Bài viết Bệnh của mùa gặt – Số nhiệt, say nắng, say nóng, cảm nắng – Tác giả: Bác sĩ Quan Thế Dân.
Đó là bệnh sốc nhiệt, dân gian còn gọi là say nắng, say nóng, cảm nắng. Năm nào đến mùa gặt cũng gặp. Do lao động quá sức dưới trời nắng gắt nên bị. Bệnh có tính thời vụ rất rõ, chỉ đến vụ gặt mới thấy. Vì đặc điểm của vụ gặt là phải phơi lúa phơi rơm, không tránh được nắng, nắng càng to càng phải tranh thủ làm, nên dẫn tới sốc nhiệt.
Chỉ trong chiều tối qua có 2 người đến cấp cứu ở khoa chúng tôi. Một ông trung niên 52 t và một nam thanh niên 17 t. Triệu chứng thì giống nhau, đều đang đi cắt lúa và phơi rơm, trời rất nắng, ra mồ hôi nhiều, rồi đột nhiên co quắp chân tay mệt xỉu phải đưa vào cấp cứu. Khám thấy thân nhiệt đã hạ, không còn cao, ý thức còn tỉnh, thần kinh kích thích nhẹ, vẻ bứt rứt. Dấu mất nước rất rõ, da khô, mắt trũng. Chưa có nước tiểu. Cơ bắp còn co cứng, bắp chân nắn đau. Khám các cơ quan còn lại chưa phát hiện gì bất thường.
Xét nghiệm cả hai người đều mất nước rất nhiều, máu cô đặc, HCT cao. Có tiêu cơ vân, men CK > 2000. Men gan tăng. Điện giải gần bình thường. Chức năng thận giảm, có suy thận cấp.
Bệnh sốc nhiệt do thân nhiệt tăng cao, cộng với nắng nóng mất nước nhiều, gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiết niệu. Mất nước xét nghiệm sẽ thấy máu cô đặc. Gắng sức cộng với mất nước làm vỡ các tế bào cơ vân, gọi là tiêu cơ vân. Các men CK, men gan sẽ tăng. Mất mồ hôi nhiều nếu người bệnh uống nhiều nước thì sẽ gây rối loạn điện giải, giảm các chất muối trong máu. Nếu mất mồ hôi mà không uống nước sẽ tăng các chất muối. Kèm suy thận cấp sẽ tăng kali trong máu.
Điều trị cho nghỉ ngơi tại giường, truyền dịch nhiều, gần sáng thì bắt đầu tiểu được. Sáng nay xét nghiệm lại thấy các chỉ số xét nghiệm vẫn chưa cải thiện nhiều, nên tiếp tục bù dịch và cân bằng điện giải, cho ăn nhẹ, nghỉ ngơi tại giường. Người bệnh bảo bây giờ mới thấy rã rời chân tay, không nhấc được người lên, chứ hôm qua mải làm cho được nắng không biết mệt. Tuy nhiên vẫn mong bác sĩ chữa mau khỏi để còn về làm tiếp.
Để phòng bệnh người dân cần chú ý tránh nắng, lao động dưới trời nắng nên có mũ nón vải dầy để tránh nắng. Nên tránh lúc trời nóng nhất. Khi làm thì chú ý thời gian nghỉ xen kẽ phù hợp. Nên uống đủ nước bù lượng nước mất đi qua hơi thở và mồ hôi. Nước uống nên pha thêm chút muối để bù lượng muối mất đi, tốt nhất nên uống nước canh rau để bù lượng muối mất.
Khi có hiện tượng mệt lả, chuột rút, đau nhức bắp cơ thì ngay lập tức phải vào nơi râm mát ngồi nghỉ. Người có dấu hiệu da nóng ran, ý thức lơ mơ, co giật, gồng cứng người, khó thở, đau ngực… thì phải cởi nới rộng quần áo, lau mát quạt nhanh để hạ thân nhiệt rồi mau chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Sốc nhiệt nếu được phát hiện và điều trị sớm đều có kết quả tốt, người sẽ khỏe lại sau một vài ngày. Tuy nhiên nếu phát hiện và xử trí chậm có thể có các di chứng về thần kinh, tim mạch, thận… thậm chí là tử vong.