Bệnh lao phổi

(0 / 0)

Hiện nay bệnh lao phổi không còn phổ biến như ngày xưa nữa nhưng lại đang đối đầu với rất nhiều thách thức vì sự kháng thuốc của trực khuẩn lao. Ở bài này https://songkhoemoingay.com xin trả lời một số câu hỏi của mọi người như: Lao phổi là gì? Triệu chứng bệnh lao phổi? Lao phổi có lây không?… Dưới đây là thông tin chi tiết.

Bệnh lao phổi là gì?

Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (trực khuẩn Koch, Mycobacterium tuberculosis) gây ra. Bệnh hay gặp nhất ở phổi và khi đó được gọi là lao phổi. Ngoài ra bệnh cũng có thể gặp ở những cơ quan khác như màng phổi, màng não, thận, xương… gọi là thể lao màng phổi, lao màng não, lao thận, lao xương… 90% những bệnh nhân mắc bệnh lao là ở thể tiềm ẩn, không thể hiện triệu chứng. Chỉ 10% bệnh nhân tiến triển thành lao hoạt động, và trong trường hợp này thì điều trị là bắt buộc.

Tình hình mắc bệnh lao trên thế giới
Hình ảnh: Tình hình mắc bệnh lao trên thế giới

Dịch tễ: Hiện tại khoảng ¼ dân số thế giới nhiễm lao. Năm 2017, theo số liệu của WHO có hơn 10 triệu người mắc lao thể hoạt động, bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.6 triệu người. Trong đó, số bệnh nhân tử vong tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển.

Tỉ lệ mắc lao phổi mới tại Việt Nam vào khoảng 145/100,000 dân (theo Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam), thuộc top 22 nước có tỉ lệ mắc lao cao nhất thế giới.

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi

Nguyên nhân gây bệnh được xác định là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, còn được gọi là trực khuẩn Koch do vi khuẩn này lần đầu tiên được phát hiện bởi Robert Koch (11/12/1843 – 27/5/1910) năm 1882. Đây là vi khuẩn thuộc loại kháng cồn và acid (AFB) nên không dùng phương pháp nhuộm gram thông thường để phát hiện mà người ta dùng kĩ thuật nhuộm Ziehl – Neelsen (vi khuẩn bắt màu đỏ).

Trực khuẩn lao được chụp bằng kính hiển vi điện tử
Ảnh: Trực khuẩn lao được chụp bằng kính hiển vi điện tử.

Đây là một loại trực khuẩn hiểu khí, không vỏ, không lông, không sinh nha bào, có thể tồn tại trong điều kiện tự nhiên từ 3-4 tháng. Phân chia rất chậm (khoảng 15-22 giờ mới nhân đôi một lần). Nuôi cấy vi khuẩn là cực kì khó khăn.

Cấu trúc thành vi khuẩn rất đặc biệt: màng ngoài kị nước, chứa acid mycolic và nhiều lipid, vì vậy vi khuẩn có thể tồn tại lâu trong cơ thể cũng như ngoài môi trường, chống lại được đề kháng tự nhiên của cơ thể và một số kháng sinh thông thường.

Ngoài M.tuberculosis, còn một số chủng vi khuẩn gây bệnh lao khác: M.bovis, M.canetti, M.africanum, M.microti. Tuy nhiên các chủng này hiện nay ít phổ biến.

Hiệp hội Chống lao quốc tế sử dụng kí hiệu AFB cho tất cả các vi khuẩn thuộc họ Mycobacteria. AFB (+) khi nhuộm Ziehl – Neelsen thấy trực khuẩn bắt màu đỏ.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh: Bao gồm HIV/AIDS, tiêm chích ma túy, suy dinh dưỡng, bệnh phổi mạn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu, đái tháo đường, một số thuốc khác như thuốc ức chế miễn dịch…

Một số yếu tố xã hội có thể kể đến đó là tình trạng di dân từ nơi có tỉ lệ mắc bệnh cao đến nơi có tỉ lệ mắc bệnh thấp, sự bùng nổ dân số, thiếu sự quan tâm của chính phủ và nhà nước, hoạt động của chương trình chống lao quốc gia kém hiệu quả, đặc biệt là sự gia tăng tỉ lệ các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc.

Bệnh lao phổi có lây không?

Lao phổi lây qua đường hô hấp
Hình ảnh: Lao phổi lây qua đường hô hấp

Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan dễ dàng. Nguồn lây là những bệnh nhân đang mắc bệnh lao. Trực khuẩn lao từ nguồn lây được thải vào không khí qua đường ho, khạc nhổ và lây nhiễm cho người lành.

Lao màng phổi có lây không?

Lao màng phổi thì lại khác với lao phổi, bệnh lại không lây qua đường hô hấp như lao phổi thông thường nếu chỉ mắc đơn thuần. Bệnh chỉ lây qua đường hô hấp nếu có sự kết hợp với lao phổi.

Một số thể lâm sàng

Lao sơ nhiễm: Hay gặp ở trẻ em, tổn thương tiên phát ở phổi, thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện như viêm phổi không điển hình. Tổn thương phổi là các nốt ở phổi kèm hạch rốn phổi to ra, có thể tự khỏi hoặc xuất hiện các thể lao khác: lao kê, lao màng não…

Lao kê: Tổn thương do vi khuẩn lao lan tràn rộng theo mạch máu. Tổn thương phổi là những nốt nhỏ mịn, phân bố khắp hai bên phổi.

X quang phổi của bệnh nhân bị lao kê
Hình ảnh: X quang phổi của bệnh nhân bị lao kê

Lao màng não: Gặp sau nhiễm lao tiên phát, vi khuẩn theo mạch máu đến gây tổn thương ở màng não và não. Tiên lượng xấu, để lại di chứng.

Lao ở bệnh nhân nhiễm HIV: Lao là nhiễm trùng cơ hội phổ biến ở người nhiễm HIV. Tổn thương thường không điển hình: thâm nhiễm nhỏ lan tỏa, kiểu viêm phổi, thường có tràn dịch màng phổi, khi miễn dịch yếu phản ứng Mantoux thường âm tính.

Chẩn đoán lao phổi

Xét nghiệm có giá trị nhất là tìm vi khuẩn lao trong đờm: Nhuộm soi trực tiếp theo phương pháp Ziehl – Neelsen, mỗi bệnh nhân 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Nếu kết quả AFB (+) hoặc nuôi cấy trong môi trường Loeweinstein – Jensen có khuẩn lạc mọc thì chấn đoán xác định là mắc bệnh lao. Tuy nhiên nếu các kết quả xét nghiệm là âm tính thì cũng chưa loại trừ bệnh lao.

Kĩ thuật sinh học phân tử (PCR, Real time PCR, DNA fingerprinting, MGIT): độ nhạy và đặc hiệu cao nhưng kĩ thuật và giá thành cao.

Phản ứng Mantoux: Thường dương tính, trừ trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

X-quang: Được sử dụng phối hợp trong chẩn đoán lao phổi (độ nhạy cao nhưng đặc hiệu không cao).

Triệu chứng lao phổi

Lâm sàng:

Lâm sàng dưới đây chính là những biểu hiện, dấu hiệu của lao phổi:

Bệnh nhân lao phổi ho ra máu
Hình ảnh minh họa: Bệnh nhân lao phổi ho ra máu
  • Gầy sút, chán ăn, mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều về đêm, sốt nhẹ kéo dài về chiều.
  • Ho kéo dài, ho khan hoặc có đờm.
  • Ho ra máu: có thể ít máu lẫn đờm, cũng có thể nhiều máu dữ dội.
  • Đau âm ỉ vùng ngực tổn thương.
  • Khó thở, đặc biệt khi mắc bệnh lâu, tổn thương phổi rộng.
  • Khám phổi: Có thể không có gì đặc biệt hoặc rale nổ rải rác.

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu: Số lượng và tỉ lệ bạch cầu lympho tăng, tốc độ máu lắng tăng.
  • Phản ứng Mantoux thường dương tính, nhưng có thể âm tính trong một số trường hợp suy giảm miễn dịch.
  • Đờm: Xét nghiệm thường tìm thấy vi khuẩn lao.

Tổn thương trên X-quang phổi:

Tổn thương phổi
Hình ảnh: Tổn thương phổi ở bệnh nhân mắc bệnh lao
  • Có thể là một dạng hay nhiều dạng phối hợp. Vị trí tổn thương bất kì nhưng hay gặp ở phía trên phổi.
  • Nốt: bóng mờ nhỏ, đa dạng về hình dạng, kích thước, số lượng, độ đậm, độ tập trung.
  • Đám thâm nhiễm: do các nốt tập hợp lại.
  • Hang lao: là hình sáng được giới hạn bởi các bờ cản quang.
  • U lao: hình mờ đậm tròn, bờ rõ, kích thước 3-4 cm.
  • Nốt vôi hóa: rất đậm, đường kính 2-5 mm, hay gặp ở đỉnh phổi.
  • Đường mờ (hay dải xơ) thẳng hoặc cong, thường xiên xuống dưới và vào trong.

Ảnh: Hình ảnh X-quang lao phổi ở bệnh nhân mắc lao tiến triển: Các tổn thương ở hình tam giác trắng và hình ảnh hang lao được đánh dấu bằng mũi tên đen.

Điều trị lao phổi

Bệnh lao phổi có chữa được không?

Bệnh lao phổi nói riêng và nhiều loại lao khác nói chung có thể chữa khỏi nếu tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị chuẩn.

Nguyên tắc điều trị:

  • Phổi hợp thuốc: ít nhất 3 thuốc trong giai đoạn tấn công, 2-3 thuốc trong giai đoạn duy trì.
  • Dùng thuốc đúng liều: không cao quá, không thấp quá.
  • Dùng thuốc đều đặn: cùng lúc, cùng một giờ trong ngày, tránh xa bữa ăn.
  • Dùng thuốc đủ thời gian: Ít nhất 8 tháng trở lên, gồm hai giai đoạn tấn công và duy trì.
  • Có kiểm soát: theo dõi thường xuyên, xử trí kịp thời các tai biến, tác dụng phụ.

Phác đồ điều trị lao theo Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam:

Kí hiệu các thuốc điều trị lao nhóm 1: Isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), ethambutol (E), streptomycin (S).

5 thuốc trong phác đồ điều trị lao
Hình ảnh: 5 thuốc trong phác đồ điều trị lao

Lao mới: 2SHRZ/6HE

  • 2 tháng đầu điều trị tấn công bằng 4 thuốc S, H, R và Z. 6 tháng sau điều trị duy trì bằng H và E.
  • Phác đồ sử dụng cho tất cả bệnh nhân điều trị lao lần đầu.
  • Nếu sau 2 tháng điều trị tấn công, AFB (+) thì dùng thêm 1 tháng H, R và Z trước khi chuyển sang điều trị duy trì. Nếu tháng thứ 5 mà vẫn có AFB (+), chuyển sang phác đồ điều trị lại.
  • Lao phổi nặng, lao kê, lao màng não… nặng hơn thì kéo dài thời gian điều trị tùy mức độ bệnh.

Lao điều trị lại: 2SHRZE/1HRZE/5H3R3E3

  • 2 tháng đầu điều trị bằng cả 5 thuốc, 1 tháng tiếp điều trị bằng H, R, Z và E, 5 tháng sau đó điều trị bằng H, R và E mỗi tuần 3 lần.
  • Phác đồ sử dụng cho điều trị lao mới thất bại hoặc lao tái phát.

Lao trẻ em: 2HRZ/4HR

  • 2 tháng đầu điều trị bằng 3 thuốc H, R và Z, 4 tháng sau điều trị bằng R và H.
  • Lao màng não, lao kê… thì dùng thêm S trong 2 tháng đầu.
  • Áp dụng cho mọi loại lao trẻ em.

Phác đồ điều trị lao theo Bộ Y tế 2018

(Các kí hiệu cũng như cách diễn đạt tương tự như trên)

  • Lao bệnh nhân trưởng thành, không kháng thuốc: 2HRZE/4HRE.
  • Lao trẻ em, không kháng thuốc: 2HRZE/4HR.
  • Lao màng não, lao hạch, lao xương bệnh nhân trưởng thành: 2HRZE/10HRE. Có thể dùng S thay thế E trong 2 tháng đầu tấn công.
  • Lao màng não, lao hạch, lao xương trẻ em: 2HRZE/10RH. Có thể dùng S thay thế E trong 2 tháng đầu tấn công.

Chú ý: Với trường hợp lao kháng thuốc việc điều trị rất phức tạp nên không đưa vào bài viết này.

Điều trị lao phổi tại nhà

Bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà, miễn là bệnh không có các tổn thương hay biến chứng quá nặng. Cần tuân thủ chặt chẽ yêu cầu của cán bộ y tế về điều trị tại nhà để đảm bảo khỏi bệnh và không lây bệnh cho người khác.

Uống thuốc chống lao gây mệt mỏi?

Các thuốc điều trị lao nhìn chung có nhiều tác dụng phụ. Đặc biệt là tác dụng phụ trên gan nổi bật làm bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, vàng da… Thuốc còn có nhiều tác dụng phụ trên thận, thính giác, thị giác, xương khớp… Tuy nhiên cần phải hiểu rằng lợi ích là vượt trội hơn nguy cơ trong trường hợp này và bệnh nhân cần phải tuân thủ điều trị tuyệt đối, trừ khi các tác dụng phụ ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe người bệnh.

Phòng bệnh lao phổi

Cắt đứt nguồn lây:

Chữa khỏi bệnh lao cho bệnh nhân.

Giáo dục bệnh nhân giữ gìn vệ sinh, không khạc nhổ bừa bãi.

Phòng bệnh đặc hiệu:

Vắc xin BCG
Hình ảnh: Vắc xin BCG

Tiêm vaccin phòng lao BCG cho trẻ em.

Giá trị bảo vệ trong 5-10 năm và chỉ làm chậm lại sự lan tràn của thể lao trong cơ thể.

Phòng bệnh không đặc hiệu:

Nâng cao đề kháng: Điều chỉnh chế độ làm việc, nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lí, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Dự phòng lao bằng thuốc chống lao:

Isoniazid (H) được sử dụng để dự phòng lao ở bệnh nhân nhiễm HIV.

Tại Việt Nam, dự phòng lao bằng H chỉ áp dụng cho bênh nhân nhiễm HIV có giảm số lượng bạch cầu.