Nhóm kháng sinh Penicillin: Cơ chế tác dụng, phổ tác dụng, tác dụng phụ

(0 / 0)

Ở các bài trước songkhoemoingay.com đã giới thiệu với các bạn tổng quan các nhóm kháng sinh như cepalosporin, aminosid, tetracylin, quinolon, macrolid. Bài viết này xin giới thiệu với các bạn nhóm kháng sinh đầu tiên trong lịch sử loài người phát hiện ra – Nhóm kháng sinh penicillin

Lịch sử nghiên cứu và phát triển

Penicillin là một nhóm kháng sinh thuộc họ β-lactam. Việc phát hiện ra penicillin (penicillin đầu tiên là penicillin G, hay benzylpenicillin) là một trong những cột mốc vĩ đại nhất của y học hiện đại.

Penicillin G
Ảnh: Công thức cấu tạo Penicillin G.

Năm 1928, sau khi trở về từ kỳ nghỉ, Alexander Fleming, một nhà vi khuẩn học làm việc tại bệnh viện St. Mary ở London, nhận thấy rằng một trong những đĩa petri của ông có chứa Staphylococci mà ông để lại trên băng ghế đã bị nhiễm bẩn. Ông quan sát thấy một chất được tiết ra từ nấm đang ảnh hưởng đến sự phát triển của vi khuẩn gần đó. Loại nấm này là Penicillium notatum và phân tử kháng khuẩn mà nó tạo ra được đặt tên là penicillin. Tuy nhiên ông chưa thể chiết tách được penicillin từ Penicillium. Năm 1939, Howard Florey đang nghiên cứu về lysozyme và khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Cùng với Ernst Chain, một nhà hóa học trong phòng thí nghiệm, Florey đã quan tâm đến quan sát của Fleming về khả năng kháng khuẩn của Penicillium. Chain và Florey đã đề nghị được hợp tác với Fleming để tiếp tục nghiên cứu về penicillin. Hợp tác mạng lại thành công, tháng 8/1940, báo cáo được công bố trên tập san khoa học Lancet.

Hai bệnh nhân đầu tiên sử dụng penicillin đều mang lại kết quả không mong đợi. Bệnh nhân đầu tiên là một nữ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ngay sau khi được tiêm penicillin, cô bị sốt nghiêm trọng, nguyên nhân là do tạp chất có nguồn gốc pyrogenic có trong hỗn hợp penicillin. Bệnh nhân thứ hai là một cảnh sát tại Bệnh xá Radcliffe bị nhiễm tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn nặng. Penicillin khó sản xuất đến nỗi người ta phải lấy lại nước tiểu của bệnh nhân để tái chiết xuất penicillin. Nhưng cuối cùng cả hai đều không qua khỏi. Một loạt các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo được tiến hành từ năm 1941 đến 1942 trên 170 bệnh nhân. Kết quả đã chứng minh tác dụng vượt trội của penicillin trong việc chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.

Các thử nghiệm đầu tiên về penicillin trong bối cảnh chiến tranh đã được Florey tiến hành tại các bệnh viện quân đội ở Bắc Phi vào năm 1942 và cho thấy penicillin có hiệu quả khi được sử dụng trên cả vết thương mới và đã bị nhiễm trùng. Chẳng mấy chốc, những nỗ lực hợp tác giữa chính phủ, các ngành công nghiệp và các nhà khoa học Anh và Mỹ đã giúp cung cấp đủ penicillin trong năm 1944, khi quân đội Đồng minh đổ bộ vào Pháp. Sau chiến tranh, đến năm 1946, penicillin đã được phổ biến rộng rãi trong kê đơn.

Năm 1945, Fleming, Florey và Chain đã được trao giải thưởng Nobel cho phát hiện ra penicillin và tác dụng điều trị của nó trong các bệnh nhiễm khuẩn khác nhau.

Chân dung ba nhà khoa học đạt giải Nobel y học năm 1945
Ảnh: Chân dung ba nhà khoa học đạt giải Nobel y học năm 1945.

Trong vài chục năm tiếp theo, các penicillin mới liên tục được phát triển nhằm cải thiện khả năng kháng acid dạ dày, khả năng kháng men β-lactamase, mở rộng phổ tác dụng về phía vi khuẩn gram(-). Có thể kể ra các dại diện: methicillin (1959, hiện nay đã ngừng sử dụng do độc tính trên thận); carbenicillin (1967); nhóm ureidopenicillin (1977).

Công thức cấu tạo tổng quát các Penicillin
Công thức cấu tạo tổng quát các Penicillin

Phân loại

Nhóm

Đặc điểm

Đại diện

I

Nguồn gốc tự nhiên, không kháng penicillinase.

Penicillin G

Penicillin V

II

Bán tổng hợp, phổ hẹp, kháng penicillinase.

Cloxacillin, Nafcillin, Dicloxacillin.

III

Bán tổng hợp, phổ rộng, không kháng penicillinase (trừ Temocillin). Có thể chia ra:

1.   Aminopenicillin.

2.   Carboxypenicillin.

3.   Ureidopenicillin.

1.   Amoxicillin, Ampicillin.

2.   Carbenicillin, Ticarcillin.

3.   Azlocillin, Piperacillin.

IV

Bán tổng hợp, phổ hẹp, nhóm Amidinopenicillin.

Mecillinam, Pivmecillinam.

Ảnh đại diện cho các biệt dược của từng nhóm:

Penicillin G Kali
Ảnh đại diện nhóm I: Biệt dược Penicillin G Kali
Biệt dược Cloxacillin
Ảnh đại diện nhóm II: Biệt dược Cloxacillin
Augmentin
Ảnh đại diện nhóm III (Aminopenicillin): Biệt dược Augmentin
Timentin
Ảnh đại diện nhóm III (Carboxypenicillin): Biệt dược Timentin
Zosyn
Ảnh đại diện nhóm III (Ureidopenicillin): Biệt dược Zosyn

 

Phổ kháng khuẩn

Nhóm I: Phổ kháng khuẩn hẹp, tác dụng tốt trên nhiều vi khuẩn gram(+) nhưng chỉ tác dụng trên một số vi khuẩn gram(-) như lậu cầu và màng não cầu.

Nhóm II: Phổ tác dụng tương tự penicillin tự nhiên của nhóm I.

Nhóm III:

  1. Aminopenicillin: Phổ rộng trên cả gram(+) và gram(-), tác dụng trên gram(+) yếu hơn penicillin G. Ampicillin có hiệu lực tốt hơn so với Amoxicillin trên SalmonellaShigella. Không tác dụng trên aeruginosa, Proteus indolBacteroides.
  2. Carboxypenicillin: Phổ rộng trên cả gram(+) và gram(-) như coli, Proteus, Enterococcus, P.aeruginosa…, kị khí Bacteroides.
  3. Ureidopenicillin: Phổ rộng, tác dụng trên aeruginosa, E.coli, H.influenzae…, kị khí Bacteroides.

Nhóm IV: Phổ kháng khuẩn hẹp chủ yếu trên vi khuẩn gram(-).

Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của các Penicillin tương tự nhóm Cephalospoprin (cơ chế chung của các β-lactam).

Tác dụng

Nhóm I: Điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên do liên cầu nhóm A, điều trị lậu, giang mai, viêm màng não do màng não cầu, bạch hầu, uốn ván, dự phòng thấp tim…

Nhóm II: Tác dụng như nhóm I nhưng có thêm điều trị tụ cầu kháng penicillin, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn da và mô mềm… do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Nhóm III:

  1. Aminopenicillin: Nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra trong: nhiễm khuẩn hô hấp trên, nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm màng trong tim, viêm màng não…
  2. Carboxypenicillin: Điều trị các nhiễm khuẩn gram(-) nặng và đa kháng, đặc biệt là do aeruginosa gây ra.
  3. Ureidopenicillin: Điều trị các nhiễm khuẩn gram(-) nặng và đa kháng, đặc biệt là do aeruginosa gây ra.

Nhóm IV: Nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm Salmonella do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

Tác dụng phụ

Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm đại tràng màng giả…

Phản ứng viêm tại vị trí tiêm.

Phản ứng dị ứng: phát ban, sốt, đau khớp, sưng cổ họng, lưỡi hoặc miệng… có thể gây sốc phản vệ hoặc dị ứng nặng do chúng gắn với protein huyết thanh tạo thành kháng nguyên, kháng nguyên kích hoạt hệ thống miễn dịch gây ra các phản ứng dị ứng (tương tự các β-lactam khác). Cần test (thử) trước khi dùng thuốc.

Khác: thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu…

Cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn

Kháng kháng sinh penicillin
Hình ảnh minh họa: Kháng kháng sinh penicillin

Cơ chế đề kháng thuốc của vi khuẩn tương tự cơ chế đề kháng của các Cephalosporin (Cơ chế chung của các β-lactam).

Tham khảo thêm: Vấn đề kháng kháng sinh hay dùng nhất hiện nay – Cephalosporin

Tương tác thuốc

Kháng sinh kìm khuẩn: Có thể gây tác dụng đối kháng do các Penicillin tác dụng tốt trên các tế bào đang nhân lên, trong khi các kháng sinh kìm khuẩn ức chế sự phát triển của các tế bào này.

Kháng sinh Aminosid: Phối hợp kinh điển tạo tác dụng hiệp đồng, tăng hiệu quả điều trị, giảm sự đề kháng thuốc. Tuy nhiên một số penicillin đường tiêm có thể là mất tác dụng của aminosid.

Có thể phối hợp các thuốc khác trong cùng nhóm penicillin với nhau nếu đích tác dụng là khác nhau.

Probenecid: Giảm sự bài tiết kháng sinh qua nước tiểu, tăng nồng độ kháng sinh trong máu.

Methotrexat: Dùng đồng thời với các Penicillin có thể giảm sự thanh thải methotrexat ra khỏi cơ thể, tăng nguy cơ nhiễm độc.

Với phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người suy thận: Tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích.

Allopurinol hoặc dẫn chất: Tăng nguy cơ phát ban da (không xác định được nguyên nhân là do allopurinol hay do acid uric máu cao).

Cholestyramin: Giảm hấp thu các penicillin đường uống (nên uống penicillin trước 2 giờ hoặc sau 4 giờ).

Thuốc tránh thai: Có thể bị giảm tác dụng tránh thai.

Atenolol: Có thể giảm khả năng hạ huyết áp và chống đau thắt ngực khi dùng chung với ampicillin.

Tham khảo thêm: Tương tác thuốc