Uống Cafe không gây ung thư, trái lại còn có thể giảm rủi ro ung thư

(1 / 5)

Tác giả: Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Hôm qua, báo Tuổi Trẻ có đăng bài “Quá lạm dụng cafe, bạn có thể đối mặt ung thư dạ dày”. Lập tức nhiều quý vị nhắn tin hỏi tôi “Bs Wynn, có phải là uống cafe dẫn đến ung thư dạ dày?”. Bài viết này chỉ ra uống cafe không có bằng chứng dẫn đến ung thư. Trái lại, uống cafe còn có thể giảm rủi ro ung thư. Bài viết cũng chỉ ra lỗi cơ bản khi viết bài sức khỏe.

Uống cafe không dẫn đến ung thư

– Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ đã chỉ ra không có bằng chứng nào chỉ ra uống cafe dẫn đến ung thư dựa trên nhiều nghiên cứu (1). Năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu họp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Ung Thư (2) thuộc tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) chỉ ra uống cafe không phải là lý do dẫn đến ung thư vú, ung thư tuyến tụy, hay ung thư tuyến tiền liệt. Uống cafe còn giảm rủi ro ung thư nội mạc tử cung và giảm rủi ro ung thư gan.

– Ngoài ra, không có bằng đủ chứng cho các loại ung thư còn lại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu củng chỉ ra uống nước giải khát rất nóng có thể dẫn đến rủi ro ung thư thực quản.

– Vì vậy, uống cafe không nên uống quá nóng vì nhiệt độ sẽ tăng rủi ro tổn thương vòm miệng và thực quản.

Lạm dụng bất kỳ đồ ăn, thức uống nào cũng thành thuốc độc

– Tôi đã nói nhiều lần đồ ăn thức uống, dù bổ dưỡng đến cỡ nào nếu ăn uống quá nhiều cũng sẽ thành thuốc độc. Đơn giản là vì cơ thể chúng ta luôn ở mức cân bằng, bất kỳ chất nào quá nhiều hay quá ít cũng đều khiến cơ thể không ổn định.

– Uống cafe quá nhiều đúng là có thể dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa nhưng để chỉ ra lý do gây ra ung thư thì chưa đủ bằng chứng.

Ung thư là bệnh lý phức tạp, không chỉ vì những lý do đơn giản

– Rất nhiều bài viết hay chuyên gia online hay tìm ra những lý do cực kỳ đơn giản để chỉ ra gây ung thư hay chữa trị ung thư. Ví dụ như ăn món này có thể gây ung thư trong khi ăn món kia chữa ung thư, dựa trên một vài ca quan sát hay theo kinh nghiệm cá nhân. Đây là những ví dụ của sự nhầm lẫn giữa trùng hợp ngẫu nhiên (co-incident) và nguyên nhân lý do (Causal relationship)

– Ví dụ tôi hay về sự trùng hợp là hai nhân vật quý ông nổi tiếng Bill Gates và Jeff Bezos thường hay rửa chén và cả hai đều ly dị vợ, nhưng không thể nói là đàn ông thường rửa chén thì dễ ly dị vợ.

Lỗi hay gặp khi viết bài sức khỏe: suy luận đơn giản

– Bài viết trên báo TTO viện dẫn uống rất nhiều cafe có thể dẫn đến viêm loét bao tử, và viêm loét bao tử lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Đây là ví dụ của suy luận sai lầm như A có thể gây ra B, và B có thể gây ra C, nên A có thể gây ra C.

– Một ví dụ dễ hiểu là một SV tối hay đi chơi nên không học bài, dẫn đến điểm trung bình GPA thấp. Vì có điểm GPA thấp nên anh chàng này không thể vào được trường Y khoa. Nhưng không thể kết luận là đi chơi buổi tối có thể dẫn đến không vào được trường Y khoa vì có rất nhiều lý do vì sao anh chàng này không vào được trường y. Tương tự như trên, có nhiều lý do có thể dẫn đến ung thư dạ dày, và không thể kết luận là uống cafe, giả dụ là rất nhiều đi chăng nữa, dẫn đến ung thư dạ dày.

– Mặc dù bài viết có nói “có thể” nhưng với người đọc bình thường, chữ “cafe” và “đối mặt ung thư dạ dày’ là những gì họ nhìn thấy. Vì vậy, viết báo sức khỏe về ung thư phải cẩn thận.

Sức ảnh hưởng của báo chí với giáo dục về ung thư

– Hôm qua, tôi có nói chuyện với Bs Quý bên Nhật về cách viết bài báo sức khỏe về ung thư vì điểm quan trọng nhất của truyền thông sức khỏe là không nên gây hoang mang dư luận. Người bệnh đã quá mệt mỏi với các tin xấu, tin giả, tin lừa đảo về ung thư nên báo chí chính thống càng phải cẩn thận khi viết về ung thư, nhất là không nên gây hiểu lầm.

– Tại Hoa Kỳ, các phóng viên khi viết về sức khỏe luôn có phần tư vấn của BS để tránh hiểu lầm khi đăng bài. Quy tắc đầu tiên của Hiệp hội phóng viên sức khỏe (AHCJ) là khi viết bài, cần tránh một vài ca bệnh lý (như uống quá nhiều cafe và ung thư dạ dày) để chỉ ra điều này có thể áp dụng đại trà trong dân số (3)

Giảm rủi ro ung thư bằng lối sống lành mạnh

– Hiện nay, các Bs chỉ ra cách đối phó với rủi ro ung thư là chọn lối sống lành mạnh. Có những rủi ro chúng ta không thể thay đổi được như tuổi tác, gen, hay công việc nhưng có những thứ chúng ta có thể thay đổi được là dinh dưỡng và tập thể dục.

– Ngoài ra, chúng ta còn có thể hỏi chuyện trực tiếp với BS của mình về sức khỏe, chọn đọc những tin tức chính thống, dựa trên bằng chứng khoa học về sức khỏe để theo dõi.

Tài liệu tham khảo

  1. Elizabeth Mendes (2018), Coffee and Cancer: What the Research Really Shows, www.cancer.org. Truy cập ngày 18/05/2023.
  2. Dana Loomis, Kathryn Z Guyton, Yann Grosse (2016), Carcinogenicity of drinking coffee, mate, and very hot beverages, www.thelancet.com. Truy cập ngày 18/05/2023.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here