Lincosamid

(0 / 0)

Hiện nay tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh penicillin sảy ra rất nhiều trên lâm sàng. Đây là vấn đề rất nhức nhối cho các bác sĩ trong điều trị cho những bệnh nhân nhiễm khuẩn. Khi sảy ra trường hợp kháng kháng sinh penicillin bác sĩ sẽ ra quyết định chọn một nhóm kháng sinh khác để thay thế. Bài viết này https://songkhoemoingay.com xin giới thiệu với các bạn nhóm kháng sinh Lincosamid – Một trong những kháng sinh thay thế kháng sinh penicillin trong điều trị lâm sàng.

Tổng quan về Lincosamid

Lincosamid là một nhóm kháng sinh không phổ biến lắm trên lâm sàng hiện nay. Hiện tại nhóm này chỉ có hai kháng sinh đang được sử dụng trên người, đó là lincomycin và clindamycin, trong đó lincomycin là kháng sinh tự nhiên, còn clindamycin là kháng sinh bán tổng hợp từ lincomycin.

Lincomycin được phân lập năm 1962 từ vi khuẩn Streptomyces lincolnensis, tại một vùng đất gần Lincoln, Nebraska. Nó có nhiều đặc tính sinh học tương tự erythromycin, tuy vậy về mặt hóa học nó lại không liên quan gì cả. Lincomycin có cấu trúc amid, được tạo ra giữa một acid amin và một đường amin. Sửa đổi công thức hóa học, thay nhóm –OH ở vị trí C7 thành nhóm –Cl, đồng thời quay ngược cấu hình, ta thu được clindamycin – được giới thiệu năm 1966.

lincomycin và clindamycin
Ảnh: Công thức cấu tạo lincomycin và clindamycin.

Phổ kháng khuẩn

Lincomycin: Phổ tác dụng trên vi khuẩn gram(+) ưa khí (Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus, Corynebacterium diphtheriae, Bacillus anthracis), vi khuẩn kị khí (Eubacterium, Peptococcus, Clostridium perfringens, Clostridium tetani, Peptostreptococcus, Propionibacterium), không tác dụng trên Clostridium difficile.

P.carinii
Ảnh: Nấm P.carinii

Clindamycin: Phổ kháng khuẩn tương tự lincomycin nhưng có sự mở rộng hơn đối với: Chlamydia trachomatis, Toxoplasma gondii, Pneumocystis carinii, Plasmodium falciparum, Gardnerella vaginalis.

Cơ chế tác dụng

Cơ chế của các lincosamid tương tự như các macrolid và streptogramin B. Nó tác động vào tiểu phần 50S của ribosom vi khuẩn, ngăn cản không cho hình thành liên kết peptid giữa acid amin đang gắn với tARN với acid amin cuối cùng của chuỗi polypeptid đang được nối dài.

Vị trí tác dụng của lincosamid
Ảnh: Vị trí tác dụng của lincosamid (cụ thể ở đây là clindamycin).

Đây là nhóm kháng sinh kìm khuẩn ở nồng độ thấp nhưng diệt khuẩn ở nồng độ cao (tương tự macrolid).

Tham khảo thêm: Cơ chế tác dụng của các các kháng sinh nhóm cephalosporin

Tác dụng

Lincomycin: Điều trị các nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm: Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus ở những bệnh nhân dị ứng penicillin, bệnh bạch hầu, bệnh than, uốn ván, nhiễm khuẩn phụ khoa, nhiễm khuẩn huyết, áp xe phổi, mụn nhọt có biến chứng, viêm phúc mạc thứ phát, nhiễm khuẩn do vi khuẩn kị khí. Nhiễm khuẩn ở các vị trí kháng sinh thông thường khó tới như viêm cốt tủy, viêm xương.

X-quang phổi ở bệnh nhân nhiễm P.carinii
Ảnh: X-quang phổi ở bệnh nhân nhiễm P.carinii.

Clindamycin: Điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm (chỉ khi bệnh nhân dị ứng penicillin hoặc vi khuẩn kháng penicillin): S.aureus, B.fragilis… dự phòng viêm nội tâm mạc hoặc cấy ghép trong phẫu thuật, áp xe phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp nặng do các vi khuẩn kỵ khí, Streptococcus, Staphylococcus, và Pneumococcus, viêm phúc mạc, áp xe ổ bụng, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn vùng chậu hông và sinh dục, trứng cá, hoại thư sinh hơi, một số nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch…

Tác dụng phụ

Nội soi viêm đại tràng giả mạc do C.difficile
Ảnh: Nội soi viêm đại tràng giả mạc do C.difficile.
  • Hay gặp: Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng…).
  • Ít gặp: Viêm tắc tĩnh mạch sau tiêm tĩnh mạch, phản ứng tại chỗ sau tiêm bắp. Phản ứng dị ứng (phát ban, nổi mày đay, ngứa, phù mạch…).
  • Hiếm gặp: Sốc phản vệ, tằng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu đa nhân trung tính (có hồi phục), viêm đại tràng giả mạc do difficile (nguy cơ khi dùng clindamycin cao hơn lincomycin), viêm thực quản, tăng men gan, bội nhiễm nấm, hội chứng Stevens-Johnson, rối loạn chức năng thận…

Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn

  • Methyl hóa ribosom: Sự tồn tại của methyltransferase trong rARN 23S, ngăn chặn sự gắn kết của lincosamid, macrolid và streptogramin B với tiểu phần 50S. Họ gen chịu trách nhiệm mã hóa các methyltransferase gọi là “erm” (erythromycin ribosome methylase). Cho đến nay gần 40 gen erm đã được báo cáo, nằm trên các plasmid và gen nhảy là chủ yếu.
  • Bơm tống thuốc (Efflux Bump): Bơm kháng sinh ra ngoài tế bào trước khi nó kịp kết hợp với tiểu phần 50S.
Bơm tống lincosamid
Ảnh: Bơm tống lincosamid.
  • Biến đổi kháng sinh: Một số chủng aureus được phân lập có enzym Lincosamid nucleotransferase đã được báo cáo. Các gen lnuA và lnuB tạo ra đề kháng với lincomycin (không phải là clindamycin, tuy nhiên có thể hạn chế hoạt động của clindamycin). Kiểu đề kháng này hiếm ở S.aureus, nhưng khá phổ biến ở những chủng vi khuẩn khác.

Tương tác thuốc

  • Natri cyclamat: giảm hấp thu lincomycin và clindamycin.
  • Thuốc chống tiêu chảy chứa kaolin: giảm hấp thu lincomycin và clindamycin.
  • Các thuốc tránh thai đường uống: dùng đồng thời có thể bị giảm tác dụng tránh thai.
  • Các kháng sinh macrolid, streptogramin: dùng đồng thời sẽ gây ra tác dụng đối kháng do chúng có chung đích tác dụng.
  • Thuốc giảm nhu động ruột (diphenoxylat, loperamid, các opiat): không dùng khi bị viêm đại tràng giả mạc do chúng làm chậm thải độc tố của difficile.

Tham khảo thêm:

Vấn đề kháng kháng sinh hay dùng nhất hiện nay

Tổng quan về kháng sinh và nguyên tắc sử dụng kháng sinh