Những kinh nghiệm cho bác sĩ khi mới ra trường đi xin việc làm

(1 / 5)

Sống Khỏe Mỗi Ngày – Chủ đề: Những kinh nghiệm cho bác sĩ khi mới ra trường đi xin việc làm.

Chia sẻ: Bác sĩ Phùng Thanh Tuyền

Quy Luật Cung – Cầu

Hỉnh ảnh quy luật cung và cầu
Hỉnh ảnh quy luật cung và cầu

Thực ra các bạn cứ chuẩn bị hồ sơ và rải khắp nơi từ Bắc vào Nam, chắc chắn sẽ có nơi phỏng vấn và nhận bạn vào làm … đừng có lo lắng quá làm gì.

Môi trường lao động luôn biến động, ngay cả một nơi làm việc dù tốt đến đâu đi chăng nữa thì vẫn luôn có những Người Xin Nghỉ Việc và phòng hành chính nhân sự luôn phải tuyển dụng người mới.

Những môi trường rất tốt, rất lớn, yêu cầu cao, nhiều người muốn nộp đơn vào thì tất nhiên hồ sơ của bạn cũng phải thật “Đẹp/ Đặc Biệt” mới có cơ hội.

Những môi trường vừa và nhỏ, yêu cầu không cao thì thường mặt bằng các hồ sơ nộp vào cũng tương đương nhau, họ thường lựa chọn thông qua đánh giá phỏng vấn.

Tuy nhiên “ nơi tuyển dụng” cũng như con người vậy, nhiều khi có hên xui, may mắn và có những đặc điểm riêng. Ví dụ như:

  • Lúc đó đang thiếu một vị trí không quá quan trọng –> đôi khi bạn không xuất sắc vẫn được nhận vào một nơi làm việc tốt.
  • Đôi khi đợt đó toàn người giỏi nộp hồ sơ –> dù hồ sơ bạn tốt cũng không được dòm ngó tới.
  • Lúc bệnh viện không có nhu cầu cần gấp nhân sự thì họ thường yêu cầu rất cao, tuy nhiên đột xuất có ai đó nghỉ việc và họ cần gấp, thì chỉ cần phỏng vấn thấy phù hợp là họ nhận.
  • Nếu Ban Giám Đốc tốt nghiệp trường ưu thì thích nhận SV trường ưu, nhưng nếu xuất phát điểm của người ta cũng từ những trường bình thường thì họ cũng tạo điều kiện cho sinh viên trường thường vào làm việc …

Tóm lại là ngoài những đặc thù và yếu tố quyết định chung thì Cung – Cầu còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà bạn không thể biết hết được đâu, cho nên dù bạn không quá giỏi, dù tốt nghiệp trường bình thường … thì nếu đủ điều kiện nộp hồ sơ bạn cứ tự tin mà nộp, biết đâu may mắn và duyên số sẽ đến với bạn.

Tất nhiên cũng phải biết mình, biết ta, nhắm đúng mục tiêu thì đỡ mất sức hơn phải không nào.

Làm Sao Biết Nơi Bạn Hướng Đến Đang Tuyển Người ?

Tốt nhất là bạn cứ đến thẳng phòng hành chính nhân sự/ phòng tổ chức cán bộ của Bệnh Viện mà hỏi cho chắc nha. Nhiều khi vừa mới có nhân viên Nghỉ Việc/ Bận / Nhiều người nộp hồ sơ nên nhân viên tuyển dụng chưa đăng thông báo tuyển dụng trên các Website bệnh viện …

Thậm chí các Bác Sĩ trong nội bộ cũng chưa biết nữa…

Nếu lúc này bạn nộp và đủ điều kiện thì cơ hội được nhận sẽ rất cao nha.

Ưu Điểm Của Bác Sĩ Mới Ra Trường

Ngoại trừ những vị trí chủ chốt và quan trọng, các Bệnh Viện đều rất thích tuyển dụng các Bác Sĩ Mới Ra Trường để đào tạo.

Vì một cơ quan hay một khoa phòng muốn hoạt động tốt, cũng như một bộ máy cần sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận chính và phụ. Không phải cứ toàn người giỏi, người giàu kinh nghiệm mới hoạt động tốt, những Bác Sĩ mới ra trường như một tờ giấy trắng cũng là một thành tố rất quan trọng mà người tuyển dụng lao động hướng tới để bổ sung vào bộ máy hoạt động của doanh nghiệp.

Dưới đây là một số lý do mình thấy :

  • Các bác sĩ trẻ thông minh, ham học hỏi, năng động biết nghe lời nên bệnh viện thích nhận vào ngay từ đầu để đào tạo thành ‘‘ người nhà ‘‘.
  • Các bạn đã có nền tảng tốt nên chỉ sau 3 tháng là đã có thể làm tốt công việc trong khoa phòng, hỗ trợ các bác sĩ đi trước.
  • Lương thì không quá đòi hỏi, thường ở mức trung bình khá.
  • Bố trí công việc thì cũng dễ vì các bạn ấy thường chưa có gia đình nên dễ linh hoạt.
  • Thường ham học hỏi, cầu thị… vâng lời.
  • Chưa có chứng chỉ hành nghề nên phụ thuộc, gắn bó lâu dài, ít nhảy việc.

Về hợp đồng lao động thì các Bác Sĩ Mới Ra Trường vẫn được ký các điều khoản theo đúng luật lao động, thời gian thử việc tối đa 02 tháng, và đây sẽ là căn cứ để sau này làm chứng chỉ hành nghề.

Chuẩn bị Hồ Sơ

Hồ sơ phỏng vấn
Hồ sơ phỏng vấn

Chẳng ai phỏng vấn bạn ngay, cho nên cái cách bạn chuẩn bị hồ sơ và cách nộp, cũng là căn cứ để họ đánh giá con người, tư duy, thái độ của bạn … Đôi khi nó quyết định luôn, họ có chọn hồ sơ của bạn để phỏng vấn trong hàng chục cái hồ sơ đang xếp đống kia không .

– Tìm hiểu : đôi khi có những nơi người ta sẽ ra thông báo trước về điều kiện “ cần và đủ” để họ nhận hồ sơ, thứ tự sắp xếp hay một số quy định cụ thể thì bạn nên tìm hiểu trước và làm theo đúng Mẫu sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn. Đa phần các bệnh viện lớn hay làm vậy, vì có quá nhiều người muốn nộp, nên họ tạo màng lọc và quy tắc ngay từ ban đầu để đỡ mất thời gian, không đủ điều kiện thì họ không nhận.

Trường hợp bạn không biết hoặc bệnh viện không có quy định cụ thể thì hồ sơ thường cần thể hiện những điều sau:

  • Tôn trọng : Bạn nên dùng một cái Bìa hồ sơ cứng cáp, đẹp và đặc biệt một chút.
  • Logic : Bạn nên sắp xếp thứ tự giấy tờ bỏ vào hồ sơ theo thứ tự mà bạn muốn trình bày về bản thân mình, ngoài bìa ghi rõ thứ tự sắp xếp hồ sơ, chữ đẹp –> Làm sao để người khác chỉ cần nhìn vào bìa thôi cũng hiểu rõ nội dung bên trong. Bệnh viện quan tâm đến yếu tố nào thì bạn để cái đó lên trước nha.
  • Đầy đủ : có giấy tờ gì cần thiết thì nên cho hết vào, photo công chứng … từ các bằng cấp, chứng nhận, bảng điểm….đến hộ khẩu, lý lịch, CMND, giấy khám sức khỏe.
  • Đẹp và ấn tượng : Con người luôn bị thu hút bởi cái Đẹp cho nên hồ sơ cũng phải đẹp, đi nộp hồ sơ cũng nên ăn mặc lịch sự gọn gàng.
  • Giao tiếp tốt : Ban đầu bạn sẽ gặp các anh chị thuộc phòng nhân sự/ tổ chức cán bộ trước, họ chính là người sẽ quyết định xem hồ sơ nào đạt để báo cáo lên ban giám đốc và lên lịch phỏng vấn, họ thường dễ gần … nên các bạn hãy chào hỏi khéo léo và lịch sự hỏi chuyện, các bạn có thể hỏi về nhu cầu của bệnh viện, những vấn đề bạn quan tâm … cố gắng hỏi sao để họ có cảm tình nha ^^ … hỏi xong mà họ bỏ hồ sơ bạn một góc không nhìn đến là xong rồi

Trả lời phỏng vấn

“ Biết người biết ta” trăm trận trăm thắng, bạn phải hiểu điểm yếu, điểm mạnh của mình là gì, nhu cầu của Bệnh Viện đang hướng tới, mà lựa cách trả lời cho vừa lòng đôi bên. Cái này mình chia sẻ dựa trên góc nhìn cá nhân nên không chắc sẽ đúng trong mọi trường hợp, bạn tham khảo thôi nha.

Thông thường được mời phỏng vấn là cơ hội được nhận vào làm đã rất cao rồi, trừ khi bạn trả lời không ổn khiến họ loại bạn mà thôi.

Thành phần phỏng vấn thường là Ban Giám Đốc Bệnh Viện, các trưởng khoa … nên bạn phải hiểu mình là ai và họ là ai mà có thái độ, cách trả lời cho phù hợp:

  • Đầu tiên : Là bạn phải đến sớm / đúng giờ, đừng bao giờ đi trễ nếu bạn muốn được nhận.
  • Ăn mặc nên phù hợp với môi trường làm việc.
  • Thái độ thì lúc nào cũng lắng nghe, với tinh thần cầu thị và ham học hỏi, tôn trọng người phỏng vấn … đừng quá thể hiện, đừng quá yêu cầu … bởi vì bạn chưa làm được gì nhiều cả.

Bạn có biết người tuyển dụng người ta “ ngại” nhất kiểu người nào không ?

Đó là kiểu “ dở dở ương ương, cao không tới mà thấp không thông” tức là không biết nhận về có làm được gì giỏi không, nhưng đòi hỏi, yêu cầu lại quá nhiều, không biết tiếp thu học hỏi… Nếu bạn cho họ cảm giác này, họ sẽ loại bạn ngay sau phỏng vấn luôn.

Như đã phân tích ở trên ưu điểm của các bác sĩ trẻ mới ra trường là năng động, ham học hỏi, dễ đào tạo … nên suốt quá trình phỏng vấn hãy cho ban phỏng vấn có cảm tình rằng bạn tuy mới ra trường, nhưng luôn sẵn sàng học hỏi để phát triển và làm tốt công việc của mình, hòa đồng vào tập thể.

Làm sao biết được những vấn đề tế nhị như lương, chế độ làm việc

Thường mình cũng hay tò mò những điều này nhưng mình cũng không bao giờ dám hỏi trực tiếp người phỏng vấn cả nếu họ không chủ động nói, có rất nhiều cách để biết gián tiếp.

Chủ đề về Lương là chủ đề nhạy cảm và khó chia sẻ nhất luôn, nhưng hôm nay mình sẽ cố gắng dùng ngôn từ, trải nghiệm của mình để viết một bài cho các bác sĩ trẻ, mới ra trường nha.

Nên nhớ rằng mình viết bằng trải nghiệm của mình, nên chỉ là một góc rất nhỏ để tham khảo. Ngoài kia cuộc đời đa dạng lắm, mình không đủ để bao quát hết được.

Lương được chi trả theo hình thức nào
Lương được chi trả theo hình thức nào

Bằng Gì Cũng Không Bằng “ Bằng Lòng”

Lúc mới ra trường khi đi xin việc mình cũng quan tâm về mức lương mình nhận được lắm… nhưng đi phỏng vấn vài nơi, chưa bao giờ mình có một câu trả lời rõ ràng ngay trong buổi phỏng vấn cả, bản thân mình cũng chưa bao giờ dám hỏi trực tiếp.

Sếp có hỏi mức lương mà mình mong muốn là bao nhiêu mình cũng chưa bao giờ đưa ra một con số cụ thể…

Nói chung thường sau khi làm việc một thời gian mình mới rõ mình nhận lương được bao nhiêu. Rất may là mình làm ở đâu, lương cũng cao hơn mức mình mong đợi cả, nên mình đều rất hài lòng .

Các bạn có biết ngay cả những Bác Sĩ làm chung trong một khoa cũng không thể biết rõ mức lương của nhau và có những nơi người ta còn quy định lương là “ bí mật” nếu các nhân viên chia sẻ cho nhau thì sẽ bị phạt … vài nơi cũng công khai minh bạch, nhưng càng ngày càng ít dần. Đa số Lương mỗi người đều thuộc về điều “ riêng tư” hết.

Ngay cả các bạn có quen các bác sĩ đàn anh trong bệnh viện thì cũng đừng mong sẽ hỏi được đúng mức lương mà họ nhận được … nên tìm hiểu về Lương hơi bị khó luôn nha.

Tóm lại là “ Lương” là một chủ đề rất nhạy cảm và phức tạp, nếu người Phỏng Vấn không nói cho bạn biết thì tốt nhất cũng đừng nên hỏi, nếu hỏi thì cũng phải suy nghĩ cho thật kỹ nha.

Em mong muốn mức lương bao nhiêu ?

Tuy không chia sẻ cụ thể mức lương chúng ta sẽ nhận được sau khi “ Đậu” nhưng người phỏng vấn lại thường rất thích hỏi các bác sĩ trẻ câu này luôn.

Trả lời sao nhỉ ? Thấp quá thì thiệt rồi ân hận… mà cao quá thì họ sẽ không nhận mình hoặc nghĩ mình quá đòi hỏi … Mà làm sao biết được như thế nào là thấp, như thế nào là cao? Quá rối não luôn… Mà thường câu này bạn trả lời xong là sẽ quyết định 80% họ có nhận bạn vào làm hay không luôn đó. Sẽ có hai hướng trả lời:

Đưa ra một con số cụ thể hoặc mức thu nhập tối thiểu cần nhận được, nếu không đạt mức này người lao động sẽ từ chối không làm. Đây là khi người lao động đã có một vị trí nhất định và đánh giá được giá trị lao động của mình :

  • Thường các Bác Sĩ có chứng chỉ hành nghề, hoặc CK1 hoặc đã làm nhiều năm ở nhiều bệnh viện sẽ chọn cách này, vì người ta hiểu rõ người ta cần làm gì, chịu trách nhiệm gì và biết được mức lương xứng đáng mình nhận tầm bao nhiêu.
  • Nếu người bác sĩ đó nhận định đúng giá trị của mình thì thường nó cũng trùng hợp với mức lương chủ doanh nghiệp đưa ra nếu người ta muốn nhận người ấy về làm.
  • Nói chung các môi trường làm việc tại các bệnh viện thường cũng tương đồng nhau nên các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ trao đổi phỏng vấn các vấn đề liên quan đến lương, công việc và hợp đồng khá rõ ràng và thẳng thắn.
  • Trường hợp đặc biệt các Bác Sĩ Giỏi, có bằng cấp, học hàm học vị cao sẽ được mời về các vị trí quan trọng thì Lương thường rất cao, mang tính “ ưu đãi và mời gọi”.
  • Nói sơ cho các em biết thôi… chứ bài viết này chị viết cho các bác sĩ mới ra trường, chứ mấy bác có kinh nghiệm rồi mấy bác đọc sẽ cười chị cho mà coi.
  • Chọn phương án an toàn, không nói ra một con số cụ thể nhưng trình bày nhu cầu mình cần có để có thể tập trung hoàn thành tốt công việc.
  • Thường mình hay chọn phương án này, bởi vì mình cũng không quá tự tin vào bản thân, cũng như môi trường làm việc mà mình hướng tới mình đánh giá dựa trên rất nhiều tiêu chí, trong đó lương là tiêu chí cuối cũng… Mình không muốn chỉ vì mức lương không tương đồng mà đánh mất đi cơ hội nghề nghiệp và học hỏi của mình trong môi trường đó.
  • Mình nghĩ với các bác sĩ mới ra trường thì đây là phương án an toàn hơn cho các bạn.
    Thứ nhất các bạn phải hiểu rằng các bạn chưa có chứng chỉ hành nghề thì thực sự được nhận vào một nơi làm việc, có hưởng lương và được học tập tốt là rất may mắn rồi ( Còn các bạn đã đóng tiền học 18 tháng có chứng chỉ hành nghề thì lại ở một vị thế khác nha, các bạn có thể trả lời theo phương án a ).

Thứ 2 với mình lương chưa bao giờ là yếu tố quyết định đầu tiên và quan trọng nhất khi mình chọn một chỗ làm. Mình nghĩ điều quan trọng là mình sẽ học hỏi và phát triển ra sao sau 1 -2-3 năm sau… cho nên mình sẵn sàng làm với mức lương thấp, nhưng cơ hội học hỏi phát triển nhiều.

Thứ 3 “ có thực mới vực được đạo” nên nếu được hỏi, hoặc ra quyết định gắn bó lâu dài hay không mình sẽ dựa vào mức “ lương tối thiểu” mà mình có thể sống được, có thể an tâm làm việc và phát triển được để quyết định. Nếu nó thấp hơn mức lương tối thiểu mình có thể chấp nhận thì mình sẽ từ chối, trường hợp nó bằng hoặc cao hơn thì mình sẽ đồng ý và quan tâm đến các vấn đề khác nhiều hơn là lương.

Mình lấy trường hợp của mình để ví dụ cụ thể cho các bạn luôn nha, đọc cho vui chứ đừng áp dụng nha.

Khi chưa có chứng chỉ hành nghề nếu được hỏi “ em muốn mức lương bao nhiêu” mình sẽ trả lời như thế này :

  • Bản thân em là bác sĩ mới ra trường, chưa có chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm chưa có nên điều em mong muốn nhất là được học hỏi chuyên môn và phát triển bản thân. Em nghĩ rằng bệnh viện nhận em vào làm đã là một cơ hội rất may mắn cho em nên em không nghĩ mình có quyền đề nghị một mức lương nào đó cụ thể, tuy nhiên em cũng đã lập gia đình, em cũng mong bệnh viện sẽ tạo điều kiện cho em một mức lương phù hợp để có thể an tâm học hỏi và làm tốt công việc của mình.

–> Thực ra người tuyển dụng luôn tìm hiểu thị trường và định giá người lao động trước rồi, họ cũng sẽ cân nhắc một mức lương phù hợp với giá thị trường chung để giữ người lao động. Cho nên dù bạn trả lời ra sao thì thường mức lương cũng đã được ấn định trước với những người “ mới” rồi.

–> Kết quả : Tổng thu nhập của mình hổi mới ra trường cũng tầm 8 triệu +

– Một ví dụ khác là khi mình đã có chứng chỉ hành nghề Nội, nhưng mình lại xin vào Bệnh Viện Thẩm Mỹ làm việc , để xin đi học CK1 Da Liễu, lúc mới phỏng vấn Sếp cũng hỏi mình “ Em muốn mức lương bao nhiêu” ?

Lúc này thật khó trả lời và quyết định luôn đó mọi người. Sau khi có chứng chỉ hành nghề Nội mức lương tại bệnh viện cũ của mình đã tầm 30 – 40 triệu rồi, và mình đã có hai em bé, nhu cầu kinh tế cũng nhiều…Nhưng mình hiểu rằng, nếu chuyển qua Da Liễu Thẩm Mỹ là mình phải bắt đầu lại từ con số 0, mình không thể mang mức lương cũ để trả lời với Sếp là em muốn lương tầm 30 trở lên, mặc dù với mức lương này mình mới có thể đủ sống.
Mình cũng hiểu rằng dù đã có chứng chỉ hành nghề Nội nhưng khi vào môi trường Thẩm Mỹ thì thời gian đầu mình cũng không đóng góp được gì nhiều cho Bệnh Viện để có thể nhận được mức lương cao được.

Lúc đó mình chỉ trả lời một cách chân thật thế này thôi: “ Bản thân em đã có chứng chỉ hành nghề Nội, mặc dù tổng thu nhập em nhận được tại bệnh viện cũ tầm 30 -40 triệu. Nhưng em nghĩ rằng khi mình chuyển qua làm Bệnh Viện Thẩm Mỹ em sẽ chưa đóng góp được nhiều cho Bệnh Viện và cũng không thể đòi hỏi mức lương cao như vậy. Em mong muốn được học hỏi nhiều hơn và có thể nhanh chóng cống hiến hơn cho công việc. Về mức lương em nghĩ là tùy thuộc vào sự đánh giá của bệnh viện cũng như mức độ mà em có thể làm tốt công việc của mình ạ.

–> Các bạn có biết khi chuyển hướng là hai vợ chồng mình đã phải vay tiền, và chấp nhận là bắt đầu lại từ đầu không ?

–> Cho nên trả lời sao còn tùy thuộc vào mục tiêu và giá trị mà bạn mang lại cho công việc nữa.

–> Kết quả là Sếp thương tình cho mình mức lương cao hơn mình mong đợi đó mọi người, nhưng chắc chắn là thấp hơn bệnh viện cũ của mình, vì mình đã cống hiến được gì đâu mà đòi hỏi.

Bệnh Viện Trả Lương Theo Hình Thức Như Thế Nào

Đa số làm một thời gian bạn mới hiểu về lương của bệnh viện, thậm chí Lương sẽ được bí mật cho đến khi bạn ký hợp đồng chính thức, trong 2 tháng thử việc hoặc thời gian đầu khi bệnh viện “ chưa xác định bạn là người nhà” bạn cũng không biết được cụ thể lương luôn.
Với mình lương là tổng thu nhập một tháng, chứ mình không căn cứ vào con số ký trên hợp đồng nhé.

Tổng kết lại thì mình thấy nó sẽ được phân chia theo 3 tiêu chí sau

  • Lương Cứng : là mức lương cố định, tối thiểu Bệnh Viện sẽ trả cho bạn trong một tháng, và nếu bạn hỏi bạn cũng sẽ được trả lời con số này thôi …Nó thường cơ bản, thấp, đủ sống.
  • Lương Mềm : là lương sẽ biến động, nếu bạn chưa có chứng chỉ hành nghề, nếu bạn mới thử việc thường bạn sẽ không được nhận, hoặc không biết đến khoản lương này. Nó tùy thuộc vào doanh thu, tình hình phát triển của khoa phòng … Thông thường lợi nhuận càng cao thì lương Mềm càng cao. Đây là khoản lương các Sếp tạo động lực cho nhân viên phấn đấu tích cực, theo doanh số hoặc KPI …Có khi nó thấp hơn lương Cứng nếu doanh thu thấp, Có khi nó cao hơn lương Cứng nếu doanh thu cao… tùy sự phân bố của mỗi bệnh viện, của từng Khoa Phòng.
  • Lương “ đãi ngộ, giữ người” : Đây sẽ là khoản lương dành cho những vị trí đặc biệt hoặc những người có tầm ảnh hưởng trong công việc, nếu thiếu người ấy thì sẽ biến động nhiều … Nên các Sếp sẽ có một khoản lương riêng. Các em mới ra trường cứ phấn đấu đi nha, nhận được mức lương này là lên tầm cao mới rồi đó

Làm Sao Tìm Hiểu Trước Về Lương

Thường các bạn chỉ tìm hiểu được Lương Cứng thôi, còn đại đa số Lương Mềm, Lương Đãi Ngộ luôn là những con số bí mật, không ai chia sẻ cho bạn đâu. Thậm chí chia sẻ còn bị khiển trách và phạt vì gây mất đoàn kết nội bộ đó, các Sếp luôn cấm mấy hành vi này nha…

Các bạn có thể hỏi gián tiếp để tham khảo như :

  • Các Bác Sĩ trong bệnh viện nếu bạn đã quen từ trước.
  • Hồi xưa mình được nhận xong thì hỏi mấy chị phòng hành chính nhân sự xếp lịch cho mình phỏng vấn, cũng được biết nè, mà biết lương cứng thôi, lương mềm chị không nói.
  • Rồi trong thời gian thử việc, các bác sĩ trong khoa khi đã thân quen cũng nói sơ sơ cho mình biết nè, nhưng cũng không có số cụ thể đâu.

Vài Điều Muốn Nhắn Nhủ Với Bác Sĩ Trẻ

Tiền quan trọng, nhưng không phải là tất cả, hãy xét tới nhiều yếu tố khác khi chọn môi trường làm việc nha. Chỉ cần trên mức tối thiểu để lo cho cuộc sống để yên tâm học và làm việc trong thời gian đầu là chị thấy khá ổn rồi.

Làm gì thì làm, nhớ lấy chứng chỉ hành nghề, sau khi có chứng chỉ hành nghề các em mới được coi là một bác sĩ thực thụ và lương sẽ lên một tầm cao mới. Cố gắng lấy nhanh nhất có thể nha.

Lương Bệnh Viện có rất nhiều khoản, em nên cân nhắc khi tìm hiểu, đôi khi lúc em hỏi thấy lương rất thấp, nhưng làm lâu rồi, gắn bó lâu rồi … sẽ có thêm nhiều khoản khác.. Thường thì các em xem các Bác Sĩ ở đó gắn bó bao nhiêu năm rồi, sẽ đoán được, nếu lương ai cũng thấp, không sống nổi thì tại sao các Bác lại gắn bó lâu dài được phải không nè ?

Kinh nghiệm bản thân mình thì thấy các Sếp rất không thích nhân viên đòi hỏi hay quan tâm quá nhiều về lương khi phỏng vấn, thẩm chí người ta sẽ dấu đi nhiều khoản lương để xem người đó có thực sự phấn đấu vì công việc hay không? Cho nên nhiều khi hỏi xong thấy lương thấp các em “ không thèm làm” nhưng thực ra thì không phải vậy đâu.

Riêng với các em chưa có chứng chỉ hành nghề thì các em phải hiểu rằng các em “ chưa được cấp phép” làm Bác Sĩ chính thức đâu, nên các em làm gì người khác cũng phải ký, rồi chịu trách nhiệm cho mình … Cho nên đừng đòi hỏi gì nhiều quá, có công việc , làm được CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ đã là may mắn rồi. Đòi hỏi nữa thì chắc chắn là không ai muốn nhận đâu.

Doanh nghiệp trả tiền cho mình là vì mình mang lại lợi nhuận, doanh thu hay chịu trách nhiệm cho họ, cho nên lương cũng sẽ song hành với những điều này. Cao hay thấp phải xem giá trị trong công việc của các em là bao nhiêu, đừng mang con số của người khác ra mà so sánh nha.

Trả Lời Phỏng Vấn

Cách trả lời phỏng vấn gây ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng
Cách trả lời phỏng vấn gây ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng

Mình không đủ tầm để hướng dẫn cho ai cả, nhưng mình sẽ chia sẻ vài quan điểm, góc nhìn cá nhân cho các bạn mới ra trường tham khảo nha, đọc cho đỡ buồn

Đàm Phán Với Nhà Tuyển Dụng

“ Anh chị ơi, làm sao để đàm phán với nhà tuyển dụng” Câu hỏi này mình thấy có mấy bác sĩ mới ra trường hỏi nè, sự thật đau lòng là lúc mới ra trường các em chẳng có “ tuổi” gì mà đàm phán với nhà tuyển dụng cả.

Thường các bệnh viện mà mình đã phỏng vấn, người ta không hỏi chi tiết về chuyên môn như đi thi Lâm Sàng … đa số hỏi về các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm, mong muốn, nhu cầu…để đánh giá tư duy và thái độ của mình … nên mình thấy các cuộc gặp đều khá thoải mái và thú vị.

Điều may mắn và cũng khá căng thẳng cho các bác sĩ khi phỏng vấn là thường các em sẽ được gặp trực tiếp Ban Giám Đốc Bệnh Viện, Các Trưởng Khoa Phòng …

Các em có biết những Vị đang ngồi trước mặt tụi em, có vị thế ra sao, phải phấn đấu như thế nào và trải qua bao nhiêu thăng trầm mới ngồi ở Vị Trí Phỏng Vấn ấy không ? …Nên thôi bỏ tư tưởng này khi mới ra trường luôn nha mấy bác sĩ trẻ

Điều tốt nhất mà mình nghĩ các bạn nên làm là hãy thật chân thành, khiêm tốn và lắng nghe khi được may mắn gặp các Vị Lãnh Đạo của Bệnh Viện, đôi khi đó là lần duy nhất bạn được tiếp xúc và trò chuyện trực tiếp … còn sau này muốn gặp được khó lắm.

Tất nhiên sau này khi bạn đã làm tốt rồi, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề rồi, có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, học hàm học vị rồi thì khoảng cách giữa bạn và các Sếp sẽ ngắn dần lại, bạn hiểu rõ Sếp muốn gì và giá trị bản thân của bạn trong công việc là gì …thì bạn sẽ có một cuộc Phỏng Vấn Win- Win và mang tâm thế “ Đàm Phán” … nhưng với các bác sĩ mới ra trường/ còn trẻ thì mình cho rằng đừng nghĩ tới điều này sớm, đường còn dài và xa lắm

Hiểu Người – Hiểu Mình

– Cố gắng hiểu người bạn đang trò chuyện là ai? Điều người ấy muốn và hướng đến là gì ? Người ấy đang mong chờ điều gì ở bạn… Bệnh viện đang cần gì ở bạn ?

– Cố gắng hiểu vị trí của mình trong môi trường lao động này là gì ? Nếu được nhận mình sẽ mang lại giá trị gì cho bệnh viện ? Mình có điểm yếu gì, điểm mạnh nào ? Mình xứng đáng được nhận điều gì và cần phấn đấu điều gì ? Nếu được hỏi những câu hỏi như “ em mong muốn mức lương bao nhiêu ? Em muốn về chuyên khoa nào” mình sẽ trả lời ra sao ?
Với mình được mời Phỏng Vấn như bắt đầu một mối quan hệ “ Hẹn Hò Với Công Việc” vậy, một cuộc gặp ngắn ngủi với Lãnh Đạo không thể cho mình hiểu hết về cuộc tình với Công Việc. Điều quan trọng là hãy để buổi trò chuyện đó thật thoải mái và kết thúc là mình được “ Nhận” để mình có cơ hội tìm hiểu thêm nữa, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đừng kết luận gì cho bản thân trong lần gặp đó cả.

Không biết có đang “ xúi bậy” các bạn không ? Nhưng mục tiêu của mình là đã được mời phỏng vấn thì phải trả lời sao cho “ Đậu” còn cái chuyện có quyết định đi làm, gắn bó ở đó lâu dài hay không thì từ từ mình sẽ cân nhắc sau …

Mình không nghĩ đó là một sự lươn lẹo mà đó là “ Cho Mình Thêm Cơ Hội” vì nếu bạn bị “ Từ Chối” thì có thể sau này bạn sẽ rất hối hận, còn nếu bạn “ Đậu” rồi, sau đó tìm hiểu thêm rồi “ Rút Lui” thì thực sự Bệnh Viện cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ cần sau đó bạn thông báo sớm và rõ ràng đừng để ảnh hưởng đến Bệnh Viện để họ sắp xếp công việc là được.

Thực ra Bệnh Viện họ cũng quen với việc này rồi ^^… nên bài toán nhân sự người ta luôn chủ động và có phương án dự phòng, họ là Cá Mập, bạn là tôm tép nên không ảnh hưởng gì đâu

Thông thường trước khi ký hợp đồng chính thức Bệnh Viện luôn cho bạn hai tháng thử việc, trong thời gian này nếu bạn không phù hợp Bệnh viện có thể chấm dứt hợp đồng ngay lập tức , hoặc bạn thấy bản thân không phù hợp có thể nghỉ việc mà không cần báo trước ( tất nhiên có ra đi thì cũng hãy để lại ấn tượng tốt đẹp nha)… Đây thực sự mới là khoảng thời gian tìm hiểu công việc để ra quyết định nên gắn bó lâu dài hay không . Có 2 tháng để tìm hiểu thì tại sao lại vội vàng quyết định trong ngày phỏng vấn để làm gì phải không nào …

Một số Bệnh Viện tư nhân sẽ bỏ qua hình thức thử việc này luôn, họ sẽ yêu cầu bạn ra quyết định có gắn bó lâu dài ngay trong cuộc phỏng vấn hay không và để được bước chân vào tìm hiểu môi trường Bệnh Viện của họ, bạn phải có những cam kết, hoặc giao nộp bằng gốc các văn bằng để làm tin…Giống như bạn mới gặp mặt một cô gái/ chàng trai lần đầu mà phải ra quyết định có kết hôn hay không vậy ? Lời khuyên của mình vẫn là nên trò chuyện thoải mái để được “ Nhận” sau đó khéo léo xin thêm thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu thêm… Khi đã có nhiều thông tin rồi hãy ra quyết định, và nhớ rằng một khi đã quyết định giao bằng gốc là “ bạn cầm đằng lưỡi, người ta cầm đằng chuôi ” …nên lỡ đứt tay thì ráng chịu đừng than… Còn nhát quá thì nên chọn phương án an toàn. Các Bác Sĩ mới ra trường thì khuyến cáo là Không Nên nha

Nên Thành Thật hay “ Ảo một chút” khi trả lời

Thực sự là khó nói đúng sai, nhưng bạn nên biết những Vị phỏng vấn bạn là những người đã phỏng vấn hàng trăm nhân viên, thuộc đủ mức độ rồi, bạn nhắm có “ Qua Mặt” được họ không ?

Ngoài ra các trưởng Đơn Vị thường quen biết chơi thân với nhau, ví dụ trong đơn bạn ghi làm việc tại bệnh viện A, thì có khi trước khi phỏng vấn bạn , người ta đã gọi điện qua bệnh viện A để hỏi về bạn rồi … cho nên thôi cứ nói Thật đi cho an toàn

Tuy nhiên cách bạn trả lời cũng là căn cứ để người ta đánh giá con người, thái độ, tư duy của bạn … nên nếu bạn trả lời “ thật và thô” quá, có gì nói đó, họ lại đánh giá bạn không có kỹ năng mềm trong công việc, cho nên “ hãy trung thực một cách thông minh chứ đừng thật thà một cách thô sơ ” ( câu này thì ai muốn hiểu sao thì hiểu ha)

Những câu hỏi tế nhị thì nên trả lời như thế nào ?

Phỏng vấn vài nơi lúc mới ra trường thường mình hay gặp mấy câu hỏi sau

  • Em muốn chọn vào khoa nào ?
  • Em muốn mức lương như thế nào ?

Thông thường khi nhà tuyển dụng hỏi bạn hai câu này, là người ta đã có đáp án sẵn trong đầu rồi, điều quan trọng là họ muốn biết câu trả lời của bạn có trùng với đáp án của người ta hay không thôi . Nếu trùng thì người ta sẽ rất vui lòng, nếu không trùng thì họ sẽ suy nghĩ và nếu quá chênh lệch thi họ sẽ loại luôn.

Ví dụ khi người Phỏng Vấn hỏi em muốn vào khoa nào ?

Thì thực sự là họ biết bệnh viện đang thiếu các vị trí A, B, C … và thông qua hồ sơ bạn nộp họ đã sắp sẵn bạn vào khoa A rồi, nhưng họ muốn biết bạn có đang đam mê khoa nào không và nếu họ sắp bạn vào khoa A thì bạn có vui vẻ chấp nhận và học hỏi không

Giả sử các bạn rất mong muốn vào khoa chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn, nhưng làm sao biết bệnh viện có đang thiếu người trong khoa đó hay không ? Nếu bạn trả lời rằng, em rất đam mê chẩn đoán hình ảnh và chỉ mong muốn vào khoa này thôi, thì nếu bệnh viện đang không thiếu người trong khoa chẩn đoán hình ảnh, người ta sẽ e dè khi cho bạn cơ hội hoặc loại luôn vì nghĩ có cho bạn vào khoa A, bạn cũng không học hỏi hoặc làm việc lâu dài được.

Tuy nhiên nếu bạn trả lời rằng, bản thân em là Bác Sĩ Mới Ra Trường, em nghĩ Nghề chọn người, đồng thời em cũng chưa theo đuổi một chuyên khoa nào nên em sẵn sàng học hỏi bất kỹ lĩnh vực nào mà bệnh đang cần tuyển nếu có cơ hội.

Thường người phỏng vấn sẽ đoán bạn có một chuyên khoa mà bạn thích nhưng chưa nói ra, tuy nhiên cách trả lời như trên cũng cho thấy bạn là người “ biết điều”. Nên người ta sẽ hỏi tiếp “ Em nói thật đi em thích chuyên khoa nào / Hiện tại đang thiếu ở khoa A, B, C … em thích về khoa nào” … Lúc đó bạn có thể trình bày nhẹ nhàng lĩnh vực mà mình hướng tới hơn là trả lời thẳng ngay từ đầu.

Nếu không có sự sắp xếp từ trước/ cực kỳ may mắn thì hiếm khi nào bạn được chọn đúng chuyên khoa mình thích lắm, đa số là Khoa Phòng sẽ chọn bạn … nhưng bạn hãy cho mình cơ hội đi. Đôi khi cái mà bạn nghĩ là bạn thích, sau thời gian làm việc tại bệnh viện bạn sẽ thấy nó không phù hợp với bạn… còn lĩnh vực Khoa Phòng chọn bạn, đi đủ lâu, tự dưng thấy có duyên với nó và gắn bó lâu dài.

Còn nếu làm thời gian cảm thấy không phù hợp, thì lúc đó bạn cũng đã hiểu về bệnh viện và môi trường xung quanh rồi, bạn sẽ cơ hội để chuyển khoa… cũng như lúc khoa bạn thích thiếu người bạn có thể nộp đơn xin qua… Tóm lại là thành người nhà của Bệnh Viện rồi thì sẽ biết nhiều ngóc ngách hơn là khi ở ngoài.

Trường hợp ngay từ đầu bạn từ chối thẳng luôn vì không đúng khoa mình hướng tới, thì có thể rất khó/ chẳng bao giờ xin việc đúng vào khoa đó luôn. Cân nhắc nha!

Lương và Những Điều Mình Chưa Nói ( Lương Cao là Một Sự Đánh Đổi )

Thực sự hôm qua chia sẻ mức lương 30 -40 tr tại bệnh viện cũ của mình xong hôm nay đọc một bài chia sẻ về mức lương 8triệu/ tháng của một bạn có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Nội đã làm 5 năm rồi. Thực sự mình thấy có lỗi với các bác sĩ trẻ nếu mình không nói cụ thể hơn. Vấn đề về lương mình viết cũng mấy bài rồi, nhưng những góc khuất thì mình chưa bao giờ kể. Đơn giản kể lên đây thì có hại nhiều hơn có lợi.

Nhưng đã nói thì nên nói cho trọn, mình không muốn gieo vào đầu các bác sĩ Mới Ra Trường một thứ gì đó không tốt.

Để đọc bài tổng quan thì các bạn tìm đọc lại bài “ Lương Thấp hay Cao, Bệnh Viện Công hay Bệnh Viện Tư nha” .

Bài này sẽ đi chi tiết … coi như mình mang trải nghiệm riêng tư của mình lên mạng để nói, điều mà mình thường thấy nguy hiểm …. ai hiểu thì trân trọng, ai không hiểu thì nghĩ nó là bịa đặt, tùy cảm nhận của mỗi người.

Thân Phận Người Bác Sĩ Tại Việt Nam

Đúc kết một chữ là “ Chán”, chán như thế nào thì chắc mọi người đã đọc nhiều, biết nhiều …. Chán từ khi vào học trường Y đến khi ra trường lập nghiệp… Chán tới mức thà im lặng chấp nhận còn hơn là càng nói ra càng mất động lực, càng tress… đó là cảm nhận của mình.

Lúc học mình đã đòi nghỉ học mấy lần chuyển Nghề rồi, bởi vào trường y được 2 năm thì mình đã linh cảm được tương lai u ám của Nghề Y rồi…

Nhưng mà cha mẹ mình, anh chị mình, họ hàng mình không ai nghĩ vậy, ai cũng thấy bác sĩ thật “ oách, thật tự hào, thật giàu có, ra trường chắc là nhà lầu, xe hơi “”… sự thật thì càng đi càng tối đen

Nói cho các bạn hay cảm ơn động viên mình ““sốc tâm lý”” chút, còn bạn bè mình thì ai cũng biết ““người ta học Y 6 năm ra trường, chứ mình học 9 năm mới tốt nghiệp đó, mà tốt nghiệp cũng Trung Bình Khá thôi, được cái may mắn là cầm bằng của Đại Học Y Dược TP.HCM”” nên cũng dễ xin việc.

Chia sẻ lên đây chắc gia đình, anh chị mình cảm thấy xấu hổ và nhục nhã về mình lắm … Còn mình thì lại biết ơn những năm tháng đó, những năm tháng mình tìm cách thoát ra khỏi mái trường Y Dược, tìm cách thoát ra khỏi thân phận bác sĩ, tìm cách thoát ra khỏi những lối mòn tư tưởng mà mọi người xung quanh luôn đưa vào đầu mình … Tóm lại là mình biết ơn những năm tháng ấy… Nhưng đừng ai dừng lại và suy nghĩ lận đận như mình nha. Trả giá cũng nhiều lắm.

Bài này cũng chẳng muốn kể lể chuyện riêng … Chỉ muốn nói nhờ những năm tháng “ ê chề và nhục nhã khi mình muốn Dừng lại chuyện học Y và chuyển nghề nhưng không được ““ mình không còn sợ gì nữa, cũng không ngại thoát khỏi vùng an toàn vốn có, và bản thân mình được trải nghiệm khá nhiều ngóc ngách và chia sẻ cho mọi người.

Chấp nhận Duyên và Nghiệp

Đôi khi mình không hiểu sao mà mình lại có Duyên làm Bác Sĩ luôn đó mọi người, có ai giống mình không ? Đã rất nhiều lần mình tìm mọi cách , cũng như gây chuyện … Nhưng càng làm mình càng nhận ra đây là Duyên là Nghiệp của mình, mình nên chấp nhận và tìm những lối đi riêng trong ngành nghề, thay vì trốn chạy nó.
Khi mình đã chấp nhận tự nhiên thấy đường đời nhẹ nhàng, thuận lợi hơn rất nhiều
Ai mà chán quá, lắng xem có phải cũng giống như mình không ?

Thực tế hay lý tưởng

Mình luôn đan xen hai điều này khi hành nghề, bản thân là Bác Sĩ mình luôn hướng đến lý tưởng, nhưng yêu cầu của cuộc sống luôn khiến mình phải thực tế.

Mỗi năm qua đi mình luôn đặt mục tiêu là lương mình phải tăng lên. Mới ra trường là 8 tr, nhưng sau 1 năm phải là 15 tr, sau 2- 3 năm phải là 30 -–40 tr, sau 5 năm phải là trên 50 tr .

Mình không biết mọi người sống sao, chứ với mình với mức sống tại Sài Gòn, lương không tăng lên hàng năm mình không biết làm sao mà cho con cái ăn học, rồi chi tiêu các khoản tiền khác, rồi lo cho gia đình … Lương luôn là thứ mình phải suy nghĩ và hướng tới.
Và mình đã làm được mục tiêu về lương của mình, nhưng từng mức lương tăng lên cũng là sự đánh đổi

Mức Lương và Sự Đánh Đổi của Bác Sĩ

Mình kể con đường mình đi và cảm nhận của mình, còn lại tự mọi người đánh giá, đã chia sẻ thì mình đã lường được những ý kiến không hay nên cũng không có gì phải sợ

Lương 8 triệu tại bệnh viện Quận

– Lúc mới tra trường là mình được nhận lên Nội Tổng Hợp, lương cứng tầm 5 triệu/ tháng, lương tăng thu nhập tầm 3triệu/ tháng.

– Làm việc thì đa số buổi sáng khám bệnh 1 lần, cho y lệnh vào buổi sáng. Buổi chiều có làm nhưng đa số xử trí vài ca bệnh trở, còn lại có thời gian đọc sách, ăn uống, trò chuyện cùng các bác sĩ

– Thứ 7 và chủ nhật mình được nghỉ đi chơi cùng gia đình
– Lâu lâu được đi hội nghị
– Bác trưởng khoa thì rất thương và gần gũi nhân viên, các đồng nghiệp cũng dễ thương, dễ trao đổi, xin đi học mấy lớp ngắn hạn vài tháng các bác sĩ chia nhau ra cùng hỗ trợ nhau đi học
– Lâu lâu có việc bận, cũng xin linh hoạt thời gian được
– Không có ai dòm ngó, để ý canh chừng bác sĩ quá nhiều
– Không áp lực cận lâm sàng, thuốc men
– Hồ sơ Bệnh Án thì Bác Trưởng khoa ký tên cho
– Bệnh nhân có phàn nàn thì cũng có bệnh viện, Bác Sĩ hỗ trợ
Tóm lại mình thấy khá thả mái, nếu già chắc mình cũng chỉ muốn được làm việc tại bệnh viện Quận thôi, lương thấp cũng được mà thoải mái
Nhưng khi mình chuẩn bị sinh bé đầu tiên mình không thể sống mãi với mức lương 8triệu/ tháng được, và mình biết cứ ở mãi khoa chắc lương cũng không tăng thêm
Lúc đó mình học xong lớp sơ bộ cấp cứu nên xin Bác Trưởng Khoa cho chuyển , Bác cũng đồng ý. Vẫn biết ơn Bác nhiều, dù nghĩ lại thấy có lỗi với Bác
Nhưng cuộc sống gia đình mình, mình phải cố gắng thôi

Lương 12 -15tr tại bệnh viện Quận

– Mình làm cấp cứu, trực nhiều hơn, thức đêm nhiều hơn, và lương cũng tăng hơn
– Cũng dễ gặp vấn đề căng thẳng với người nhà nhiều hơn
– Nhưng các bác sĩ đàn anh vẫn luôn hỗ trợ, bác sĩ trưởng khoa cũng rất tốt
– Lịch làm thì xoay tua nên cũng có thời gian nghỉ ngơi, lâu lâu vẫn đi học, vẫn đi hội nghị được
– Có lúc trực thêm cho bác sĩ đàn anh, được 800k/ đêm, ra trực nhiều khi hoa mắt chóng mặt
– Lâu lâu có việc đột xuất, xin đàn anh thay phiên cũng đi trễ về sớm được….
Lúc đó đang có bầu, nhưng lương cao hơn cũng vui lắm, cũng cảm thấy đủ sống, tính gắn bó như vậy lâu dài với bệnh viện luôn.
Nhưng mà Bác Trưởng Khoa lại qua Khoa Khác … Mình cảm nhận chắc hết Duyên với Khoa vì nhiều chuyện xảy ra sau đó, nên chủ động xin nghỉ. May mắn là lúc đó có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ rồi , và bệnh viện cũng tạo điều kiện cho mình.

Lương 14triệu/ 4 tháng thử việc tại bệnh viện Tư đến 30 – 40 triệu/ khi đã là nhân viên chính thức

– Sau khi có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Nội mình xin vào một bệnh viện Tư khá lớn, môi trường làm việc đẹp ,được chăm lo cũng khá đầy đủ từ quần áo đến ăn trưa … Nhưng cảm thấy thật sự áp lực hơn rất nhiều khi làm bệnh viện Công
– Tại bệnh viện Công mình thử việc 1-2 tháng đã được nhận, nhưng tại bệnh viện Tư mình phải thử việc 4 tháng mới được nhận, xung quanh mình toàn là các bác sĩ Chuyên Khoa 1, Nội Trú cũng có, Các bác sĩ đều rất giỏi từ các bệnh viện Công về làm… còn mình vì đã có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ cũng được ký hồ sơ và phân công làm việc như các Bác, nhưng lúc đầu mình hơi đuối vì đuổi theo không kịp
– Có CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ rồi cái gì cũng phải tự mình quyết định, có sự cố tự mình giải quyết … mấy Bác có hỗ trợ nhưng mình vẫn thấy căng thẳng hơn thời mới ra trường
– Bệnh nhân bệnh viện Tư chỉ cần ý kiến, thì bị nêu tên, bị phạt , bị trừ tiền … họp hành rút kinh nghiệm
– Giờ đi làm thì được kiểm tra nghiêm ngặt, không được đi trễ, cũng không bao giờ dám về sớm, nhân viên nhà xe sẽ ghi tên lại nếu phát hiện . Lâu lâu sẽ có nhân viên đi chụp hình xem có ngủ trưa quá giờ không
– Khám bệnh ngày 02 lần, sáng một lần, chiều một lần … quan tâm đến BN nhiều hơn
– Làm liên tục từ thứ 2 đến thứ 7, lâu lâu cũng đi làm thêm ngày chủ nhật nhưng lương sẽ cao hơn ngày thường, muốn đăng ký nghỉ thêm cũng rất khó
– Hầu như không được đi hội nghị, không thể đi học các khóa ở các trường, nói chung tập trung làm thôi là chính
– Áp lực tỉ lệ nhập viện khi ngồi phòng khám, tỉ lệ cho cận lâm sàng, thuốc dịch vụ
– Lâu lâu các Bác Sĩ phải đi công tác các tỉnh, các chi nhánh …
– May mắn cho mình là Bác Trưởng Khoa của mình rất tốt, không ép chỉ tiêu xuống cho các Bác Sĩ mà để các bác sĩ tự nguyện … còn các Khoa Phòng khác áp lực chỉ tiêu dồn xuống nghe nói được nhắc và đọc tên mỗi ngày
………….

Tóm lại là lương cao thật … mà thấy “ áp lực” nhiều thứ thật

Nhưng mà với những người cần kinh tế như mình thì thấy cũng thoải mái, kiểu cứ tập trung làm … rồi nhận lương xứng đáng cũng cảm thấy rất vui. Đôi khi giờ chuyển sang hướng mới rồi không biết bao giờ mình mới đạt được mức lương như vậy nữa.

Thẩm Mỹ con đường “ Hoa Lệ”

Mình bắt đầu lại từ đầu với Thẩm Mỹ với mức lương thấp hơn bệnh viện cũ, bởi lúc này có 2 bé rồi, chỉ muốn dành thời gian cho con nhiều hơn

Nghỉ tới cảnh phải đi trực để con ở nhà một mình, rồi lâu lâu đi công tác ở các chi nhánh … và biết rằng mãi mãi mức lương của mình chỉ như vậy thôi, dù bây giờ cao thật, nhưng 5 năm nữa có còn cao không ? Mình chuyển hướng qua Thẩm Mỹ Nội Khoa

Vay mượn, nợ nần để đi học …

Thời gian đầu không dưới 2-3 lần mình khóc và muốn xin vào làm lại bệnh viện Cũ, môi trường Thẩm Mỹ quá ““khác biệt””và thực sự khó để hòa nhập và thích nghi

Mình cảm giác mình không còn là một Bác Sĩ khi đứng trước mặt bệnh nhân nữa

Mình phải học rất nhiều thứ để đang là người Bác Sĩ thành một người đáp ứng dịch vụ
Chẳng biết sau vài năm nữa mình có đạt được mức lương 50+ như mình đạt mục tiêu không, nhưng hiện tại thấy nhiều khó khăn, thử thách và mệt nhọc hơn là an nhàn
Có điều dần dần cũng thấy ánh sáng dưới đường hầm rồi
Xung quanh mình có nhiều Bác Sĩ lương cao lắm, nhưng phải nói là đánh đổi thời gian, sức khỏe và cả gia đình.

Phải chăng Bác Sĩ muốn lương cao thì phải đánh đổi? Các bạn có suy nghĩ giống mình không ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here