Top 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019

(0 / 0)

Thế giới hiện nay đang đối mặt với hàng loạt thách thức về sức khỏe và Tổ chức Y tế thế giới WHO đã công bố danh sách top 10 mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu năm 2019, những mối đe dọa này cần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan và tổ chức.

1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.

Khí thải từ nhà máy công nghiệp.
Ảnh minh họa: Khí thải từ nhà máy công nghiệp.

Đứng đầu danh sách này là ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Theo WHO, có 9 trong số 10 người hít phải không khí ô nhiễm hàng ngày, và ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm do gây ra các bệnh như ung thư, đột quỵ, các bệnh về tim và phổi. Hầu hết các trường hợp tử vong này xảy ra ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, có lượng khí phát thải cao từ công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp. Ngoài ra, tại các quốc gia này, bếp lò và nhiên liệu bẩn thường được sử dụng trong nhà.

Nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí là do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, đây cũng là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra thêm 250,000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và stress nhiệt.

2. Bệnh không truyền nhiễm

Các bệnh không truyền nhiễm và một số nguyên nhân.
Ảnh minh họa: Các bệnh không truyền nhiễm và một số nguyên nhân.

Đứng ở vị trí số hai trong danh sách các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu của WHO là các bệnh không truyền nhiễm, như đái tháo đường, ung thư, bệnh tim, chúng chịu trách nhiệm cho 41 triệu ca tử vong mỗi năm, hay hơn 70% số ca tử vong trên toàn thế giới, WHO cho biết. Những người này bao gồm 15 triệu người chết sớm trong độ tuổi từ 30 đến 69.

Sử dụng thuốc lá, lười hoạt động thể chất, sử dụng đồ uống có cồn độc hại, chế độ ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí là những nguyên nhân chính làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh này. Đây cũng là những yêu tố nguy cơ góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

3. Đại dịch cúm toàn cầu

Các đại dịch cúm từng xảy ra trong lịch sử.
Ảnh minh họa: Các đại dịch cúm từng xảy ra trong lịch sử.

Mối đe dọa của đại dịch cúm toàn cầu đứng vị trí thứ ba trong danh sách. “Thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch cúm khác – điều duy nhất chúng ta không biết là khi nào chúng sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nó. Sự phòng ngừa dịch bệnh trên toàn cầu chỉ hiệu quả nếu như hệ thống chuẩn bị và ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về sức khỏe ở bất kì quốc gia nào cũng hoạt động hiệu quả”, WHO cho biết trong một bản tin mới. Cơ quan này liên tục theo dõi sự lưu hành của virus cúm để phát hiện sớm các chủng gây đại dịch tiềm tàng: 153 tổ chức ở 114 quốc gia có liên quan đến giám sát và ứng phó với cúm trên toàn cầu.

4. Những nơi yếu ớt và dễ bị tổn thương

Sau một trận mưa rất lớn ở bắc Peru.
Ảnh minh họa: Sau một trận mưa rất lớn ở bắc Peru.

Đứng ở vị trí thứ tư là những nơi yếu ớt và dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các khu vực phải chịu hạn hán, nạn đói, xung đột và di cư dân số. Theo WHO, hơn 1.6 tỷ người (22% dân số toàn cầu) sinh sống ở những nơi có khủng hoảng kéo dài và dịch vụ chăm sóc sức khỏe yếu kém, không đáp ứng được các chăm sóc cơ bản. “Các khu vực yếu kém tồn tại ở hầu hết các nơi trên thế giới, và đây là những nơi mà một nửa các mục tiêu chính trong các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả sức khỏe bà mẹ và trẻ em, vẫn chưa thực hiện được”, WHO cho biết.

5. Kháng kháng sinh

Hậu quả của kháng kháng sinh toàn cầu.
Ảnh minh họa: Hậu quả của kháng kháng sinh toàn cầu.

Thời gian đang “cạn kiệt dần”, WHO cho biết. “Kháng kháng sinh đe dọa sẽ đưa chúng ta trở lại thời kì chúng ta không dễ dàng để điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, lậu và thương hàn. Việc không thể ngăn ngừa được nhiễm trùng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẫu thuật và các biện pháp điều trị khác như hóa trị liệu chẳng hạn”.

6. Ebola và các mầm bệnh có tính đe dọa cao khác

Một buổi tuyên truyền phòng chống dịch Ebola.
Ảnh minh họa: Một buổi tuyên truyền phòng chống dịch Ebola.

Năm 2018, nước Cộng hòa Dân chủ Congo đã chứng kiến hai đợt bùng phát Ebola riêng biệt, cả hai đều lan sang các thành phố hơn 1 triệu dân. Một trong số các tỉnh bị ảnh hưởng cũng nằm trong vùng xung đột.

7. Chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém:

Một bệnh viện địa phương tại Ấn Độ.
Ảnh minh họa: Một bệnh viện địa phương tại Ấn Độ.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu sức khỏe của một người trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên nhiều quốc gia không có cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đầy đủ. WHO cho biết trong năm nay, họ sẽ làm việc với các đối tác để vực dậy và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu của các quốc gia.

8. Sự do dự tiêm vaccine:

Số ca tử vong trên toàn cầu từ năm 1880.
Ảnh minh họa: Số ca tử vong trên toàn cầu từ năm 1880.

Việc miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vaccine mặc dù có sẵn vaccine có nguy cơ đảo ngược tiến trình thực hiện việc chống lại các bệnh có thể phòng ngừa được nhờ vaccine. Tiêm vaccine hiện giúp ngăn ngừa 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm và có thể tránh được thêm 1.5 triệu ca nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện, WHO cho biết.

9. Sốt xuất huyết:

Bệnh nhân bị xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết.
Ảnh minh họa: Bệnh nhân bị xuất huyết dưới da do sốt xuất huyết.

Bệnh truyền nhiễm qua muỗi có khả năng gây tử vong này là mối đe dọa cao trong nhiều thập kỉ. Ước tính 40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết và có khoảng 390 triệu ca nhiễm xảy ra mỗi năm. Chiến lược kiểm soát sốt xuất huyết của WHO nhằm giảm 50% số ca tử vong vào năm 2020.

10. HIV

Biệt dược Truvada (Gilead Sciences Inc) dùng trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS.
Ảnh minh họa: Biệt dược Truvada (Gilead Sciences Inc) dùng trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS.

Mặc dù đã có những tiến bộ “khổng lồ” chống lại HIV bằng cách cho mọi người được xét nghiệm virus, cung cấp cho họ thuốc kháng retrovirus (22 triệu người đang điều trị), và cung cấp các biện pháp phòng ngừa, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, đại dịch vẫn tiếp tục tiến triển với gần 1 triệu người chết mỗi năm vì HIV/AIDS. WHO cho biết họ sẽ làm việc với các quốc gia để hỗ trợ việc giới thiệu cách tự kiểm tra bản thân để  các bệnh nhân biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và có thể nhận được các biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa thích hợp.

Để giải quyết những mối đe doạ này và cả những mối đe dọa khác, năm 2019 chứng kiến sự khởi đầu của kế hoạch chiến lược 5 năm của WHO – General Programme of Work lần thứ 13. Kế hoạch này tập trung vào mục tiêu ba-tỷ: đảm bảo hơn 1 tỷ người được hưởng lợi từ việc tiếp cận bảo hiểm y tế toàn cầu; hơn 1 tỷ người được bảo vệ khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và hơn 1 tỷ người hạnh phúc và có sức khỏe tốt hơn.

Người dịch: Lê Huy Cường

Nguồn bài viết: Top 10 Threats to Global Health Include Flu Pandemic, Air Pollution

Tham khảo thêm tin tức về y học trên thế giới tại: Sống Khỏe Mỗi Ngày (SongKhoeMoiNgay.com)