Nội dung chính
Tác giả: Lê Thị Thùy Dung – SV Dược năm 4 – Đại học HUTECH.
Thuốc lá điện tử dường như được coi là một giải pháp thay thế an toàn cho thuốc lá thông thường, đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp thuốc lá những thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự an toàn của việc sử dụng thuốc lá điện tử đối với hỗ trợ cai thuốc lá vẫn còn gây tranh cãi. Về cơ bản cấu tạo của thuốc lá điện tử bao gồm một khoang chứa đầy chất lỏng điện tử (e-liquid), bộ phận làm nóng, đốt chất lỏng điện tử, ống ngậm và pin sạc. Chất lỏng điện tử thường là chất giữ ẩm hoặc hương liệu, có hoặc không có nicotine. Khí tạo ra từ thuốc lá điện tử cung cấp một cảm giác tương tự như hút thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, đã có báo cáo rằng quá trình gia nhiệt đã tạo ra các hợp chất phân hủy và có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng lẫn người xung quanh.
Ảnh hưởng của khói thuốc lá điện tử so với thuốc lá thông thường
Một trong những nghiên cứu đầu tiên ở người đã được thực hiện ở 9 tình nguyện viên tiêu thụ thuốc lá điện tử có hoặc không có nicotine, điều kiện thử nghiệm là trong phòng thoáng trong 2 giờ. Họ đã phân tích nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí trong phòng thử nghiệm bao gồm nồng độ của khí nitric oxide (NO) thở ra, carbon monoxide (CO), sự mất cân bằng oxy hóa. Kết quả cho thấy nicotine trong thuốc lá điện tử làm tăng khí NO thở ra và gây viêm đường thở. Tuy nhiên, không có sự khác nhau về nồng độ CO, sự mất cân bằng oxy hóa trước và sau khi sử dụng thuốc lá điện tử[1]. Một nghiên cứu khác đã phát hiện nồng độ chất chuyển hóa của các hợp chất nguy hại bao gồm benzen, ethylene oxide, acrylonitrile, acrolein và acrylamide trong nước tiểu ở người sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn đáng kể so với những người không hút thuốc [2].
Hàm lượng nicotine
Gần đây đã có báo cáo so sánh về nồng độ nicotine trong huyết thanh giữa việc tiêu thụ thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Những người tham gia đã sử dụng hít 1 hơi thuốc lá điện tử với ít nhất 12 mg/mL nicotine hoặc một điếu thuốc lá thông thường, hành động được lặp lại cứ sau 20 giây và tiến hành trong vòng 10 phút. Kết quả cho thấy nồng độ nicotine trong huyết thanh ở nhóm sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn so với nhóm thuốc lá điện tử (25,9 ± 16,7 ng/mL so với 11,5 ± 9,8 ng/mL) [3]. Một nghiên cứu khác đã so sánh tác động liên quan đến hàm lượng nicotine của thuốc lá thông thường so với thuốc lá điện tử ở những người hút thuốc và không hút thuốc. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về hai dấu hiệu tăng mất cân bằng oxy hóa và giảm thở ra khí NO giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian ngắn ở những người hút thuốc khỏe mạnh dẫn đến suy giảm rõ rệt chức năng nội mô và tăng sự cứng mạch. Một điều đáng lưu ý nữa, liều nicotine gây chết cho một người lớn được ước tính là 30–60 mg. Khi chất lỏng điện tử không được bán trong các hộp đựng an toàn cho trẻ em, làm tăng nguy cơ tràn ra, nuốt phải hoặc hít vào dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.
Ảnh hưởng của chất lỏng điện tử
Các thành phần chính và phổ biến nhất của chất lỏng điện tử là PG hoặc 1,2-propanediol và glycerol hoặc glycerine (propan-1,2,3-triol). Liên quan đến độc tính, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng PG có thể gây kích ứng đường hô hấp và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn, cả PG và glycerol từ thuốc lá điện tử khi đạt đến nồng độ đủ cao có thể gây kích ứng đường thở.
Ngoài PG và glycerol là thành phần chính của chất lỏng điện tử, các thành phần khác đã được phát hiện. Trong một nghiên cứu, acrolein được tìm thấy trong 11 trong số 12 loại thuốc lá điện tử được thử nghiệm, với phạm vi hàm lượng khoảng 0,07–4,19 μg trên mỗi đơn vị thuốc lá điện tử. Trong cùng một nghiên cứu, cả formaldehyde và acetaldehyde cũng được phát hiện trong tất cả các bình xịt được thử nghiệm, với hàm lượng lần lượt là 0,2–5,61 μg và 0,11–1,36 μg trên mỗi đơn vị thuốc lá điện tử [4].
Tác động của các hợp chất tạo hương vị
Phạm vi của hương vị chất lỏng điện tử có sẵn được sử dụng rất rộng rãi và thu hút được những người hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, tác động lâu dài của các hóa chất tạo hương vị này vẫn chưa được biết đến, chúng thường không được ghi trên nhãn sản phẩm và không đảm bảo an toàn vì chúng có thể chứa các đặc tính độc hại tiềm ẩn.
Thuốc lá điện tử có được sử dụng như một công cụ cai thuốc lá ?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thuốc lá điện tử KHÔNG THỂ ĐƯỢC COI là một phương pháp khả thi để hỗ trợ cai thuốc lá do thiếu bằng chứng. Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên được công bố gần đây với 886 người tham gia cho thấy tỷ lệ kiêng thuốc ở nhóm sử dụng thuốc lá điện tử cao gấp đôi so với nhóm sử dụng thay thế nicotine (18,0% so với 9,9%) sau 1 năm. Tuy nhiên, tỷ lệ gây kích ứng cổ họng và miệng ở nhóm hút thuốc lá điện tử cao hơn so với nhóm thay thế nicotine (tương ứng là 65,3% so với 51,2%)[5]. Mặt khác, một nghiên cứu cho rằng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có liên quan đến thói quen hút thuốc (khoảng 15 đến 20% người hút thuốc phát triển COPD) [6], việc cai thuốc lá là bắt buộc ở những người mắc COPD hút thuốc lá. Dữ liệu được công bố cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá thông thường giảm rõ ràng ở những người mắc COPD hút thuốc lá chuyển sang thuốc lá điện tử [6]. Quan sát thấy sự giảm đáng kể các đợt cấp, do đó khả năng thực hiện các hoạt động thể chất được cải thiện khi dữ liệu được so sánh với những người COPD không hút thuốc lá , tuy nhiên cần phải theo dõi lâu hơn những bệnh nhân COPD này. Dựa trên các tài liệu hiện tại, có một số yếu tố đã dẫn đến sự thành công của việc sử dụng thuốc lá điện tử như một công cụ cai thuốc lá phải kể đến. Một số hương vị thuốc lá điện tử ảnh hưởng tích cực đến kết quả cai thuốc Ở NHỮNG NGƯỜI HÚT THUỐC [7]. Và thuốc lá điện tử đã được mô tả là chỉ cải thiện tỷ lệ cai thuốc ở những người nghiện hút thuốc chứ không phải ở những người hút thuốc thông thường, qua đó cho thấy mức độ phụ thuộc nicotine của từng cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này [8].
Kết luận
Dựa trên các nghiên cứu đã thực hiện cho đến nay, có vẻ như tiêu thụ thuốc lá điện tử ít độc hại hơn so với hút thuốc lá thông thường. Nhưng điều này không có nghĩa là thuốc lá điện tử không nguy hiểm bởi những yếu tố vừa kể trên. Ngoài những tác động lâu dài chưa được biết đến của chúng đối với sức khỏe con người, danh sách các hương vị hấp dẫn có sẵn dường như thu hút những “người chưa bao giờ hút thuốc” mới là điều đáng lo ngại, đặc biệt là đối với những người dùng trẻ tuổi. Thêm nữa, vẫn còn thiếu bằng chứng về việc sử dụng thuốc lá điện tử như một phương pháp cai thuốc lá.
Tài liệu tham khảo
1. Schober W., Szendrei K., Matzen W., et al. (2014). Use of electronic cigarettes (e-cigarettes) impairs indoor air quality and increases FeNO levels of e-cigarette consumers. Int J Hyg Environ Health, 217(6), 628–637.
2. Rubinstein M.L., Delucchi K., Benowitz N.L., et al. (2018). Adolescent Exposure to Toxic Volatile Organic Chemicals From E-Cigarettes. Pediatrics, 141(4), e20173557.
3. Farsalinos K.E., Romagna G., Tsiapras D., et al. (2013). Evaluation of electronic cigarette use (vaping) topography and estimation of liquid consumption: implications for research protocol standards definition and for public health authorities’ regulation. Int J Environ Res Public Health, 10(6), 2500–2514.
4. Goniewicz M.L., Knysak J., Gawron M., et al. (2014). Levels of selected carcinogens and toxicants in vapour from electronic cigarettes. Tob Control, 23(2), 133–139.
5. Hajek P., Phillips-Waller A., Przulj D., et al. (2019). A Randomized Trial of E-Cigarettes versus Nicotine-Replacement Therapy. N Engl J Med, 380(7), 629–637.
6. Polosa R., Morjaria J.B., Caponnetto P., et al. (2016). Evidence for harm reduction in COPD smokers who switch to electronic cigarettes. Respir Res, 17(1), 166.
7. Litt M.D., Duffy V., and Oncken C. (2016). Cigarette smoking and electronic cigarette vaping patterns as a function of e-cigarette flavourings. Tob Control, 25(Suppl 2), ii67–ii72.
8. Selya A.S., Dierker L., Rose J.S., et al. (2018). The Role of Nicotine Dependence in E-Cigarettes’ Potential for Smoking Reduction. Nicotine Tob Res, 20(10), 1272–1277.
9. Marques P., Piqueras L., and Sanz M.-J. (2021). An updated overview of e-cigarette impact on human health. Respiratory Research, 22(1), 151.