăm sóc cấp tính nào, ước tính có tới 60% bệnh nhân được dùng kháng sinh mỗi ngày. Có tới 70% bệnh nhân ở các cơ sở chăm sóc dài hạn được dùng kháng sinh trong suốt một năm và 11% tổng số bệnh nhân ở đây sử dụng thuốc kháng sinh mỗi ngày. Trong đó từ 30% đến 50% tổng số đơn thuốc kháng sinh tại các cơ sở chăm sóc cấp tính là không phù hợp và từ 25% đến 75% tổng số đơn thuốc kháng sinh tại các cơ sở chăm sóc dài hạn không phù hợp. Với số lượng lớn kháng sinh sử dụng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, việc xem xét các đơn kê kháng sinh một cách thủ công là không thực tế vì để có thể xem xét đơn kê và xác định các giải pháp can thiệp, nhóm QLSDKS cần phải rà soát một lượng thông tin rất lớn bao gồm thông tin lâm sàng, cận lâm sàng và vi sinh. Vì vậy, để thực hiện can thiệp giám sát và phản hồi theo cách hiệu quả nhất có thể, lý tưởng là nhóm QLSDKSD chỉ cần xem xét, rà soát một lượng thông tin tối thiểu để từ đó xác định các tình huống/các trường hợp mà việc sử dụng kháng sinh là không phù hợp.
Các cảnh báo tự động có khả năng xác định các tình huống mà việc sử dụng kháng sinh có nhiều khả năng không phù hợp hoặc cần tối ưu hóa (Bảng 1).

Bảng 1. Các cảnh báo trong can thiệp giám sát phản hồi

Cảnh báo Mô tả
Xuống thang Xác định các tình huống có thể thu hẹp từ kháng sinh phổ rộng sang kháng sinh phổ hẹp hơn dựa trên kết quả chẩn đoán, định danh hoặc kháng sinh đồ
Thuốc-vi khuẩn không phù hợp Xác định các tình huống trong đó vi sinh vật được phân lập đã được xác định là đề kháng với kháng sinh sử dụng
Không phải nhiễm trùng Xác định bệnh nhân đang sử dụng thuốc kháng sinh mà không có bất kỳ mẫu cấy dương tính nào hoặc xét nghiệm chẩn đoán khác trong một khoảng thời gian xác định kể từ khi kê đơn thuốc kháng sinh ban đầu
Trùng lặp phổ không phù hợp Nhận diện các trường hợp trùng lặp phổ, ví dụ trùng lặp phổ trên vi khuẩn kị khí hay thuốc kháng nấm
Chuyển từ đường tiêm sang đường uống Xác định bệnh nhân đang sử dụng các thuốc tiêm tĩnh mạch có sinh khả dụng cao qua đường uống và có thể được sử dụng bằng đường uống

Các cảnh báo trên có thể được tạo trong nhiều hệ thống EHR hoặc trong các CDSS cài đặt bổ trợ (add-on CDSS). Nhiều phần mềm EHR hay CDSS đều đã cài đặt sẵn các cảnh báo cho chương trình QLSDKS. Tuy nhiên, một số hệ thống yêu cầu xây dựng cảnh báo ngay từ đầu hoặc có thể tùy chỉnh các cảnh báo hiện có cho các nhóm bệnh nhân cụ thể. Thường việc hợp tác với nhân viên CNTT tại cơ sở là cần thiết để có thể thiết kế và tùy chỉnh các cảnh báo này. Khi xem xét hệ thống EHR mới hoặc xem xét các tiện ích CDSS bổ sung, nhóm QLSDKS nên đánh giá hệ thống về (1) khả năng tương thích với các hệ thống phần mềm hiện có, (2) cơ sở hạ tầng cảnh báo được xây dựng sẵn, (3) khả năng tùy chỉnh và (4) tính dễ dàng sử dụng.

Khả năng tương thích: Điều cần thiết là phải xem xét khả năng tương thích với các hệ thống phần mềm hiện có và xác định xem công ty phần mềm trước đây đã triển khai thành công phần mềm với cơ sở hạ tầng phần mềm cụ thể của bệnh viện hay chưa, đặc biệt là với dữ liệu xét nghiệm, phần mềm kê đơn và quản lý bệnh viện. Các cảnh báo khác nhau có thể yêu cầu nguồn cấp dữ liệu từ góc độ quản lý thuốc, yêu cầu/dự trù thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng và vi sinh, và/hoặc các chẩn đoán và chỉ định sử dụng kháng sinh. Do vậy nếu phần mềm cảnh báo không tương thích với các nguồn cấp dữ liệu đầu vào này, các cảnh báo có thể không hoạt động đúng cách.

Đánh giá cơ sở hạ tầng trước đó về cảnh báo: Đánh giá cơ sở hạ tầng cảnh báo được xây dựng trước đó là rất quan trọng để đánh giá xem cần nguồn lực như thế nào trong việc tiếp tục tạo các cảnh báo mà cơ sở chăm sóc sức khỏe yêu cầu.

Đánh giá khả năng tùy chỉnh: Tương tự, khả năng tùy chỉnh các cảnh báo trong tương lai là rất quan trọng, bởi sẽ có nhu cầu tạo các cảnh báo mới hoặc tùy chỉnh các cảnh báo hiện có.

Tính dễ dàng sử dụng: Ngoài ra, tính dễ dàng sử dụng các cảnh báo là rất quan trọng vì lý tưởng hệ thống cảnh báo phải phù hợp với quy trình làm việc của các thành viên trong nhóm QLSDKS. Lý tưởng nữa là hệ thống cảnh báo tự động cũng cần hiển thị trực quan các dữ liệu lâm sàng, vi sinh và phòng thí nghiệm có liên quan để giúp nhóm QLSDKS dễ dàng và hiệu quả trong việc đọc thông tin mà không phải mất thời gian chuyển đổi giữa các hệ thống nguồn dữ liệu khác nhau. Hệ thống cảnh báo chạy bên ngoài EHR có thể kém hiệu quả hơn vì việc xem xét bệnh án và lưu trữ/lưu vết có thể cần phải thực hiện trong một phần mềm riêng biệt khác. Tuy nhiên, các hệ thống cảnh báo chạy bên ngoài EHR cũng có thể hiệu quả hơn nếu giao diện người dùng được bố trí hợp lý hơn và/hoặc cho phép ghi chép/lưu vết hoạt động QLSDKS.

Các can thiệp cảnh báo tự động có thể đơn giản, ví dụ như: cảnh báo/nhắc nhở nhóm QLSDKSD về các mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính, hoặc cảnh báo/nhắc nhở nhóm QLSDKS về việc sử dụng một kháng sinh cụ thể. Các cảnh báo cũng có thể ở mức độ phức tạp hơn, đòi hỏi cần xem xét toàn diện và cẩn thận hơn, để nhận diện ra các trường hợp có khả năng xuống thang dựa trên kết quả chẩn đoán, vi sinh và yêu cầu sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, cho dù các cảnh báo tự động phức tạp hay không, các nghiên cứu trước đây đều đã cho thấy hiệu quả cải thiện tuân thủ hướng dẫn điều trị, chất lượng sử dụng kháng sinh, hiệu quả trên bệnh nhân – các tiêu chí để theo dõi hoạt động giám sát – phản hồi.

3.3. Can thiệp đặc thù theo loại nhiễm khuẩn hoặc theo hội chứng

Các hiệp hội nghề nghiệp và các cơ quan quản lý khuyến nghị rằng chương trình QLSDKS nên bao gồm các các can thiệp đặc thù theo loại nhiễm khuẩn và hội chứng. Trọng tâm của những can thiệp này là xác định và cải thiện việc kê đơn trong các hội chứng cụ thể mà có tỷ lệ kê đơn kháng sinh không phù hợp tiềm ẩn cao, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn niệu không triệu chứng, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng huyết và viêm phổi mắc phải cộng đồng. Các can thiệp có thể thực hiện có thể bao gồm: giám sát tiến cứu và phả hồi, giáo dục – tập huấn, tổng hợp đưa ra các so sánh đối chiếu (benchmarking). Ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe quy mô lớn hơn, việc xác định các hội chứng này bằng cách xem xét thủ công là không thực tế. Tuy nhiên, công nghệ thông tin có thể giúp gợi ý/cảnh báo cho nhóm QLSDKS về các can thiệp có thể thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Các hội chứng mà đặc trưng bởi dữ liệu vi sinh vật và cận lâm sàng khách quan có thể dễ dàng nhận diện được. Ví dụ, cấy máu dương tính có thể xác định nhiễm trùng huyết, và xét nghiệm vi sinh mẫu nước tiểu và phân tích nước tiểu có thể xác định nhiễm trùng đường tiết niệu và vi khuẩn niệu không triệu chứng. Các cảnh báo tự động có thể được phát triển dựa trên kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng và vi sinh này. Thực hiện các can thiệp liên quan đến các hội chứng này có thể giúp cải thiện thực trạng kê đơn kháng sinh. Tuy nhiên, trên thực tế có thể khó nhận diện hơn một số bệnh nhiễm trùng mà không điển hình bởi kết quả nuôi cấy đồng thời chẩn đoán cần dựa trên cả các đặc điểm lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như viêm phổi, nhiễm trùng da và mô mềm. Một phương pháp giúp nhận diện ra nhóm bệnh nhân này là dựa trên lý do nhập viện. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh nội trú có mã số điện tử về lý do nhập viện. Lý do nhập viện này có thể giúp dễ dàng nhận diện ra các bệnh nhiễm trùng cụ thể, chẳng hạn như viêm phổi và viêm mô tế bào, thông qua các cảnh báo/nhắc nhở tự động.

Một phương pháp khác để nhận diện ra các bệnh hoặc hội chứng nhiễm trùng là dựa trên chỉ định kháng sinh. Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tất cả các đơn thuốc kháng sinh phải ghi rõ chỉ định. Nhiều hệ thống bệnh án điện tử EMR có thể được tùy chỉnh để yêu cầu rằng chỉ định cần được ghi rõ đối với mỗi đơn kê kháng sinh. Đặc biệt khi yêu cầu người kê đơn phải lựa chọn chỉ định từ danh sách chỉ định định sẵn, các dữ liệu này có thể sử dụng để cảnh báo/nhắc nhở nhóm QLSDKS bất kỳ khi nào một kháng sinh cụ thể được kê đơn cho một chỉ định nào đó.

4. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phê duyệt và giám sát sử dụng colistin tại Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108.

Dựa trên những nguyên tắc xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng kháng sinh, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tích hợp mẫu phiếu yêu cầu sử dụng colistin trên phần mềm kê đơn (HIS) trên nền tảng EMR của Bệnh viện. Từ phần mềm kê đơn có thể tương tác trực tiếp giữa bác sĩ và dược sĩ trong quá trình kê đơn. Trong đó dược sĩ có thể phản hồi với bác sĩ về tính phù hợp sử dụng colistin trên từng bệnh nhân. Phần mềm đảm bảo duyệt 100% có sử dụng colistin trước khi kê đơn theo 07 tiêu chí: Chỉ định, nồng độ đích, liều nạp, liều duy trì, liều khí dung nếu có), kháng sinh dùng kèm và liều kháng sinh dùng kèm.

4.1. Một số giao diện của phần mềm

Giao diện từ phía bác sĩ kê đơn:

Ở ngày đầu tiên khi bác sĩ xác định bệnh nhân được chỉ định colistin, bác sĩ hoàn thiện phiếu yêu cầu sử dụng colistin được tích hợp trên phần mềm kê đơn như hình 2:

Hình 2. Giao diện phiếu yêu cầu sử dụng colistin từ phía bác sĩ kê đơn
Hình 2. Giao diện phiếu yêu cầu sử dụng colistin từ phía bác sĩ kê đơn

Sau khi hoàn thiện xong phiếu yêu cầu sử dụng colistin bác sĩ “xác nhận” gửi phiếu yêu cầu xuống Khoa Dược.

Giao diện từ phía dược sĩ duyệt đơn:

Trên module “Tư vấn dùng thuốc” của phần mềm Dược sĩ tiến hành duyệt 07 nội dung trên, xem xét tính phù hợp sử dụng colistin so với quy trình đã xây dựng, thảo luận với bác sĩ về bệnh nhân, phát hiện các DRP và đề xuất phương án giải quyết các DRP sau đó xác nhận gửi cho bác sĩ như hình 3.

Hình 3. Giao diện duyệt phiếu yêu cầu sử dụng colistin từ phía dược sĩ duyệt đơn
Hình 3. Giao diện duyệt phiếu yêu cầu sử dụng colistin từ phía dược sĩ duyệt đơn

Ở từng nội dung, Dược sĩ sẽ chọn một trong 2 ô “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý”, nếu không “Không đồng ý” dược sĩ cần ghi lý do cụ thể để trao đổi với bác sỹ lâm sàng.

4.2. Ưu điểm của phần mềm

Đối với bác sĩ kê đơn:

Khi hoàn thiện phiếu yêu cầu sử dụng colistin, một số trường trong mẫu phiếu yêu cầu đã tự động liên kết dữ liệu giúp bác sĩ không mất thời gian viết như khi thực hiện phiếu yêu cầu bằng bản giấy như: Tên khoa phòng, tên bệnh nhân, tuổi, mã bệnh án, giới tính, ngày tháng. 100% bệnh nhân được duyệt phiếu trước khi sử dụng thuốc để đảm bảo sự phù hợp về chỉ định và liều. Trên phần mềm có bảng gợi ý các mức liều cho bác sĩ lựa, không cần xem lại quy trình bản giấy khi lựa chọn các mức liều cho bệnh nhân. Thao tác sử dụng trên phần mềm dễ dàng đơn giản đối với các ô cần phải tích như trên bản giấy.

Đối với dược sĩ:

Nhanh chóng tiếp cận bệnh nhân trên phần mềm, tiết kiệm thời gian duyệt phiếu, quản lý và dễ dàng trao đổi với bác sĩ trên các tình huống lâm sàng cụ thể. Dễ dàng lưu vết các can thiệp thực hiện, tra xuất nhanh chóng các dữ liệu khi cần.

Tài liệu tham khảo

1. Pestotnik SL, Evans RS, Burke JP, et al. (1990), “Therapeutic antibiotic monitoring: surveil-lance using a computerized expert system”. The american journal of medicine. 88(1), pp.43–8.

2. Derek NB, Tamara LT, Trienski, et al. (2018), “Role of Technology in Antimicrobial Stewarship”, Medical Clinics of North American.102(5), pp. 955-963

3. Kristi MK , Keith WH (2020), “Collaborative antimicrobial Stewardship: Working with information Techology”, Infectious Disease Clinics of North America. 34(1), pp. 31-49.

4. Bernardo Cánovas Segura, Antonio Morales, Jose M. Juarez, Manuel Campos and Francisco Palacios (2020), “WASPSS: A Clinical Decision Support System for Antimicrobial Stewardship”. Submitted: May 8th, 2019Reviewed: February 6th, 2020Published: April 1st, 2020. DOI: 10.5772/intechopen.91648

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here