Nội dung chính
Lậu là một trong những căn bệnh xã hội rất khó chữa trị tuy nhiên lại chưa có nhiều người biết đến căn bệnh này nhất là lứa tuổi vị thành niên mới lớn. Ở bài này songkhoemoingay.com xin được giới thiệu tới các bạn tổng quan về nguyên nhân gây ra lậu, cách phòng và điều trị bệnh lậu. Dưới đây là thông tin chi tiết.
Bệnh lậu là gì và nguyên nhân gây bệnh lậu
Bệnh lậu (Gonorrhea) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu) gây ra. N.gonorrhoeae nhiễm vào niêm mạc đường sinh sản, bao gồm cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng ở phụ nữ và niệu đạo ở phụ nữ và nam giới. N.gonorrhoeae cũng có thể nhiễm ở niêm mạc miệng, cổ họng, mắt và trực tràng.
Tỉ lệ mắc bệnh lậu
Hoa Kỳ: Bệnh lậu là một bệnh truyền nhiễm rất phổ biến. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng có khoảng 820,000 ca nhiễm lậu mới xảy ra ở Hoa Kỳ mỗi năm và hơn một nửa số ca nhiễm này được phát hiện và báo cáo với CDC. Ước tính 570,000 trong số họ là những người trẻ từ 15-24 tuổi. Trong năm 2017, đã có 555,608 trường hợp nhiễm lậu được báo cáo với CDC. Số người mắc bệnh tập trung nhiều vào người Mỹ gốc Phi và các khu vực nông thôn phía đông nam cũng như các thành phố nội địa.
Tỉ lệ nam : nữ mắc bệnh lậu là 1 : 1.4. Từ năm 2015 đến 2016, tỉ lệ ở nam tăng khoảng 22%, trong khi tỉ lệ ở nữ tăng 13.8%.
Tỷ lệ nhiễm lậu cao nhất ở Hoa Kỳ năm 2016 là ở những người trưởng thành trong độ tuổi 20-24, ở cả nam và nữ.
Quốc tế: Ước tính 98,000,000 trường hợp nhiễm lậu mới xảy ra hàng năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Để so sánh, ước tính có khoảng 62,000,000 trường hợp mới xảy ra năm 1999 và 88,000,000 năm 2005. Năm 1999, số trường hợp nhiễm lậu mới được chẩn đoán ở Bắc Mỹ là 1,560,000; ở Tây Âu là 1,110,000; ở Nam Á và Đông Nam Á là 27,200,000; và ở Mỹ Latin và Caribe là 7,270,000.
Tất cả các quần thể có hoạt động tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm lậu, và mức độ rủi ro tăng lên theo số lượng bạn tình và sự hiện diện của các STDs khác.
Lây truyền bệnh lậu
Bệnh lậu lây truyền qua quan hệ tình dục với dương vật, âm đạo, miệng hoặc hậu môn của bạn tình bị nhiễm bệnh. Không nhất thiết phải xuất tinh thì mới bị bệnh. Bệnh lậu cũng có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh.
Những người đã mắc bệnh lậu và được điều trị khỏi có thể tái nhiễm nếu họ quan hệ tình dục với một người bị nhiễm lậu.
Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng bệnh lậu
Nam giới: Nhiều nam giới mắc bệnh lậu không có triệu chứng. Nếu có, các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng niệu đạo ở nam giới bao gồm khó tiểu hoặc niệu đạo xuất tiết chất mủ màu trắng, vàng hoặc xanh, thường xuất hiện từ 1-14 ngày sau khi nhiễm trùng. Trong trường hợp nhiễm trùng niệu đạo phức tạp do viêm mào tinh hoàn, nam giới mắc bệnh lậu cũng có thể phàn nàn về đau tinh hoàn hoặc bìu.
Nữ giới: Hầu hết phụ nữ mắc bệnh lậu đều không có triệu chứng. Ngay cả khi có triệu chứng, chúng thường rất nhẹ và không đặc hiệu đến nỗi bị nhầm tưởng là nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo thông thường. Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu ở phụ nữ bao gồm khó tiểu, tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ mắc bệnh lậu có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng, bất kể sự hiện diện hay mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như thế nào.
Các triệu chứng nhiễm trùng trực tràng ở cả nam và nữ có thể bao gồm xuất tiết mủ, ngứa hậu môn, đau nhức, chảy máu hoặc đau ruột. Nhiễm trùng trực tràng cũng có thể không triệu chứng. Nhiễm trùng họng có thể gây đau họng, nhưng thường không triệu chứng.
Biến chứng bệnh lậu
Bệnh lậu nếu không được điều trị có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và vĩnh viễn ở cả nữ giới và nam giới.
Ở phụ nữ, lậu có thể lan vào tử cung hoặc ống dẫn trứng và gây bệnh viêm vùng chậu (PID). Các triệu chứng có thể khá nhẹ hoặc có thể rất nghiêm trọng, có thể bao gồm đau bụng và sốt. PID có thể dẫn đến áp xe trong và đau vùng chậu mạn tính. PID cũng có thể phá hủy ống dẫn trứng đủ để gây vô sinh hoặc làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Ở nam giới, bệnh lậu có thể có biến chứng phức tạp do viêm mào tinh hoàn. Ở một số ít trường hợp, điều này có thể dẫn đến vô sinh.
Nếu không được điều trị, bệnh lậu cũng có thể lan vào máu và gây nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa (DGI). DGI thường được đặc trưng bởi viêm khớp, viêm bao hoạt dịch gân và / hoặc viêm da. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.
Bệnh lậu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc lây truyền HIV, một loại virus gây ra bệnh AIDS.
Nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh lậu, người mẹ có thể truyền bệnh cho trẻ trong khi sinh. Điều này có thể dẫn đến mù lòa, nhiễm trùng khớp hoặc nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng ở trẻ sơ sinh. Điều trị bệnh lậu ngay khi phát hiện ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng này.
Chẩn đoán bệnh lậu
Khi nào cần xét nghiệm bệnh lậu?
Bất kì ai có hoạt động tình dục cũng có thể bị nhiễm lậu. Bất cứ ai có các triệu chứng vùng sinh dục như xuất tiết mủ, nóng rát khi đi tiểu, lở loét bất thường hoặc phát ban nên ngừng quan hệ tình dục và gặp bác sĩ ngay lập tức.
Ngoài ra, bất cứ ai có quan hệ với bạn tình bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo, người gần đây được chẩn đoán mắc STDs nên đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đánh giá.
Một số người nên được kiểm tra (sàng lọc) bệnh lậu ngay cả khi họ không có triệu chứng hoặc biết bạn tình của mình mắc bệnh lậu.
CDC khuyến nghị sàng lọc bệnh lậu hàng năm cho tất cả phụ nữ có hoạt động tình dục dưới 25 tuổi, cũng như phụ nữ lớn tuổi có các yếu tố nguy cơ như có bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình, hay bạn tình bị mắc STDs.
Những người mắc bệnh lậu cũng nên được xét nghiệm các STDs khác.
Chẩn đoán
Bệnh lậu tại niệu sinh dục có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm nước tiểu, dịch niệu đạo (đối với nam) hoặc dịch nội mạc cổ tử cung hay âm đạo (đối với phụ nữ) bằng xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT). Nó cũng có thể được chẩn đoán bằng cách nuôi cấy lậu cầu, đòi hỏi mẫu bệnh phẩm nội mạc tử cung hoặc niệu đạo.
Nếu một người đã quan hệ tình dục bằng miệng và / hoặc hậu môn, nên lấy mẫu bệnh phẩm từ họng và / hoặc trực tràng để nuôi cấy vi khuẩn hoặc làm NAAT.
Điều trị bệnh lậu
Chú ý điều trị cả bạn tình, bao gồm tất cả các bạn tình trong vòng 60 ngày có quan hệ tình dục trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Người mắc bệnh lậu và tất cả bạn tình của họ phải tránh quan hệ tình dục cho đến khi họ hoàn thành việc điều trị bệnh lậu và không còn triệu chứng nữa.
Điều trị lậu cầu sẽ khá dễ dàng nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên hiện nay việc điều trị đang khó khăn dần do tình trạng kháng thuốc của lậu cầu.
Dưới đây là hướng dẫn điều trị của WHO:
Nhiễm lậu cầu sinh dục và hậu môn trực tràng:
- Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Cefixime 400 mg đường uống cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Điều trị bằng thuốc đơn (dựa trên dữ liệu kháng thuốc tại địa phương gần đây xác nhận tính mẫn cảm với thuốc của vi khuẩn): Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một liều duy nhất; cefixime 400 mg đường uống một liều duy nhất; spectinomycin 2 g tiêm bắp một liều duy nhất.
Nhiễm lậu cầu miệng – hầu:
- Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một liều duy nhất cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Cefixime 400 mg đường uống một liều duy nhất cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Điều trị bằng thuốc đơn (dựa trên dữ liệu kháng thuốc tại địa phương gần đây xác nhận tính mẫn cảm với thuốc của vi khuẩn): Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một liều duy nhất.
Điều trị lần hai sau khi thất bại trong điều trị lần đầu:
- Ceftriaxone 500 mg tiêm bắp một liều duy nhất cộng với azithromycin 2 g đường uống một liều duy nhất.
- Cefixime 800 mg đường uống một liều duy nhất cộng với azithromycin 2 g đường uống một liều duy nhất.
- Gentamicin 240 mg tiêm bắp một liều duy nhất cộng với azithromycin 2 g PO đường uống một liều duy nhất.
- Spectinomycin 2 g tiêm bắp (nếu không phải là nhiễm trùng vòm họng) một liều duy nhất cộng với azithromycin 2 g đường uống một liều duy nhất.
Viêm kết mạc do lậu cầu ở trẻ sơ sinh:
- Ceftriaxone 50 mg/kg (tối đa 150 mg) tiêm bắp một liều duy nhất.
- Kanamycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg) tiêm bắp một liều duy nhất
- Spectinomycin 25 mg/kg (tối đa 75 mg) tiêm bắp một liều duy nhất.
Để dự phòng tại mắt, sử dụng một các kháng sinh tại chỗ sau đây:
- Tetracycline hydrochloride thuốc mỡ tra mắt 1%.
- Erythromycin 0.5% thuốc mỡ tra mắt.
- Povidone iodine dung dịch 2.5%.
- Dung dịch bạc nitrat 1%.
- Cloramphenicol 1% thuốc mỡ tra mắt.
Hướng dẫn điều trị của CDC:
- Nhiễm lậu cầu không biến chứng ở niệu đạo, cổ tử cung, hầu họng và trực tràng: Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một liều duy nhất cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Viêm kết mạc do nhiễm lậu cầu: Ceftriaxone 250 mg tiêm bắp một liều duy nhất cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Nhiễm lậu cầu lan tỏa với viêm khớp và / hoặc viêm da: Ceftriaxone 1 g tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi 24 giờ cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
- Viêm màng não và viêm nội tâm mạc do lậu cầu: Ceftriaxone 1-2 g tĩnh mạch mỗi 12-24 giờ cộng với azithromycin 1 g đường uống một liều duy nhất.
Dự phòng bệnh lậu
Bao cao su latex khi được sử dụng một cách chính xác có thể làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh lậu. Cách chắc chắn nhất để tránh lây truyền bệnh lậu hoặc STDs khác là kiêng quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng (khó áp dụng), hoặc dễ áp dụng hơn là trong mối quan hệ một vợ một chồng lâu dài với một đối tác đã được thử nghiệm và được biết là không bị nhiễm bệnh.